Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từng bước hoàn thiện chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Lê Phương

Chủ nhật, 26/09/2021 - 16:29

(Thanh tra) - Những năm qua, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục đã và đang phát huy tác dụng.

Những buổi học ngoại khóa luôn được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: LP

Tỷ lệ học sinh vùng dân tộc, miền núi ra lớp tăng cao

Các chính sách đã góp phần hỗ trợ tích cực và đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi. Nhờ vậy, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật.

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường dự bị đại học được Nhà nước đảm bảo chi phí ăn, ở, học tập. Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được hỗ trợ gạo 9 tháng/năm. Học sinh tiểu học, THCS, THPT là người DTTS đáp ứng được các điều kiện thụ hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, hưởng 9 tháng/năm, được hỗ trợ tiền nhà ở. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở, 9 tháng/năm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDÐT), quy mô, mạng lưới trường, lớp học ở vùng DTTS, miền núi ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc: Năm học 2020-2021, vùng DTTS, miền núi có 3.489 trường mầm non, 3.195 trường tiểu học, 2.604 trường THCS, 967 trường tiểu học và THCS, 488 trường THPT, 93 trường THCS và THPT. Hệ thống các trường chuyên biệt dành cho con em người DTTS và con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn được củng cố và phát triển.

Yên Bái là tỉnh miền núi điển hình cho thấy sự chuyển biến đó. Yên Bái có đông đồng bào dân tộc, học sinh DTTS chiếm trên 60%. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 9 trường PTDTNT với gần 3.000 học sinh, 54 trường PTDTBT với gần 29 nghìn học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên, Yên Bái cho biết, trường có đến 70% học sinh là con em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, các chính sách hỗ trợ các em học sinh đặc biệt khó khăn tại Yên Bái nói chung và tại Trường THPT Hồng Quang nói riêng được thực hiện rất nghiêm túc.

Ngoài triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ của Chính phủ còn có sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, công đoàn ngành giáo dục, hội khuyến học địa phương, nên cũng phần nào giảm được gánh nặng về kinh tế của gia đình, để các em được cắp sách tới trường.

Giáo viên Trường THPT Hồng Quang (trái ảnh) trong một lần đến tận nhà vận động phụ huynh học sinh cho con em trở lại trường học. Ảnh: LP

Thầy Cường chia sẻ, làm công tác giáo dục ở các tỉnh miền núi rất khó, đặc biệt là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều con em là người DTTS. Vận động các em đến trường đã khó, giữ được các em theo hết cấp học còn khó hơn. Xác định được điều này, nên ngoài việc vận dụng các chính sách của Trung ương, của địa phương, những người làm công tác giáo dục còn phải có lòng nhiệt huyết, thực sự yêu nghề, yêu trẻ thì mới hoàn thành tốt công việc của mình.

Tại một số điểm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, để các em trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều thầy, cô giáo không quản gian khó, trèo đèo, lội suối vào từng thôn, bản, tới từng gia đình để vận động gia đình cho các em được đến trường, vận động các em trở lại lớp khi phải nghỉ học vì thiên tai, dịch bệnh. Rồi các thầy, cô giáo còn đến tận nhà hướng dẫn các em học sinh tiếp cận với công nghệ 4.0 để học trực tuyến khi phải nghỉ học vì địa phương thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19…

Song, những vất vả của thầy, cô giáo Trường THPT Hồng Quang được đền đáp bằng kết quả học tập của các thế hệ học sinh. Thành tích học tập của các em năm sau luôn tốt hơn những năm trước đó, trong đó, năm học 2020 - 2021, trường có đến 80 em học sinh giỏi toàn diện, 6 học sinh giỏi cấp tỉnh và có 22 em học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Theo Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc (Bộ GDÐT) Lê Thị Thanh Nhàn, một trong những yếu tố góp phần duy trì chất lượng và tỷ lệ học sinh vùng dân tộc miền núi ra lớp tăng cao thời gian qua là nhờ chế độ, chính sách đối với học sinh vùng DTTS, miền núi được bảo đảm.

Chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS đi học, không bỏ học giữa chừng.

Nhiều địa phương đã ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho học sinh, sinh viên DTTS. Tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt hơn 95%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi hơn 60%; học sinh tốt nghiệp THCS hơn 98% và tốt nghiệp THPT hơn 90%.

Chất lượng giáo dục của trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp tăng; tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%; học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 92%. Môi trường học tập ở trường PTDTBT đã giúp học sinh DTTS tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm.

Tiếp tục đầu tư các nguồn lực 

Có thể nói, sau thời gian triển khai, hệ thống chính sách đã có tác động sâu sắc và rõ nét đối với thực trạng giáo dục cho đồng bào DTTS. Các chính sách đối với đồng bào vùng DTTS, miền núi đã được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường THPT Hồng Quang trao quà của nhà tài trợ và hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: LP

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giáo dục cho đồng bào DTTS, miền núi thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như hộ nghèo DTTS vẫn bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ giáo dục so với hộ nghèo nói chung và so với cả nước.

Nhiều địa phương chỉ chú ý đến quy hoạch về số lượng mà chưa chú ý các điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất ở hầu hết các trường PTDTBT chưa được chú trọng đầu tư xây dựng. Phòng ở nội trú cho học sinh bán trú, nhà bếp, nhà ăn tập trung; các hạng mục công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng và công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt còn thiếu, hoặc đã có thì chưa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho học sinh.

Hiện, có 14 tỉnh có đông đồng bào DTTS có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không biết chữ rất cao, như Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Điều này cho thấy việc xóa mù chữ cho người trưởng thành là một thách thức rất lớn với các DTTS.

Khoảng cách đến trường trung học phổ thông là tương đối xa đối với nhóm học sinh DTTS. Có học sinh phải vượt 20 - 30km đường đồi núi để đến trường.

Mặt khác, một số chính sách ưu đãi về giáo dục dành cho vùng DTTS và miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực…

Được biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát việc ban hành các cơ chế chính sách phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, cũng như sẽ sớm ban hành nghị định mới hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ trong ngành giáo dục theo hướng quy định rõ ràng, hợp lý về đối tượng, địa bàn, định mức cụ thể.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng đầu tư các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS và miền núi, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm