Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 03/06/2011 - 08:19
(Thanh tra)- Kể từ sau khi lật đổ chế độ độc tài Mohamed Siad Barré vào năm 1991, đất nước Somali lại rơi vào một cuộc nội chiến dai dẳng vì sự tranh giành quyền lực giữa các tướng lĩnh quân đội, những người trước đây từng đứng chung chiến tuyến chống lại chế độ độc tài. Suốt 20 năm qua, hơn ¼ trong số hơn 9,5 triệu người dân Somali phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp của cộng đồng quốc tế. Theo ước tính của Liên hiệp quốc (LHQ), mỗi năm, cộng đồng quốc tế đã phải cứu trợ nhân đạo cho Somali khoảng hơn 1 tỷ USD.
Nhận hàng tỷ USD viện trợ mỗi năm, nhưng người dân Somali vẫn kiệt quệ vì đói khát.
Thế nhưng, kết quả cuộc điều tra mới đây, với sự kết hợp của các chuyên gia LHQ và một nhóm phóng viên quốc tế đã cho thấy một sự thực “phũ phàng”: Phần lớn nguồn trợ giúp của LHQ dành cho Somali đã không biết đi đâu, về đâu. Những khoản trợ giúp cho người dân, trợ giúp cho tái thiết, phát triển và bảo đảm an ninh ở Somali đã bị những tướng lĩnh, các phe phái ở Somali tham nhũng, biển thủ một cách “không thương tiếc”, bất chấp việc người dân nước này đang chìm trong khói lửa nội chiến và kiệt quệ vì đói, rét, bệnh tật.
Nếu như ở Afghanistan, Iraq hay nơi nào có xung đột, chiến tranh thì việc các nguồn cứu trợ nhân đạo “không đến đích” cũng không có gì là đặc biệt. Nhưng riêng với Somali, việc quản lý các nguồn cứu trợ nhân đạo mới đáng “kinh ngạc”. Hầu hết các cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn hàng cứu trợ đều thuộc lòng2 chữ “không biết” khi hỏi về quá trình đưa nguồn hàng cứu trợ đến tận tay người dân. Thậm chí, họ còn cấu kết với các nhân viên, quan chức biến chất của các tổ chức đại diện LHQ ở Somali để cùng thực hiện hành vi tham nhũng, biển thủ. Chẳng hạn như có nhiều đợt hàng cứu trợ đến sân bay Somali hôm trước, thì hôm sau, với sự trợ giúp về mặt giấy tờ, thủ tục của một số nhân viên LHQ biến chất, số hàng này đã ngay lập tức được đưa trở lại các máy bay vận tải để chuyển sang nước thứ 3 theo dạng “tạm nhập, tái xuất”.
Kết quả điều tra cũng cho thấy một thực tế đáng lo ngại ở Somali đó là, việc lực lượng quân đội chính quy, được LHQ tài trợ ngân sách để bảo vệ người dân, bảo vệ các cơ quan quốc tế tại Somali, ngang nhiên bán đạn dược cho các phiến quân. Trong khi đó, các nhân viên LHQ, các tổ chức phi Chính phủ làm nhiệm vụ nhân đạo phải bỏ tiền túi ra để thuê bảo vệ cho chính sứ mệnh nhân đạo của họ ở đất nước này.
Ở Somali, người nào dám cả gan tố cáo tham nhũng thì người đó sẽ trở thành “mục tiêu truy sát” của các nhóm phiến quân. Và trên thực tế, chẳng người dân nào dám làm việc đó, vì xét cho cùng, họ không còn đủ sức lực để đi tố cáo. Quan trọng hơn cả, họ cũng chẳng biết tố cáo tham nhũng ở đâu.
Nhóm điều tra cũng khẳng định, những gì mà họ phát hiện được thực ra cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Giáo sư Stig Jarle Hansen, một chuyên gia nghiên cứu về nền kinh tế chiến tranh và vùng Sừng châu Phi thuộc Trường Đại học Khoa học Đời sống Na Uy nhận định rằng, chính vấn đề tham nhũng ở Somali đã đẩy cuộc nội chiến ở nước này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Những nguồn tài trợ chỉ cung cấp tài chính cho việc đào tạo và trang bị phương tiện nghiệp vụ mà bỏ qua các khoản lương, thưởng cho lực lượng cảnh sát và quân đội. Chính điều này đã vô hình chung đẩy người dân Somali trở thành những đối tượng, mục tiêu bị tống tiền. Không chỉ có vậy, người dân ở Somali còn được “khuyến khích”, thậm chí cả đe dọa không công khai minh bạch. Hệ quả là, người dân hoặc chấp nhận đói rét, bệnh tật, vô gia cư, hoặc lại gia nhập các lực lượng phiến quân. Cuộc nội chiến cứ thế tiếp diễn, dai dẳng mãi không có hồi kết.
Tham nhũng không chỉ nảy sinh, tồn tại trong các lực lượng, phe phái của Somali, mà nó còn tồn tại cả trong đội ngũ những nhân viên biến chất làm việc cho các tổ chức quốc tế đại diện ở Somali. Augustine Mahiga, đại diện của LHQ tại Somali đã tiết lộ một ví dụ điển hình. Đó là việc một cựu nhân viên của LHQ tại Somali có hành vi biển thủ hàng triệu USD tiền cứu trợ nhân đạo trong nhiều năm liền. Trong số đó, có một số hóa đơn trị giá gần 200 nghìn USD được nhân viên này ghi là chuyển cho một “văn phòng liên lạc bảo mật” của Chính phủ Somali. Thế nhưng, khi điều tra mới phát hiện, đây chỉ là văn phòng “ma” do cựu nhân viên này dựng lên để biển thủ số tiền cứu trợ một cách trót lọt.
Augustine Mahiga cũng cho biết thêm, trong năm 2010, có tới một nửa số lương thực, thực phẩm cứu trợ của LHQ dành cho Somali đã không biết đi đâu, về đâu. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng tình trạng tham nhũng là không thể tránh khỏi ở Somali, một trong những quốc gia nghèo nhất, xung đột bạo lực nhất trên thế giới. Theo Augustine Mahiga, thực tế này một phần là do tình trạng kiểm soát, quản lý yếu kém của các cấp chính quyền, một mặt cũng do tình trạng thông tin không được chia sẻ. Bên cạnh đó, việc giới chính khách trong Chính phủ chuyển tiếp ở Somali luôn đòi… sài sang cũng là yếu tố làm nảy sinh hiện tượng “trên bảo, dưới không nghe”. Ví dụ, một số chính khách của Somali, khi sang Kenya làm việc với đại diện các nhóm cứu trợ nhân đạo của LHQ, đã yêu cầu phải được ở khách sạn hạng sang, phải được hỗ trợ chi phí là 300 USD mỗi ngày trong suốt quá trình tham dự những cuộc thảo luận với LHQ. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu phải được trợ cấp hàng tháng là 600 USD để “yên tâm” tập trung vào việc giải quyết các vấn đề nan giải cho chính đất nước của mình. Nếu so sánh yêu cầu này với mức thu nhập chưa đến 1 USD/ngày của người dân Somali, mới thấy cao đến thế nào.
Trong cuộc khảo sát về vấn đề tham nhũng ở Somali, tất cả những người được hỏi, kể cả nhân viên làm việc cho các tổ chức nhân đạo, đều yêu cầu tuyệt đối không được tiết lộ danh tính của họ. Những người được hỏi khẳng định, tình trạng tham nhũng diễn ra thường xuyên, công khai ở mọi khía cạnh của Somali. Một nhóm nhân viên quốc tế làm nhiệm vụ nhân đạo còn tiết lộ, có một dự án (D.A) trị giá 600 nghìn USD, dự định sẽ đầu tư cho thủ đô Mogadiscio, nhưng cuối cùng bị hủy bỏ chỉ vì một bộ trưởng liên quan trong Chính phủ chuyển tiếp Somali yêu cầu phải “lại quả” số tiền lớn nếu muốn ký duyệt để triển khai. Hay như việc một ngôi trường có sức chứa 1.000 học sinh, sau khi xây xong đã được thanh toán 2 lần bởi 2 đơn vị tài trợ khác nhau. Thậm chí, theo tiết lộ của một số nhân viên thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AMISOM), một số tướng lĩnh của quân đội Chính phủ chuyển tiếp ở Somali, sau khi nhận được tài trợ vũ khí từ Liên minh châu Phi, đã bán lại cho các lực lượng phiến quân.
Tình trạng tham nhũng, biển thủ ở Somali đã khiến nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế từ chối tham gia các D.A tái thiết ở nước này. Theo số liệu của Văn phòng Tư vấn kiểm toán Joakim Gundel, trong năm 2010, có tới 21 D.A do một tổ chức phi lợi nhuận Đan Mạch thực hiện đã phải tạm dừng triển khai ở khu vực miền Trung Somali. Nguyên nhân là do, hầu hết những nhà thầu ở đây đều đẩy giá lên cao hơn thị trường chung từ 30%, thậm chí là 50%. Không những thế, nhiều tổ chức nhân đạo cũng đã phải tạm dừng các D.A đầu tư để điều tra xem liệu có phải một số D.A mà họ triển khai, đặc biệt là những D.A xây dựng các khu tị nạn cho người dân Somali, không chỉ bị vượt dự toán quá nhiều, mà còn bị nghi ngờ đã bị các lực lượng nổi dậy chiếm làm doanh trại quân đội, doanh trại huấn luyện dã chiến.
Ngay cả Mỹ và châu Âu cũng đã chính thức tạm dừng không thời hạn mọi D.A hỗ trợ cho Somali để điều tra xem số tiền hỗ trợ nhân đạo của họ đi đâu, về đâu. Các nhà tài trợ này không muốn số tiền của họ được đem ra “nuôi” xung đột, trong khi vẫn đang phải trợ giúp cho những nạn nhân của cuộc xung đột.
Chính tình trạng tham nhũng lan tràn, không kiểm soát được ở Somali đã làm cho phần lớn số tiền dự định để mua lương thực, thuốc men, xây khu tạm cư cho người dân Somali “không cánh mà bay”. Chẳng hạn như năm 2010, theo thống kê, có hơn một nửa số tiền cứu đói cho người dân Somali bị các lực lượng dân quân, có khi cả chính những đơn vị nhận thầu biển thủ.
Cho đến nay, do không có sự phối hợp thông tin, không nhiệt tình phối hợp điều tra nên LHQ cũng không thể thống kê được một con số tương đối về số tiền thất thoát trong quá trình viện trợ nhân đạo cho Somali. Chỉ biết rằng, con số này rất lớn, rất đáng báo động về tình trạng tham nhũng, biển thủ ở Somali.
Ngay cả việc tài trợ cho các đơn vị, lực lượng gìn giữ an ninh là cảnh sát và quân đội, số tiền này cũng vẫn ngang nhiên bị các quan chức an ninh biển thủ. Lương ít, thưởng không có, điều kiện sống khó khăn, điều kiện làm việc vất vả… đã đẩy các nhân viên an ninh “tống tiền” dân thường. Không chịu được bất công, người dân lại gia nhập lực lượng nổi dậy. Vòng luẩn quẩn của xung đột, nội chiến cứ thế tiếp diễn, với mức độ này càng cao. Đương nhiên, trong vòng xoáy của cuộc nội chiến luẩn quẩn đó, chẳng có gì được gọi là trung thực và minh bạch.
Bên cạnh đó, theo nhiều tổ chức nhân đạo ở Somali, tình trạng thất thoát diễn ra khó kiểm soát là do ở mỗi D.A, có quá nhiều người, quá nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý, vừa chồng chéo, vừa lãng phí, lại không thể kiểm soát được khi các đơn vị này không có “thiện chí” hợp tác với nhau. Hơn nữa, để một D.A được triển khai thì phải qua nhiều lần, nhiều cấp phê duyệt, và cấp nào cũng yêu cầu phải thành lập hẳn một bộ máy trực thuộc đơn vị mình để quản lý, bất kể D.A to hay nhỏ. Thời gian kéo dài, bộ máy quản lý khổng lồ, chồng chéo nên nhiều D.A bị bội chi sau khi quyết toán, hoặc bỏ dở giữa chừng vì không đủ kinh phí. Cũng có khi bị các lực lượng nổi dậy chiếm đoạt, “đuổi” không cho triển khai vì D.A nằm trên phần đất do các lực lượng này chiếm đóng.
Để tiếp tục thực hiện công tác nhân đạo, hỗ trợ người dân Somali, các tổ chức tài trợ nhân đạo hiện đều lên tiếng yêu cầu LHQ phối hợp với Chính phủ chuyển tiếp Somali, bên cạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên làm công tác nhân đạo, còn phải thực hiện công khai các khoản đầu tư, giảm bớt các đơn vị quản lý chồng chéo liên quan tới các D.A đang và sắp được triển khai. Ngoài ra, Somali phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với chính bản thân việc tái thiết đất nước của mình. Họ không thể thường trực 2 chữ “không biết” để chối bỏ tất cả những vấn đề kiểm soát nguồn tài trợ đi đâu, về đâu. Nếu những vấn đề này không được cam kết, các nhà tài trợ sẽ cắt giảm, thậm chí hủy bỏ mọi nguồn đầu tư, tài trợ tái thiết, hỗ trợ Somali ổn định và phát triển trở lại. Các nhà tài trợ nhấn mạnh, họ không thể cùng lúc vừa hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột, vừa trở thành nguồn tài trợ bất đắc dĩ cho sự phát triển của cuộc xung đột, nội chiến đẫm máu đã diễn ra trong suốt 2 thập kỷ qua và chưa biết lúc nào sẽ chấm dứt.
Song Minh (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC