Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống tham nhũng bằng hành động mạnh

Thứ năm, 20/06/2013 - 15:38

(Thanh tra)- Các quan chức Nga đã được yêu cầu phải gửi thông tin về thu nhập, tài sản và nghĩa vụ tài sản của các thành viên trong gia đình sau khi áp dụng các quy định của Luật Chống tham nhũng năm 2008. Tuy nhiên, từ năm 2013, các Nghị sĩ Quốc hội và các quan chức Chính phủ được yêu cầu phải báo cáo cả về các khoản chi phí lớn. Chưa hết, tất cả những ai tham gia điều hành đất nước đều không thể sở hữu tài khoản ở nước ngoài.

Có thể tham khảo các tờ khai của các quan chức trên trang web của các cơ quan cấp bộ liên quan. Ảnh: RIA Novosti

Kê khai cả thu nhập lẫn chi tiêu

Năm nay, các nhà lãnh đạo của đất nước, quan chức Nhà nước và các nghị sỹ Nga sẽ không chỉ có trách nhiệm khai báo về các khoản thu nhập mà còn cả khoản chi tiêu, kể cả của mình lẫn của vợ hoặc chồng và con cái chưa thành niên. Điều này được xem là 1 bước đi mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của Nga.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Dmitry Medvedev và các nhân viên của họ là những người đầu tiên nộp bản khai về tình trạng tài chính. Noi gương họ là các Bộ trưởng, Thống đốc và các thành viên cả 2 viện của Quốc hội (Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện)). Đến ngày 30/4/2013, tất cả những người có trách nhiệm trả lời trước xã hội về những khoản thu nhập và chi tiêu của họ phải cung cấp đầy đủ mọi tài liệu liên quan.

Trong bản khai, ngoài số lượng tiền còn bao gồm cả các giao dịch mua bán bất động sản, đất đai, chứng khoán và những đồ vật xa xỉ, nếu giá của chúng vượt quá tổng thu nhập của quan chức và gia đình trong 3 năm qua. Trong trường hợp ngược lại, quan chức Nhà nước có trách nhiệm phải thông báo đã mua những hàng hóa này bằng khoản nào (hay của ai). Vì vậy, trong năm nay, các quan chức sẽ buộc phải nhớ tất cả tài sản của mình một cách cẩn thận hơn khi điền tờ khai.

Chuyên gia chính trị học, thành viên Viện Xã hội Nga Sergey Markov nhận xét: “Chiến dịch mà những người hoài nghi ban đầu cho là chủ nghĩa dân túy đang được tiến hành một cách nghiêm túc và có hiệu quả”, theo Đài Tiếng nói nước Nga. “Thứ nhất, số lượng những người phải nộp những bản khai thuế kiểu này không ngừng gia tăng. Thứ hai, chúng được kiểm tra ngày càng kỹ lưỡng hơn”.

Điều quan trọng hơn nữa, ông Sergei Markov nhấn mạnh, xã hội đang quan tâm một cách nghiêm túc hơn đến vấn đề này. Chúng ta có hàng ngàn các nhà hoạt động xã hội sẵn sàng phân tích tỉ mỉ hết sức mức độ trung thực của các báo cáo thu nhập và chi tiêu. Thật vậy, khi những tờ khai này là bí mật, rất khó có thể tìm thanh tra Nhà nước cho tất cả mọi người. Còn bây giờ, khi các dữ liệu được công bố trên Internet (có thể tham khảo các tờ khai của các quan chức trên trang web của các cơ quan cấp bộ liên quan), bất cứ người nào cũng có thể dành thời gian của mình để phân tích chúng. Với thời gian, trong nước sẽ hình thành sự giám sát của xã hội đối với các quan chức. Rồi dần dà, những kẻ tham nhũng sẽ bị lộ mặt và họ sẽ buộc phải rời bỏ chức vụ của mình - chuyên gia chính trị học Sergei Markov tin tưởng.

Mở rộng hơn đối tượng kê khai

Đi xa hơn, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, các thành viên Đảng Cộng sản Nga đã chuẩn bị 1 đề xuất yêu cầu mở rộng những đòi hỏi về kê khai bắt buộc thu nhập và tài sản của các công chức và Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các thành viên Đảng Cộng sản Nga nhấn mạnh rằng, tất cả người thân, trong đó có cha, mẹ, anh, chị, em ruột và trẻ thành niên đều phải khai báo. Trong khi đó, theo pháp luật hiện hành của liên bang Nga, các quan chức cán bộ Nhà nước và Nghị sĩ Quốc hội chỉ phải nộp tờ khai cho bản thân, vợ hoặc chồng và trẻ em vị thành niên.

Tất nhiên, sáng kiến của các đảng viên Đảng Cộng sản Nga đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi phần lớn đại biểu khẳng định rằng, đối với họ, không có vấn đề gì trong việc mở rộng danh sách các thành viên trong gia đình phải nộp tờ khai, thì cũng có nhiều ý kiến khác nhấn mạnh: Yêu cầu này vi phạm quyền bí mật riêng tư của công dân.

Từ góc nhìn của mình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị Boris Makarenko nhận định: Chúng ta mới chỉ bắt đầu cảm thấy thành quả của việc các quan chức của chúng ta tiến hành kê khai tài sản của mình và tài sản của những thân nhân gần gũi nhất của họ. Và, trước đó cũng đã nói rất nhiều đến việc điều này vi phạm bí mật riêng tư. Lý lẽ này không đứng vững không chỉ do được ứng dụng trên toàn thế giới, mà cả về mặt lẽ phải. Nếu 1 người được trao quyền thông qua các đạo luật, phân bổ sử dụng tiền Nhà nước cũng như các nguồn dự trữ, ông ta sẽ không được quyền bảo vệ 100% cho cuộc sống riêng tư của mình. Mọi người có quyền biết về việc liệu người này có làm giàu bất hợp pháp hay không.

Trong vài năm qua, nước Nga thông qua nhiều dự luật nhằm hạn chế nạn tham nhũng. Loại bỏ tính gia đình trị, kiểm tra chặt chẽ báo cáo thu nhập và chi phí, yêu cầu các quan chức và Nghị sĩ từ chối tài khoản và tài sản ở nước ngoài - tất cả những mục tiêu này đang góp phần làm trong sạch đội ngũ chính trị ưu tú. Vì vậy, cộng đồng xã hội tích cực ủng hộ các biện pháp chống tham nhũng và tính chất gia đình trị.

Đáng nói là, cuộc tranh luận càng trở nên hấp dẫn hơn khi bà Irina Yarovaia, thành viên của đảng cầm quyền - Đảng Nước Nga thống nhất - Chủ tịch Ủy ban An ninh và Chống tham nhũng của Hạ viện Nga, bị các blogger phát hiện có 1 căn hộ không khai báo. Căn hộ tiện nghi cao cấp ở ngay trung tâm Thủ đô Moscow thuộc sở hữu của con gái thành niên của bà Irina Yarovaia, do đó tài sản của cô không cần thiết phải khai báo trong bản khai của cha mẹ mình. Tuy nhiên, tại thời điểm mua căn hộ, cô con gái chỉ mới 17 tuổi và cô không thể mua bất động sản bằng thu nhập của mình.

Theo các nhà hoạt động, vấn đề này đòi hỏi phải điều tra. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát tuyên bố: Không có cơ sở pháp lý cho việc này.

Khó khăn còn lớn hơn nhiều trong việc xác minh tính hợp pháp việc mua tài sản của anh, chị, em và những người thân khác của các công chức và Nghị sĩ. Hơn nữa, 1 người có thể không duy trì mối quan hệ chặt chẽ với gia đình của mình, nhưng lại tin tưởng hoàn toàn vào bạn bè, bao gồm cả việc chuyển một phần thu nhập vào tên của họ.

Trong trường hợp này, danh sách những người phải khai báo thu nhập trong tờ khai của công chức có thể được kéo dài đến vô tận. Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị lập luận: “Bản thân các quan chức và những người cùng gia thuộc, đó là vợ hoặc chồng và con chưa thành niên, hiển nhiên là cần minh bạch trong thu nhập của họ. Tuy nhiên, cha, mẹ, anh, chị, em, đó là những cá nhân và họ có quyền có cuộc sống riêng tư”.

Theo ông Boris Makarenko, bây giờ quan trọng không phải là tăng gấp 10 lần danh sách những đối tượng lọt vào vùng sáng của đèn pha chống tham nhũng mà là làm sao cho ngọn đèn này hoạt động được và có hiệu quả.

Không sở hữu tài khoản ngân hàng nước ngoài

Quan chức cấp cao Nga không thể sở hữu tài khoản trong ngân hàng nước ngoài và cần khai báo mọi bất động sản của họ ở ngoài biên giới. Quan chức Nhà nước cũng sẽ không được sở hữu cổ phần và trái phiếu của công ty nước ngoài. Dự luật liên quan do Tổng thống Nga đề xuất đã được Hạ viện thông qua lần đọc thứ nhất.

Bảo đảm an ninh quốc gia, đưa nguồn tiền quay về phục vụ kinh tế nội địa và đấu tranh chống tham nhũng là 3 mục tiêu trong dự luật của ông Vladimir Putin. Tất cả những ai tham gia điều hành đất nước đều không thể sở hữu tài khoản ở nước ngoài. Danh sách được liệt kê cụ thể và không để xảy ra những diễn giải mập mờ. Dự luật được nêu liên quan tới các Nghị sĩ Quốc hội, lãnh đạo Viện Tổng Công tố, Ban Quản trị Ngân hàng Trung ương, các đại diện lãnh đạo hành chính khu vực, giám đốc các công ty và qũy Nhà nước cũng như thành viên gia đình những đối tượng này.

“Hiển nhiên, những người vào làm trong cơ chế Nhà nước, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng phải cởi mở tối đa về thông tin. Tất cả lợi ích và tích lũy của họ phải hiện diện ở liên bang Nga. Không thể để gợi ý bất cứ động thái ưu tiên dù nhỏ cho một quốc gia nào khác. Tổng thống yêu cầu đối phó pháp luật với sự lợi dụng tiêu cực vận động hành lang, vạch ra những biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia Nga. Đối với chúng tôi, vô cùng quan trọng lòng tin từ người dân trước công việc của các cơ chế Nhà nước, rằng tất cả được thực hiện vì lợi ích của nhân dân và đất nước” - bà Irina Yarovaia, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Chống tham nhũng của Hạ viện Nga, nói.

Theo dự luật đã được thông qua hồi tháng 4/2013, giới quan chức các cấp sẽ có 3 tháng để hoàn thành thủ tục đóng tài khoản và chuyển tiền vào ngân hàng của Nga. Bên cạnh đó, họ còn phải kê khai tổng giá trị tài sản gửi ở nước ngoài và chứng minh nguồn gốc của lượng tài sản trên nếu giá trị tài sản vượt mức thu nhập của gia đình trong 3 năm gần đây, theo Nhật báo Liberation của Pháp. Bằng không, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị sa thải hoặc tước chức quyền do để mất lòng tin.

Tuy nhiên, Nhật báo Liberation cũng cảnh báo: Để biện pháp này hiệu quả thì Tổng thống Putin phải kèm theo chương trình bảo vệ những người làm chứng, tố cáo nạn tham nhũng bằng cách tước bỏ khả năng một số quan chức cao cấp Nga có thể truy cứu pháp luật những người tố cáo tham nhũng sau này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị Chính phủ tăng cường cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ảnh: RIA Novosti


Được biết, ý tưởng hạn chế hoạt động tài chính của các quan chức Nga ở nước ngoài đã được nêu lên vào cuối năm 2012 trong Thông điệp Tổng thống gửi Quốc hội Liên bang. Khi đó, ông Vladimir Putin tuyên bố rằng: Một người lựa chọn phục vụ quốc gia cần sẵn sàng với những hạn chế như vậy.

Cam kết sẽ có những biện pháp cứng rắn để đấu tranh chống nạn tham nhũng trong nước, nhưng Tổng thống Nga cũng khẳng định: Không đẩy vấn đề đến chỗ thái quá. Và, khi được hỏi: Liệu ông có thấy sự thái quá trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là việc cấm các quan chức Nhà nước sở hữu tài khoản ngân hàng ở nước ngoài? Ông Vladimir Putin trả lời: “Tôi cho rằng, ở đây không có gì thái quá”.

Cần nói thêm, theo kết quả thăm dò dư luận của Quỹ Ý kiến xã hội được công bố vào trung tuần tháng 2/2013, có tới 89% người Nga ủng hộ dự luật cấm các quan chức gửi tiền ở nước ngoài. Đại đa số người Nga không ai giữ tiền trong ngân hàng nước ngoài và họ khó thể chấp nhận lý do tại sao những tài khoản như thế cần thiết đối với cá nhân vốn có nghĩa vụ hàng đầu là chăm lo lợi ích xã hội, thay vì nâng niu tài sản của họ ở nước ngoài.

Ở khía cạnh liên quan, hồi đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị Chính phủ tăng cường cuộc đấu tranh chống tham nhũng, trong đó tập trung chú ý vào những bước đã được xây dựng trong khuôn khổ của G20. “Cải thiện môi trường pháp lý, khả năng cạnh tranh cho tất cả các yếu tố kinh doanh là vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự kinh tế hiện nay. Cùng với các cấu trúc hành chính trong khu vực cần làm tất cả mọi việc để loại bỏ những rào cản tham nhũng”, ông Vladimir Putin nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ ở Điện Kremlin.

Tổng thống Nga lưu ý rằng, phải tăng tính minh bạch của các thủ tục Nhà nước, thực hiện giám định chống tham nhũng theo tiêu chuẩn pháp lý. Theo ông Vladimir Putin, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà nước, bao gồm cả Chính phủ. “Tôi đề nghị quan tâm đặc biệt đến những bước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà chúng ta đã xác định với đối tác của mình trong nhóm G20”, ông Vladimir Putin nói.

Cũng theo người đứng đầu nước Nga, bản thân việc kinh doanh trên thực tế đã hình thành kế hoạch hành động cho Chính phủ và các cơ quan chính quyền khu vực.

Đại biểu Quốc hội dứt áo ra đi

Những tháng đầu năm 2013, Nga ghi nhận một loạt bê bối liên quan đến tài sản của các quan chức. Gần chục ĐBQH bị nghi ngờ sở hữu những tài sản không khai báo đã vội vã rời khỏi Thượng viện và Hạ viện. Đơn cử, cuối tháng 2/2013, 3 thành viên của Đảng Nước Nga thống nhất đã ra khỏi Duma Quốc gia. Họ ra đi khi chưa có những cáo buộc chính thức, ngay sau khi có những tín hiệu đầu tiên của vụ bê bối, để không ảnh hưởng xấu đến đảng cầm quyền và chính quyền nói chung.

Đã có những ĐBQH Nga dứt áo ra đi vì không chịu nổi áp lực kê khai. Ảnh: RIA Novosti


Rùm beng nhất có lẽ là vụ từ chức của ông Vladimir Pekhtin - một trong những nhân vật nổi bật của Đảng Nước Nga thống nhất. Các blogger đã phát hiện Nghị sĩ này sở hữu bất động sản ở Mỹ nhưng không đưa vào bản kê khai.

Tuyên bố rằng, tài liệu đó hoặc giả mạo hoặc phải có một số sai sót, ông Vladimir Pekhtin quyết định từ bỏ quyền hạn ĐBQH để “đi tìm sự thật”. “Trước luật pháp, tôi là người trong sạch, chưa bao giờ vi phạm và sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật trong tương lai”, ông Vladimir Pekhtin nhấn mạnh và cho biết thêm: “Có rất nhiều tài liệu gây tranh cãi phát tán trên mạng Internet, và có sự hiểu lầm pháp lý cần được làm sáng tỏ. Tôi trả lại quyền hạn của mình mà tôi luôn luôn phấn đấu có được trong một cuộc đấu tranh chính trị công bằng, điều này kẻ thù của tôi và những người phản biện của tôi biết rõ. Tuy nhiên, tôi không khăng khăng giữ lấy danh hiệu ĐBQH, bởi vì tôi cho rằng, cá nhân chỉ là thứ yếu so với Đảng Nước Nga thống nhất”.

Hay như, tỷ phú Anatoly Lomakin, đảng viên Đảng Nước Nga thống nhất, cũng không chờ đến khi bê bối nổi lên mà lập tức từ bỏ quyền hạn của mình tại Quốc hội.

Giám đốc Viện Phân tích Chính trị Quốc tế Yevgeny Minchenko được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời cho rằng, ở Nga đang có xu hướng mới là các doanh nhân từ bỏ hoạt động chính trị. “Tôi nghĩ rằng, bây giờ các doanh nghiệp lớn, trước hết là doanh nhân ở các khu vực, sẽ suy nghĩ cân nhắc hàng trăm lần trước khi đi sâu vào quyền lực. Và, không quan trọng là họ sẽ còn từ chức ra đi hay không từ chức. Quan trọng hơn là, doanh nghiệp không nên vào Hạ viện làm gì. Nhờ điều này mà vị trí của đảng cầm quyền sẽ mạnh hơn. Đồng thời, cùng một lúc với Vladimir Pekhtin, 2 đại biểu khác tình nguyện từ bỏ ghế Quốc hội mà không có bất kỳ khiếu nại nào. Tôi nghĩ, hình ảnh của chính quyền sẽ được cải thiện rất nhiều”.

Có vẻ như là, đã đến lúc ĐBQH Nga quyết định trước hết họ là ai: Nhà lập pháp và chính trị gia hay là doanh nhân và chủ sở hữu các lợi ích tài chính ở nước ngoài. Hai vấn đề đó không thể kết hợp đồng thời với nhau. Khi mà Nhà nước tuyên bố cuộc chiến chống tham nhũng là ưu tiên quốc gia, các Nghị sĩ cần có danh tiếng hoàn hảo nhất.

Bài trừ gia đình trị trong bộ máy chính quyền

Người Nga ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng xóa bỏ chủ nghĩa gia đình trong bộ máy hành chính Nhà nước. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến toàn Nga (VTsIOM), đại đa số các công dân Nga nhất trí rằng, tính gia đình trị cần được trừ bỏ trong các cơ quan hành pháp cũng như lập pháp, ở mọi cấp, từ liên bang đến khu vực.

Đài Tiếng nói nước Nga cho biết: Khi đưa ra đề xuất cấm người thân làm việc trong Quốc hội, các Nghị sĩ Nga không ngờ họ đã nhận được sự ủng hộ lớn từ phía xã hội. Theo các cuộc thăm dò của VTsIOM, người Nga không chỉ đồng tình với sáng kiến mà còn khuyến khích mở rộng hiệu lực qui định. 76% số người được hỏi hoan nghênh cấm các thân nhân cùng làm việc trong bộ máy Chính phủ. Khoảng 1/4 ý kiến khẳng định trước khi được bổ nhiệm phải thực hiện thẩm định khả năng ứng cử viên có người thân là quan chức cấp cao. Nhìn chung, dư luận đánh giá đây là một biện pháp tích cực giảm thiểu tham nhũng.

Ông Dmitry Abzalov, Phó Chủ tịch Trung tâm Thông tin Chiến lược, cho rằng, loạt định kiến tiêu cực về công chức đã ăn sâu vào nhận nhức xã hội. Đặc biệt phổ biến là nhận xét cho rằng, tiền của và mối quan hệ gia đình trở thành công cụ duy nhất để nhoi lên trong các cơ cấu quyền lực.

76% số người được hỏi hoan nghênh cấm các thân nhân cùng làm việc trong bộ máy Chính phủ. Ảnh: RIA Novosti


Những biện pháp mới được nêu lên hi vọng góp phần cải thiện sự tin cậy đối với đại diện chức trách. Một kết quả tiềm năng nữa là nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và hoạt động Quốc hội. Ví dụ, dù có trình độ chuyên môn cao tới đâu, những người thân thường bảo vệ trước hết lợi ích của nhau. Trong cùng một chính đảng, sự tồn tại của các thành viên gia đình có thể làm sụt giảm tính tranh luận tích cực trong nội bộ, áp đảo các quan điểm trái chiều - Phó Chủ tịch Trung tâm Thông tin Chiến lược khẳng định.

Hơn nữa, tính chất gia đình cũng là mối đe dọa trực tiếp cho sự phồn thịnh của Nhà nước. Trong những năm gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật của Nga đã khám phá hàng loạt vụ tham ô, biển thủ công quĩ quy mô lớn trong các doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty tư nhân thực hiện hợp đồng Chính phủ.

Được nhắc tới nhiều là biểu hiện gian lận trong cơ cấu Bộ Quốc phòng. Hai cựu quan chức Ekaterina Smetanova và Maxim Zakutaylo là cặp vợ chồng đã bị khởi tố hình sự. Bà Ekaterina Smetanova từng là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Ekspert. Chồng bà, ông Maxim Zakutaylo, lãnh đạo kho vật tư của Lực lượng Không quân Quân khu Moscow. Hai vợ chồng này đã cấu kết và gây thiệt hại 3 tỷ rúp (100 triệu USD) cho ngân sách. Tất nhiên, đây chỉ là 1 trong hàng chục trường hợp nghiêm trọng, thúc đẩy xã hội công phẫn phê phán hiện tượng lôi kéo họ hàng vào bộ máy kinh doanh, theo Đài Tiếng nói nước Nga.

“Ở Nga, 1 điều luật được thông qua từ thời kỳ Xô Viết vẫn tiếp tục hiệu lực là không chỉ định 1 người vào vị trí phục tùng thân nhân người này trong các cơ quan hành chính. Thực tế, qui định chỉ liên quan đến các cấp cơ quan Nhà nước. Trong lĩnh vực kinh doanh, Nhà nước không có quyền áp đặt điều luật. Vấn đề ở chính sự ràng buộc quan hệ giữa quan chức Nhà nước và các thân nhân trong cơ chế kinh doanh. Đây chính là sự thông đồng nguy hiểm thực sự”, nhận xét của giáo sư Vladimir Sokolov, Học viện Kinh tế và Hành chính Quốc gia Nga, được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời.

Năm 2012, nước Nga đã khởi tố hình sự hơn 800 đối tượng có qui chế pháp lý đặc biệt, bao gồm quan chức các ngành thực thi pháp luật, một số Nghị sĩ và quan chức cấp cao. Cũng trong năm 2012, có gần 38 tỷ euro được chuyển trái phép từ Nga ra nước ngoài, theo Ngân hàng Trung ương Nga.


Hà Thu - Hà Anh
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm