Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hà Nội luân chuyển 1.154 cán bộ để ngừa tham nhũng

Hải Hà

Thứ tư, 24/05/2023 - 15:55

(Thanh tra)- Thời gian qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài. Hơn 2 năm qua, Hà Nội đã chuyển đổi vị trí công tác 1.154 cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.

Thành ủy Hà Nội tiến hành sơ kết sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU. Ảnh: V.T

Kiên trì, không ngừng, không nghỉ

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTN, tiêu cực đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, từ khi Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025" ban hành, công tác PCTN càng được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

Thực hiện chương trình, TP đã tiến hành 1.215 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.154 cán bộ, công chức, viên chức. Qua kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, xử lý kỷ luật 72 trường hợp…

Đáng chú ý, Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý 47 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đánh giá, công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua luôn được Thành ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách; tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực...

Tinh thần ấy đã lan tỏa xuống các sở, ngành, địa phương… Là đơn vị đến nay chưa phát hiện cán bộ nào tham nhũng, nhiều năm liền không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến chia sẻ: Quận ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình PCTN, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của từng cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, quận đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) mà trọng tâm là nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân; chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở tăng cường đối thoại và gắn đối thoại với việc thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư của công dân.

“Các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp ủy, chính quyền được tăng cường từ quận tới cơ sở… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Quận ủy đã kiểm tra đối với 6 tổ chức Đảng và 10 đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý” - ông Tiến cho hay.

Để công tác PCTN hiệu quả, ông Tiến cho biết, kinh nghiệm của Quận ủy Ba Đình là các cấp ủy phải quan tâm lãnh đạo chính quyền cùng cấp đẩy mạnh thực hiện CCHC; gắn CCHC với thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động công vụ và tham gia đóng góp ý kiến.

Đặc biệt, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của chính quyền; tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia PCTN.

Bịt kín “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”

Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhận định, những năm tới, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền TP, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề mới, khó, được nhân dân kiến nghị, quan tâm.

Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã tổ chức 1.695 cuộc giám sát tập trung vào việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP.

Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, HĐND, UBND các cấp tham gia giám sát 2.480 cuộc, tập trung vào những vấn đề nóng, gây bức xúc trong nhân dân có liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí.

Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ động xây dựng Chuyên đề số 08 về “Hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn dân cư thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Qua 2 năm thực hiện, đã tham gia giám sát 6.521 công trình, dự án, phát hiện 435 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 418 vụ. Ban Thanh tra nhân dân giám sát 10.743 cuộc, phát hiện 1.270 vụ vi phạm, kiến nghị 1.208 vụ được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.174 vụ, chiếm 97,18%.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, việc tham gia PCTN, tiêu cực của MTTQ Việt Nam chỉ mang tính xã hội, không mang tính quyền lực nhưng được bảo đảm bằng sức mạnh của dư luận xã hội, bằng sự đồng thuận của nhân dân. Đây là yếu tố quan trọng, là cơ sở giúp đơn vị thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong PCTN, tiêu cực.

Cho rằng, thực tế có nhiều biểu hiện tiêu cực vẫn còn diễn ra trong các sở, ngành, nhất là với các đơn vị có đặc thù công việc giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, doanh nghiệp, ông Vũ Đức Bảo - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội chia sẻ, qua kiểm tra thực thi công vụ, các đoàn kiểm tra của TP đã phát hiện nhiều sở, ngành chưa xây dựng quy chế. Có đơn vị xây dựng quy chế nhưng không thực hiện. Vì vậy, đã xảy ra trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp bị “bỏ quên”, gây lãng phí lớn thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp.

“Cùng với việc chậm CCHC của một số sở, ngành, lãng phí còn tồn tại ở chính sự đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ ban hành văn bản… Thực tế này đã dẫn đến tình trạng lãng phí rất lớn vốn ngân sách Nhà nước tại nhiều dự án do “có tiền mà không tiêu được” - ông Bảo chỉ rõ.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Bảo, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy trình thực thi công vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các sở, ngành có đặc thù công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với việc xây dựng các chuyên đề kiểm tra sâu, cần tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất, không báo trước nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm sai phạm.

“Khi thực hiện đúng, thực hiện nghiêm quy chế, quy trình thực thi công vụ cũng sẽ giúp PCTN, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiền bạc, nguồn lực của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, khi thực hiện nghiêm quy chế, quy trình cũng sẽ tạo ra những động lực tích cực để phát triển kinh tế - xã hội” - ông Bảo nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm