Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lobby đào mỏ

Thứ năm, 29/09/2011 - 13:59

(Thanh tra)- Trong thời gian gần đây, nhu cầu của thị trường nguyên liệu, nhiên liệu mỏ trên thế giới không ngừng tăng cao. Kéo theo đó, giá cả các loại quặng mỏ cũng tăng không ngừng. Điều này đã khiến cho các tập đoàn khai thác mỏ càng phải chú trọng hơn trong việc lobby nhằm giành được quyền khai thác mỏ quặng ở những nơi có trữ lượng lớn, dễ khai thác và mang lại giá trị lợi ích kinh tế cao nhất. Mỏ quặng càng lớn, giá trị càng cao thì việc lobby cũng theo đó mà tăng lên theo cấp số nhân.

Khai thác mỏ quặng lộ thiên ở bán đảo Gaspésie (miền Bắc Canada)

Canada là một trong những quốc gia có trữ lượng mỏ quặng lớn hàng đầu thế giới. Vì thế, việc giành được những hợp đồng khai thác mỏ, nhất là những mỏ lộ thiên (chiếm khá nhiều ở Canada) luôn là mối quan tâm hàng đầu của các tập đoàn khai thác khoáng sản của Canada. Họ gần như không tiếc công sức, tiền bạc, thậm chí cả những thủ đoạn để tạo cho bằng được những mối quan hệ thân thiết nhằm dễ dàng lobby để đạt được những thỏa thuận, những hợp đồng “đào mỏ” cực kỳ “béo bở”, mang lại những khoản siêu lợi nhuận cho tập đoàn kinh tế của mình. Điều đó đã tạo ra một cuộc cạnh tranh lobby đào mỏ rất gay gắt. Dù không công khai, nhưng ai cũng biết và ai cũng hiểu, “trị giá” lobby luôn tỷ lệ thuận với giá trị và trữ lượng của những mỏ quặng.

Lobby nội địa

Kết quả một cuộc điều tra mới đây do một tổ chức độc lập thực hiện cho biết, chỉ riêng mỏ vàng ở gần vịnh James thuộc khu vực phía Bắc Canada đã có tới 21 chiến dịch lobby nhằm giành được hợp đồng khai thác. Trong đó, có tới 11 chiến dịch lobby được thực hiện bởi Công ty Khai thác mỏ Opinaca (một chi nhánh của Tập đoàn Khai khoáng Goldcorp). Theo tính toán của các chuyên gia, nếu dự án (D.A) khai thác của Opinaca được thông qua, giá trị không dưới 6 tỷ USD, và nó sẽ còn tăng lên theo sức tăng “chóng mặt” của giá vàng trên thị trường thế giới hiện nay.

Để có thể giành được hợp đồng khai thác béo bỏ này, các tập đoàn khai khoáng không ngần ngại tuyển dụng những chuyên gia lobby để tiến hành “bôi trơn” mọi thủ tục nhằm giành cho được những loại giấy phép cần thiết. Các cấp chính quyền liên quan, vì biết rõ giá trị của mỏ vàng, nên thẳng thắn đề nghị những khoản hỗ trợ hoặc trợ giúp tài chính một cách công khai từ các tập đoàn khai khoáng như: Hỗ trợ tài chính để đào tạo việc làm, tuyển dụng công nhân ngay tại địa phương, hỗ trợ chính quyền cơ sở phát triển hạ tầng cơ sở và một số ngành kinh tế trọng điểm. Thế nhưng, đó chỉ là những yêu cầu công khai, còn theo một quan chức Goldcorp, trong mỗi lần tiếp xúc, đàm phán với các quan chức liên quan, họ đều phải lobby ít nhất 100 nghìn USD nhằm bảo đảm quá trình làm thủ tục giấy phép khai thác mỏ vàng này sẽ được đẩy nhanh hơn.

Cuộc sống của một số quan chức thì giàu lên nhanh chóng, nhưng cuộc sống của hầu hết dân “đen” vẫn nghèo, thậm chí ngày càng nghèo hơn. Các quan chức đã không còn thực sự lo lắng, quan tâm đến người dân. Thậm chí, tìm mọi cách để bảo vệ cho các tập đoàn khai khoáng.

Cũng theo tiết lộ của Goldcorp, để phục vụ cho quá trình lobby, họ đã phải tuyển dụng tới 9 người vận động hành lang có tiếng ở Canada. Những người này được ủy quyền để tiếp xúc và lobby các cơ quan công quyền liên quan, thực  hiện các “chỉ dẫn” để hoàn thiện thủ tục về tiếp cận đất đai, mỏ quặng, thúc đẩy các thủ tục hoạt động thăm dò khoáng sản trên lãnh thổ Canada, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nơi giàu trữ lượng khoáng sản. Những người này sẽ hoạt động một cách “vô tư và khoáng đạt” nhất có thể, bởi sau họ luôn có nguồn lực tài chính dồi dào, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cần thiết để giành cho được những hợp đồng khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản quý hiếm.

Trong khi đó, theo Tập đoàn Khai thác và Sản xuất kim cương Stornoway, để có được giấy phép độc quyền khai thác mỏ kim cương trong dãy núi Otish (thuộc Québec, Canada), họ đã phải sử dụng tới 3 chuyên gia lobby ở Québec. Ngoài những khoản lobby “bất thành văn”, tập đoàn này đã phải ký kết với chính quyền hợp đồng hỗ trợ tài chính không hoàn lại, bao gồm việc xây dựng một con đường liên tỉnh dài 250km và hệ thống đường dây tải điện theo suốt con đường đó nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Đáng nói là, việc làm này phải triển khai trước khi D.A khai thác kim cương được tiến hành. Bù lại, Stornoway được chính quyền “ưu ái” miễn giảm cho nhiều khoản thuế trong quá trình khai thác, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ kim cương.

Trường hợp Tập đoàn Khai thác quặng sắt Thế kỷ Cananda thì “đau đầu” hơn một chút. Theo cam kết với chính quyền, họ đã liên kết với Tập đoàn Đường sắt vùng Vịnh Canada triển khai xây dựng một tuyến đường sắt khá dài ở khu vực phía Bắc Canada theo phương châm, làm đường sắt trước, triển khai D.A khai thác sắt sau. Thế nhưng, trong khi D.A xây dựng đường sắt đang tiếp tục, các thủ tục, giấy tờ cho phép Tập đoàn Thế kỷ Cananda triển khai D.A khai thác quặng sắt vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu”. Cho đến nay, Tập đoàn Thế kỷ Canada mới chỉ có trong tay giấy phép thăm dò, còn giấy phép khai thác thì vẫn đang còn nằm trên bàn làm việc của các cơ quan liên quan.

Lobby… xuất ngoại

Thị trường nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm từ mỏ trên thế giới đang biến động từng ngày theo chiều hướng tăng cao. Việc này đã khiến các tập đoàn khai khoáng như “ngồi trên đống lửa”. Họ tìm đủ mọi cách lobby để giành được những hợp đồng khai thác khoáng sản trong nước. Tuy nhiên, “của ít, người nhiều”, các tập đoàn phải cạnh tranh nhau một cách khốc liệt nhằm có được giấy phép khai thác. Đương nhiên, để có thể “hớt tay trên” những hợp đồng béo bở, “giá” của lobby cũng theo đó mà liên tục được đẩy lên. Còn với những tập đoàn “không chịu nổi nhiệt”, phải tìm hướng xuất ngoại nhằm chiếm lĩnh các mỏ quặng trữ lượng lớn một cách nhanh nhất, sớm nhất. Trong đó, khu vực châu Phi vốn luôn đầy ắp tài nguyên khoáng sản đã trở thành “mục tiêu” lobby của các tập đoàn khai khoáng đến từ Canada.

Mỏ quặng ở châu Phi đang được các tập đoàn khai khoáng đa quốc gia “đào mỏ” triệt để.


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc thăm dò và khai thác khoáng sản ở nước ngoài, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển nhưng giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á hay khu vực Trung Đông, các tập đoàn khai khoáng Canada đã vô hình chung biến lobby thành một dạng của tham nhũng, hối lộ. Những tập đoàn khai khoáng biết rằng, ở những quốc gia này, đồng lương công chức và thu nhập của các quan chức rất thấp nên không tiếc tiền của để hối lộ quan chức chính quyền, thậm chí cả quan chức Chính phủ để nhanh chóng có được những hợp đồng thăm dò và khai thác khoáng sản. Số tiền họ bỏ ra để lobby ở những nước này ít hơn nhiều, những điều kiện ràng buộc lại thoáng hơn so với ở Canada, nhưng nguồn lợi thu về lại rất lớn đã giúp cho các tập đoàn khai khoáng của Canada “phất” như diều gặp gió.

Cũng chính vì lẽ đó, sau một thời gian dài khai thác và xâm nhập thị trường khai thác mỏ quặng ở các nước nghèo, đang phát triển, nhiều chuyên gia đã nhận định: Chính các tập đoàn khai khoáng của Canada đã làm “thoái hóa, biến chất” một bộ phận không nhỏ công chức, quan chức chính quyền và Chính phủ ở các nước này. Họ coi việc hối lộ quan chức bằng tiền mặt với số lượng lớn, đồ vật có giá trị, những chuyến công du xa hoa như một cách lobby hiệu quả nhất để có được những hợp đồng khai thác khoáng sản. Thậm chí, nhiều người dân ở những nước châu Phi đã gọi các tập đoàn khai thác khoáng sản của Canada bằng một cái tên chung rất đặc trưng, đó là những tập đoàn “Canada Đen”. Sở dĩ người dân gọi như vậy là vì, những tập đoàn này tập trung khai thác mỏ quặng ở lục địa Đen. Đồng thời, dành những khoản “quỹ đen” để hối lộ, “bôi trơn” cho quan chức chính quyền để nhanh chóng giành được những hợp đồng khai thác mỏ quặng.

Cuộc sống của một số quan chức thì giàu lên nhanh chóng, nhưng cuộc sống của hầu hết dân “đen” vẫn nghèo, thậm chí ngày càng nghèo hơn. Các quan chức đã không còn thực sự lo lắng, quan tâm đến người dân. Thậm chí, họ đã tìm mọi cách để bảo vệ cho các tập đoàn khai khoáng. Các quan chức này biết rằng, mình được một thì các tập đoàn khai khoáng được hàng trăm, hàng nghìn, nhưng vẫn sẵn sàng bảo vệ và không ngừng cấp phép khai thác khoáng sản cho các tập đoàn của Cananda. Lý do thật đơn giản, nhờ những khoản lobby mà họ có khối tài sản và thu nhập khổng lồ, gấp hàng vạn lần thu nhập bình quân của người dân nước mình.

Bởi thế, nói đến các tập đoàn khai thác quặng, dầu lửa, thậm chí là sản xuất và kinh doanh dược phẩm ở một số quốc gia châu Phi như Congo, Angola, Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Gabon, Mali, Togo hay Sierra Leone, không ai là không biết tới những cái tên gần như độc quyền của các tập đoàn Canada là IamGold, Barrick, Heritage Oil, Millenia Hope Biopharma... Không những thế, người dân châu Phi đã quá quen với cảnh, để phục vụ cho D.A khai thác mỏ quặng, các quan chức chính quyền địa phương bất chấp tất cả, sẵn sàng dùng vũ lực để san phẳng một ngôi làng (nếu ngôi làng này nằm trên vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản có giá trị), sẵn sàng đàn áp người dân nghèo, di dời họ ra cách xa những khu vực khai thác mỏ. Các quan chức chính quyền này cũng sẵn sàng “làm ngơ” để các tập đoàn nước ngoài mặc sức sử dụng hóa chất cực kỳ độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước trong quá trình khai thác mỏ.

Vận động hành lang (lobby) từ lâu vẫn thường được dùng để chỉ các cuộc vận động trước những kỳ bầu cử ở nhiều nước trên thế giới, và thường chỉ là những cuộc vận động mang tính chất thuyết phục, tạo lòng tin. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế thị trường, “của ít, người nhiều” thì lobby đã được áp dụng triệt để nhằm mang lại những lợi thế kinh doanh nhất định, những hợp đồng “béo bở” cho các tập đoàn kinh tế. Quá trình lobby diễn ra liên tục, ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, nhằm mục đích duy nhất mang lại càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Và đương nhiên, lobby trong kinh tế không chỉ đơn thuần là thuyết phục, tạo lòng tin, mà nó cũng mang nặng yếu tố “kinh tế”. Lobby kinh tế đang dần biến tướng thành một dạng của hối lộ, tham nhũng.

Thăm dò, khai thác các mỏ quặng, đối với các tập đoàn Canada, đó chỉ là giai đoạn đầu của một chiến dịch lobby. Trong quá trình khai thác, để sơ chế và xuất khẩu các sản phẩm từ mỏ quặng, những tập đoàn của Canada lại tiếp tục cuộc “hành trình” lobby. Họ tiếp tục móc nối, hối lộ quan chức chính quyền, cảnh sát, hải quan, thuế vụ để được hưởng những khoản miễn giảm thuế mà ở nhiều quốc gia phát triển, có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới. Một lượng tiền lớn lại được đổ vào túi riêng của các quan chức sở tại. Đổi lại, một lượng lớn tài nguyên khoáng sản quý giá liên tiếp được xuất khẩu sang các quốc gia khác, mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn khai khoáng của Canada. Có tiền rồi, các tập đoàn khai khoáng Canada lại tiếp tục đầu tư khai thác và đầu tư lobby giữ mối quan hệ thân thiết “như người nhà” với các quan chức cấp cao ở nước sở tại. Mối quan hệ này có thể được chứng minh rất rõ ràng khi trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo châu Phi khi bị lật đổ đều kéo theo sự liên lụy của một loạt doanh nhân, những người điều hành và đứng đầu các tập đoàn khổng lồ của các nước phát triển.

Trong mấy năm trở lại đây, khi nhu cầu về nguyên liệu từ quặng và các sản phẩm dầu mỏ ngày một tăng cao, giá những mặt hàng này cũng không ngừng biến động. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, có những loại nguyên liệu quặng, giá tăng cao gấp 4 lần chỉ trong vòng 5 năm. Đơn cử như với quặng sắt, theo khảo sát giá thì trong khoảng thời gian 2003 - 2007, giá quặng sắt đã tăng cao gấp đôi, và chỉ từ 2007 - 2008 tiếp tục tăng thêm gấp đôi, tức là tăng cao gấp 4 lần so với năm 2003. Điều này đã đẩy các tập đoàn khai khoáng vào một cuộc chiến giành thị trường rất khốc liệt. Họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để lobby cho chính quyền các nước sở tại nơi tiến hành các D.A thăm dò và khai thác khoáng sản. Không dừng lại ở đó, sau khi thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ, các tập đoàn này tính đến chuyện trốn thuế, gian lận lợi nhuận nhằm tránh được những khoản thuế doanh thu ở chính quốc. Để làm được điều này, họ lại sử dụng mối quan hệ với các quan chức ở các nước triển khai D.A để khai khống, tăng cao gấp nhiều lần chi phí ban đầu cho một D.A. Các quan chức này, sau khi được lobby đầy đủ thì sẵn sàng chấp thuận cho những khoản khai khống của các tập đoàn khai khoáng. Thậm chí, họ còn giúp đỡ cho các tập đoàn này rất nhiều thủ tục giấy tờ khác nhằm tránh phải nộp thuế trở lại cho quốc gia nơi các tập đoàn đặt trụ sở chính. Việc làm trên không chỉ gây thất thu thuế cho chính quốc, cho nước triển khai D.A, mà còn tạo nên một sự bất công bằng và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tập đoàn đa quốc gia trong các D.A đấu thầu khai khoáng ở khu vực châu Phi.

Tuy nhiên, hiện tượng này hiện nay đang dần được siết chặt khi một số quốc gia nghèo, đang phát triển bị các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, tài trợ quốc tế buộc phải cam kết minh bạch hóa trong hoạt động đầu tư và khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhiều quốc gia châu Phi đã phải ký kết những công ước quốc tế và khu vực trong phòng, chống tham nhũng, minh bạch hóa trong chi tiêu và đầu tư công, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực khai thác mỏ quặng khoáng sản. Đối với các tập đoàn đầu tư thăm dò và khai thác mỏ quặng, khoáng sản, cho đến nay cũng đã bị chính quyền ở chính quốc gia của họ quản lý khi yêu cầu phải công khai mọi khoản chi tiêu phục vụ cho từng D.A, kể cả những khoản tiền, chi phí, quà tặng sử dụng để lobby cho các quan chức chính quyền nơi triển khai D.A. Điều này, về cơ bản, sẽ giúp các cơ quan quản lý tài chính kiểm soát chặt chẽ hơn lợi nhuận thực tế mà những tập đoàn khai khoáng có được ở từng D.A. Bên cạnh đó, giúp cho người dân ở các nước nghèo được hưởng lợi từ những tài sản, là nguồn tài nguyên dồi dào nằm dưới mảnh đất quê hương của họ, ngăn chặn nhóm quan chức cầm quyền hưởng lợi tư túi từ các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Theo điều tra của các tổ chức quốc tế, mặc dù bình quân thu nhập đầu người ở một số quốc gia châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản là rất cao, tương đương với một số nước Tây Âu phát triển, lên đến 30.000 USD/năm/người, nhưng trên thực tế, phần lớn người dân ở những quốc gia này đều có thu nhập chưa nổi 1 USD/ngày (dưới mức đói nghèo). Hàng năm, châu Phi xuất khẩu dầu mỏ và tài nguyên quặng lên tới hơn 400 tỷ USD, nhưng số tiền mà cộng đồng quốc tế phải cứu trợ châu lục này cũng ở con số xấp xỉ 100 tỉ USD. Điều này là do chính quyền và các quan chức lãnh đạo ở những quốc gia châu Phi tham nhũng, biển thủ công quỹ với số tiền khổng lồ, rồi không ngần ngại đem “biếu” tài nguyên khoáng sản cho những tập đoàn đa quốc gia.

Chính vì thế, siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản, công khai minh bạch chi tiêu trong các D.A đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng là một trong những cách gián tiếp để cộng đồng quốc tế ngăn chặn tình trạng hối lộ và tham nhũng ở các quốc gia châu Phi. Đồng thời, giúp người dân các nước này được hưởng lợi ích chính đáng và hiệu quả nhờ chính nguồn tài nguyên quý giá của đất nước họ.

Song Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm