Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 17/05/2013 - 07:55
(Thanh tra) - Rumani đã và đang nỗ lực chống tham nhũng để đỡ mất mặt trên trường quốc tế, đồng thời đạt được cái đích là gia nhập Khối phi thị thực Schengen mà người dân và giới chính khách nước này mong mỏi từ nhiều năm nay.
Chủ tịch ANI Horia Georgescu nhận định, Rumani là 1 “mô hình kiểu mẫu về thực hiện biện pháp hành chính bài trừ tham ô”. Ảnh: Reuters
Hơn 300.000 người Rumani gồm các Bộ trưởng, Đại biểu Quốc hội, quan chức chính quyền địa phương, thẩm phán, cảnh sát, đại diện công đoàn... tổng cộng 39 thành phần xã hội đều phải kê khai tài sản và kê khai bổ sung hàng năm. Tờ khai được công bố trên mạng của Cơ quan Liêm chính Quốc gia Rumani (ANI). Sau 10 năm thực hiện, ban đầu, chính sách này đã gây ra sự bực bội cho nhiều quan chức, nhưng đến nay nó đã mang lại những kết quả nhất định.
Cách đây 10 năm, Rumani thường xuyên bị lên án dung dưỡng tệ nạn tham ô, gây khó khăn, bực bội cho dân chúng trong đời sống hàng ngày. Năm 2003, quốc gia Đông Âu này đã dứt khoát chọn 1 giải pháp chống tham nhũng có thể xem là “cách mạng”: Công khai hóa tài sản.
Sau 10 năm áp dụng, người dân có thể tự do truy cập khoảng 4 triệu bản khai trên mạng điện tử www.integritate.eu của ANI - cơ quan được thành lập theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) để theo dõi, ngăn chặn nạn tham ô, tham nhũng.
Thi hành đạo luật công khai hóa tài sản của Bộ trưởng, công chức và Đại biểu Quốc hội, hơn 300 nghìn người phải kê khai tài sản và hàng năm phải kê khai bổ sung để cho dân chúng biết quan chức cầm quyền có giàu có thêm hay không và nếu có thì tài sản mới đó đến từ đâu. Những người kê khai không đúng hay không giải trình được nguồn gốc tài sản (hoặc tài sản tăng thêm) sẽ bị trừng phạt, theo RFI.
Ông Horia Georgescu, Chủ tịch ANI cho biết, biện pháp công bố bản kê khai tài sản của những người nắm chức vụ trong chính quyền và đại diện dân cử là 1 tấm lưới chặn rất hiệu quả, sàng lọc tham ô, cho phép cử tri có thêm thông tin về các ứng cử viên trước khi quyết định bỏ phiếu bầu. Chẳng thế mà, trong mùa bầu cử, lượng hồ sơ kê khai tài sản tăng lên 800.000 trường hợp.
Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Horia Georgescu nhận định, Rumani là 1 “mô hình kiểu mẫu về thực hiện biện pháp hành chính bài trừ tham ô”. Có điều, theo AFP, những người có quyết tâm trong sạch hóa bộ máy chính quyền Rumani cũng đã gặp rất nhiều chướng ngại trước khi đi đến kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.
Cảnh báo xu hướng lạm dụng quyền lực thời nào cũng có và sẽ gia tăng nếu không có biện pháp chế tài, bà Laura Stefan, chuyên gia chống tham nhũng trong Nhóm Tư vấn Expert Forum, chỉ rõ lực cản đầu tiên đến từ chính một bộ phận Đại biểu Quốc hội. “Dự luật quy định các biện pháp kiểm chứng, kiểm soát chi tiết lời khai đã phải mất rất nhiều thời gian mới được biểu quyết”. Đổi lại, cũng theo chuyên gia Laura Stefan, kết quả hiện nay rất đáng khích lệ: Nhiều Đại biểu Quốc hội đã phải bỏ nhiệm kỳ sau khi cơ quan tư pháp điều tra cho thấy họ khai gian, lạm dụng chức quyền. Một số trường hợp bị kết án hình sự và bị tịch thu tài sản. Hay như cuộc điều tra về nạn mua bằng lái xe đã phát hiện tại nhà 1 sĩ quan cảnh sát có số tiền mặt lên tới 500.000 euro.
Tất nhiên, tại Rumani vẫn còn 1 bộ phận quan chức tiếp tục gây áp lực để bảo vệ sự đặc quyền, đặc lợi. Bởi thế, ANI từng bị Quốc hội Rumani tuyên bố là vi hiến vào năm 2010, buộc phải dừng hoạt động, để rồi sau đó, dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU) mới được tái lập. Hay như, các thanh tra viên thì bị “khủng bố” bằng điện thoại, thư nặc danh hoặc thậm chí dọa cả bỏ tù nếu tiếp tục điều tra.
Cần nói thêm, đến nay, Rumani vẫn chưa được châu Âu cho gia nhập Khối phi thị thực Schengen bởi những lý do chính như: Tình trạng tham nhũng tràn lan và những nguyên tắc cơ bản của 1 Nhà nước pháp quyền không được thực hiện.
Gần đây nhất, tuần đầu tháng 3 năm nay, ngay trước khi Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ EU nhóm họp tại Brussels, Đức và Phần Lan đã lên tiếng cảnh báo sẽ bỏ phiếu chống nếu vấn đề gia nhập Schengen của Rumani được đặt lên bàn nghị sự và được đưa ra biểu quyết.
Trong lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Der Spiegel của Đức, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich khẳng định: Dù tờ trình gần đây nhất của EU cho thấy đã có biến chuyển ở Rumani, nhưng quốc gia này vẫn chưa thực hiện được những điều kiện để gia nhập Schengen nên vẫn phải tiếp tục chống tham nhũng một cách cương quyết và triệt để hơn.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu Rumani được gia nhập Khối Schengen thì người ngoại quốc có thể nhập cảnh Đức bằng tấm thị thực có được nhờ đút lót ở Rumani. Và, đây là điều các công dân Đức không thể chấp nhận được.
Trước đó, sau nhiều lần bị trì hoãn, Rumani dường như đã đặt chân trước ngưỡng cửa Schengen vào mùa Thu năm 2011 nhưng cuối cùng vẫn chịu thất bại do bị Hà Lan bỏ phiếu chống.
Là thành viên của EU từ năm 2007, nhưng đến nay, cùng với Bulgari, Rumani vẫn là 1 trong những nước nghèo nhất, chậm phát triển nhất của Liên minh này. Do việc quản lý kém hiệu quả và nạn quan liêu, tham nhũng tràn lan, giai đoạn 2007 - 2013, mặc dù Rumani được nhận khoản tín dụng xấp xỉ 20 tỉ euro nhưng mức giải ngân cho đến tháng 9/2012 chỉ đạt 10%. Đáng nói hơn, cũng vì những quan ngại gian lận, tham nhũng và lạm quyền ở Rumani nên tháng 10 năm ngoái, EC đã quyết định ngừng toàn bộ các khoản viện trợ phát triển mới cho Chính phủ nước này, thuộc các chương trình nhằm phát triển kinh tế, vùng miền và hệ thống giao thông.
Về phía mình, Tổng thống Traian Basescu cho biết, Rumani vẫn tiếp tục coi việc gia nhập Không gian phi thị thực Schengen là 1 mục tiêu quan trọng. Vì thế, để đạt được nó, ngay cả việc phải “hy sinh những kẻ tham nhũng” cũng không phải chuyện quá lớn. Theo ông Traian Basescu, giờ đây Rumani cần nỗ lực để các Bộ trưởng Nội vụ EU cho họ 1 cơ hội nữa, có thể vào tháng 9 hoặc tháng 12 năm nay.
Chưa biết Rumani sẽ nỗ lực như thế nào, nhưng dư luận chắc vẫn còn nhớ tại nước này từng có những vụ tham nhũng đình đám được phát hiện. Đơn cử, tháng 10/2012, Bộ trưởng Y tế Vasile Cepoi đã phải từ chức do bị cáo buộc xung đột lợi ích và trực tiếp nhận tham nhũng hơn 42 nghìn euro liên quan đến 1 hợp đồng do EU tài trợ được trao cho công ty thuộc bạn bè thân hữu của quan chức này.
Đáng chú ý hơn, vào tháng 6 năm ngoái, cựu Thủ tướng Adrian Nastase đã định tự sát chỉ vài giờ sau khi bị kết án 2 năm tù giam vì biển thủ 1,5 triệu euro trong chiến dịch tranh cử năm 2004.
Cựu Thủ tướng Adrian Nastase được đi cấp cứu sau vụ tự sát không thành ở Bucarest ngày 20/6/2012. Ảnh: Reuters
Sau 8 năm thụ lý vụ án, ngày 20/6/2012, Tòa án Tối cao Rumani đã kết án cựu Thủ tướng Adrian Nastase vì tội tham nhũng. Đây là quan chức cao cấp nhất của Rumani bị kết án vì tội tham nhũng. Chính vì thế, truyền thông phương Tây nhận định: Việc kết án tù ông Adrian Nastase chắc chắn là quyết định quan trọng nhất của hệ thống Tư pháp Rumani trong vòng 20 năm qua. Đối với xã hội Rumani, phán quyết kể trên của hệ thống tư pháp là 1 dấu hiệu cho thấy nền công lý Rumani vẫn còn tồn tại. Gia nhập EU năm 2007, Rumani thường xuyên bị EC giám sát chặt. Châu Âu khuyến cáo Rumani cần chống tham nhũng quyết liệt hơn. Hôm nay, nền tư pháp Rumani chứng tỏ không còn sợ tấn công vào các thế lực được mệnh danh là “các con cá lớn”. Với quyết định này, Rumani đã tham gia vào nhóm rất ít các nước châu Âu từng kết án các cựu Thủ tướng vì tội tham nhũng.
Được biết, sau khi tòa ra phán quyết, cảnh sát đến bắt ông Adrian Nastase tại nhà riêng ở Bucarest. Cựu Thủ tướng Rumani định dùng súng tự sát. Cảnh sát ngăn cản, nhưng súng vẫn nổ khiến ông Adrian Nastase bị thương ở cổ. Và, sau khi được điều trị, sức khỏe của cựu Thủ tướng Rumani là không đáng lo ngại.
Rõ ràng, Rumani đã và đang nỗ lực chống tham nhũng để đỡ mất mặt trên trường quốc tế, đồng thời đạt được cái đích là gia nhập Khối phi thị thực Schengen mà người dân và giới chính khách nước này mong mỏi từ nhiều năm nay... Bản thân Chủ tịch ANI Horia Georgescu cũng tràn đầy lạc quan: “Trong sạch hóa đất nước là con đường dài, nhưng sự kiện những người chống lại phải lùi bước chứng tỏ là chúng ta đã đạt được mục đích”.
Hà Thu - Hà Anh (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC