Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2021: Thế giới đã chống tham nhũng như thế nào?

Hoài Phương

Thứ hai, 31/01/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Năm qua, dù các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục phải chật vật với các đợt sóng Covid-19, và dù thực tế cho thấy, tham nhũng trong đại dịch giống như nấm gặp mưa, tạo nên cuộc khủng hoảng "kép", thì vẫn phải thừa nhận, đã có nhiều nỗ lực được thực hiện trong cuộc chiến chung chống tham nhũng.

Nhân dịp đầu Xuân, Báo Thanh tra xin được điểm lại những nỗ lực chống tham nhũng nổi bật trong năm 2021.

1. UNGASS: Không để tham nhũng tiếp tục bị mất kiểm soát

Vào tháng 6/2021, đại diện các quốc gia thành viên, các tổ chức kinh tế khu vực, tổ chức xã hội và các quan sát viên trên toàn thế giới đã cùng nhau tham dự Phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNGASS), thông qua Tuyên bố Chính trị mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh hành động chống tham nhũng và đẩy nhanh việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Ảnh: UNODC

Dịp này, các quốc gia thành viên một lần nữa khẳng định quyết tâm chống tham nhũng hiệu quả hơn và xử lý các dòng tài chính bất hợp pháp thông qua một loạt cam kết toàn diện về phòng ngừa, hình sự hóa, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản và hỗ trợ kỹ thuật.

2. CoSP 9 - cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc tế chống tham nhũng

Tháng 12/2021 đã diễn ra Hội nghị Các quốc gia thành viên UNCAC lần thứ 9 (CoSP 9) với khoảng 2.700 người tham gia từ các chính phủ, tổ chức khu vực và liên chính phủ, xã hội dân sự, học viện và khu vực tư nhân. Đây được đánh giá là một cột mốc quan trọng của toàn cầu nhằm cải thiện hợp tác quốc tế chống tham nhũng và giúp thế giới phục hồi toàn vẹn sau đại dịch.

CoSP 9 được đánh giá là cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc tế chống tham nhũng. Ảnh: Ahramonline

CoSP 9 thảo luận các vấn đề chính liên quan tới thực hiện UNCAC. Hội nghị đã nhất trí về 8 nghị quyết đề cập đến các chủ đề chính trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm quyền sở hữu có lợi trong việc thu hồi tài sản. Các vấn đề chính được đề cập trong các nghị quyết cũng bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế, giáo dục và trao quyền cho thanh niên.

3. Thái Bình Dương: Phần lớn người dân tin tưởng vào công tác chống tham nhũng của chính phủ

Ảnh: Channell Anivai/Shawk23 Design & Media

Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) - Thái Bình Dương được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hồi tháng 11/2021 cho thấy một số xu hướng đáng lo ngại. Tuy nhiên, tin vui là hơn 70% người được hỏi cho rằng, người dân bình thường có thể giúp chống tham nhũng và hơn 60% cho rằng, chính phủ của họ đang làm tốt công việc chống tham nhũng.

Theo TI, các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương được khuyến khích khai thác niềm tin này, và hướng dẫn mạnh mẽ mà dữ liệu mới đưa ra về vị trí các vấn đề đang nằm ở đâu, hành động ngay lập tức để tạo ra các xã hội công bằng và minh bạch hơn.

4. Châu Phi: Nhiều bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng

Ảnh: Shutterstock

18 năm trước, Liên minh châu Phi đã thông qua Công ước châu Phi về phòng ngừa và chống tham nhũng (AUCPCC) tại Maputo, Mozambique. Đến nay, Công ước đã được 44/55 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi phê chuẩn.

Kể từ khi Công ước được thông qua, các quốc gia châu Phi đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm việc ban hành luật pháp quốc gia và thành lập các cơ quan chống tham nhũng.

Hầu hết các quốc gia châu Phi hiện nay đều có một cơ quan chính phủ chuyên trách chống tham nhũng. Đáng chú ý, nhiều quốc gia có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực chống tham nhũng, cụ thể như: Cơ quan tình báo tài chính để giải quyết vấn đề rửa tiền và các dòng chảy bất hợp pháp; các cơ quan liêm chính để giải quyết xung đột lợi ích và làm giàu bất chính...

AUCPCC yêu cầu các quốc gia thành viên thúc đẩy hợp tác khu vực, lục địa và quốc tế để ngăn chặn các hành vi tham nhũng.

5. G20 nhất trí cải thiện minh bạch tài chính để chống tham nhũng

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2021. Ảnh: UN News

Trong 2 ngày 30-31/10, tại Thủ đô Roma, Italy, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) đã họp hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí, sẽ thu hút tích cực hơn nữa đông đảo chuyên gia và học giả, xã hội dân sự, các phương tiện thông tin đại chúng và doanh nghiệp tư nhân vào nỗ lực chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, đồng ý thực hiện các biện pháp cải thiện tính minh bạch tài chính nhằm chống tham nhũng và nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ phạm tội tham nhũng cũng như tài sản của chúng.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng thông qua Kế hoạch Hành động chống tham nhũng 2022-2024.

6. G7 cam kết chống tham nhũng

Nhóm G7 tham dự phiên họp toàn thể trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Cornwall, Anh ngày 13/6/2021. Ảnh: Phil Noble / Pool / AFP / Getty Images

Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hôm 13/6 đã tuyên bố cam kết hành động chung để chống tham nhũng.

G7 cũng cam kết chống tham nhũng bằng cách giải quyết vấn đề lạm dụng của các công ty vỏ bọc và rửa tiền thông qua những giao dịch bất động sản.

7. Mỹ mạnh tay với các cá nhân, công ty tham nhũng

Ngày 2/6, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 3 người và 64 công ty Bulgaria có liên hệ với họ vì cáo buộc tham nhũng. Các biện pháp trừng phạt bao gồm: Ngăn chặn các cá nhân và công ty truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ, đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm người Mỹ giao dịch với họ.

Trụ sở chính của Mạng lưới Thực thi pháp luật về tội phạm tài chính tại Vienna, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: EPA / SHUTTERSTOCK

Tiếp đó, ngày 17/6, Mỹ đã cấm nhà lập pháp Guatemala Boris España Cáceres và gia đình của ông nhập cảnh vào Mỹ do "tham gia vào tham nhũng đáng kể".

Tháng 4, Mỹ cũng đưa vào danh sách đen một thành viên Quốc hội Guatemala khác và một Chủ nhiệm Văn phòng dưới thời cựu Tổng thống Alvaro Colom.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc chống tham nhũng trở thành trọng tâm trong chiến lược nhằm giải quyết cái gọi là "nguyên nhân gốc rễ" của tình trạng di cư ở Trung Mỹ khi số lượng người di cư đến biên giới Mỹ - Mexico đã đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ.

Ngoài ra, hồi đầu tháng 6, ông Biden đã ban hành một bản ghi nhớ kêu gọi các cơ quan thực hiện các bước để chống tham nhũng trên toàn thế giới.

8. Trung Quốc: Nhiều nỗ lực trong chống tham nhũng, thu hồi tài sản

Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để làm trong sạch ngành Tư pháp. Chiến dịch được thực hiện từ tháng 2 - 6/2021, đặc biệt nhắm vào các luật sư - những người từng là công tố viên, thẩm phán ở cấp thành phố và quận, và những người đã tiếp tục hành nghề sau khi rời khỏi các vai trò đó.

Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường kiểm tra kỷ luật các tổ chức tài chính để thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành này.

Chiến dịch "Lưới trời" (Sky net) cũng tiếp tục cho thấy hiệu quả. Tính đến tháng 11/2021, 1.114 phần tử tham nhũng và tội phạm kinh tế Trung Quốc trốn chạy ra nước ngoài đã bị bắt giữ trong khuôn khổ Chiến dịch, thu hồi 16,139 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,5 tỷ USD).

Năm 2021, mặc dù số đối tượng bị bắt chỉ ở mức trung bình, nhưng số tiền tham nhũng thu hồi được đã gấp gần 3 lần và vượt xa con số kỷ lục của năm 2019.

9. Đưa ra cái nhìn về vấn đề mới: Tham nhũng phân biệt đối xử

Ảnh minh họa: Andrea Fonseca/ TI

Một nghiên cứu mới của TI và Tổ chức Tín thác Quyền bình đẳng (Equal Rights Trust) đã xem xét sự gặp gỡ nguy hại của tham nhũng và phân biệt đối xử.

Báo cáo mang tính đột phá này đã đưa ra một cái tên: Tham nhũng phân biệt đối xử. Đây là bức tranh chụp nhanh đầu tiên về loại tham nhũng này trên khắp thế giới.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục cho thấy sự phân biệt đối xử - dù là trên cơ sở chủng tộc, dân tộc, tuổi tác, giới tính, khuynh hướng tình dục hay niềm tin - đều tạo ra và thúc đẩy tham nhũng, hình thành một vòng luẩn quẩn làm sâu sắc thêm bất bình đẳng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm