Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thay miễn học phí bằng vay tín dụng: Không khả thi!

Thứ ba, 27/03/2018 - 06:33

(Thanh tra)- Bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm thay vào đó là cho vay tín dụng đã được đưa ra "mổ xẻ" từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), vấn đề này được "xới lên" và ngay lập tức lại "nổ" ra những tranh luận trái chiều...

Năm 2018, tuyển sinh vào các trường sư phạm có nhiều thay đổi. Ảnh: Hải Hà

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham vọng sẽ thu hút học sinh khá, giỏi vào sư phạm thông qua việc sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) cao đẳng (CĐ) nhóm ngành Sư phạm trong năm 2018. Theo đó, đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; còn CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực từ khá trở lên.

Mục đích của Bộ GD&ĐT là nâng cao chất lượng đầu vào của các trường sư phạm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục và giảng viên sư phạm, nếu không có những chính sách đi kèm như học phí, đầu ra, mức lương... thì học sinh khá, giỏi vẫn "quay lưng" với… sư phạm.

Dư luận đang ngóng trông một “luồng gió mới” đưa sư phạm quay lại thời kỳ “hoàng kim” như những năm 1996 đầu 2000, nhưng ưu đãi chưa thấy đâu thì mới đây tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục trong đó có nội dung quan trọng là học sinh, sinh viên sư phạm phải đóng học phí như các ngành học khác.

Giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra là cho sinh viên sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đề xuất của Bộ GD&ĐT có thể gây tác dụng ngược với chính sách thu hút học sinh giỏi vào sư phạm mà Bộ này đã công bố trước đó.

Bà Lê Thị Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Huế) cho biết, phần lớn sinh viên của trường khi được hỏi lý do chọn nghề đều trả lời vì được… miễn học phí.

Trường ĐH Sư phạm Huế có khoảng 5.000 sinh viên thì khá đông trong đó là con em gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số. Nhóm này chiếm 70 - 80% tổng số sinh viên ở một số khoa.

"Nếu phải đóng khoảng 20 triệu đồng cho cả khoá học ĐH, gia đình các sinh viên nói trên có thể sẽ gặp nhiều khó khăn".

Ông Phan Huy Dũng - Giảng viên Khoa Sư phạm Ngữ văn, ĐH Vinh thì cho rằng: Ngành Sư phạm bây giờ đã mất sức hấp dẫn rồi, nếu không miễn học phí thì chúng ta đã góp phần cho nó không còn sức hấp dẫn nào nữa. Vấn đề ở đây không phải là câu chuyện mấy đồng mà quan trọng hơn là chưa có một sự quan tâm thỏa đáng, là cảm giác… bị bỏ rơi.

Nói về đề xuất cho vay tín dụng sư phạm, nữ giảng viên thẳng thắn: Sẽ không khả thi và không công bằng.

Lý giải nguyên nhân, bà Hương cho biết: Hiện các địa phương đều có rất ít chỉ tiêu biên chế giáo viên, ở Huế nhiều năm nay không tuyển dụng giáo viên cấp THPT. Sinh viên sư phạm vì thế ra trường rất khó xin việc, có em muốn vào ngành phải bỏ ra khoản tiền lớn để "chạy". Việc được làm đúng nghề giáo đã trở thành may rủi, nên sẽ không công bằng nếu những em đã không may mắn trong xin việc, lại phải trả nợ ngân hàng.

Bà Hương đặt câu hỏi: "Nhà nước sẽ thu như thế nào với những em đi làm trái ngành một vài năm rồi lại xin đi dạy?".

Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cũng cho rằng, cho vay tín dụng là không khả thi. “Cho vay rồi khó đòi lắm, đòi bằng cách nào?”.

Theo PGS vấn đề quan trọng nhất phải bàn đối với đào tạo sư phạm bây giờ là quy hoạch các trường sư phạm. Thực tế là hiện nay có quá nhiều trường đào tạo sư phạm, chất lượng lại không đồng đều, vì vậy nên mạnh tay để lại một số cơ sở lớn làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên, còn các trường ĐH đa ngành hay CĐ địa phương không nên tuyển sinh ngành này nữa.

Theo các chuyên gia, bên cạnh miễn học phí, để hút người giỏi vào sư phạm phải tạo ra sự hấp dẫn, mà hấp dẫn nhất chính là… việc làm sau khi ra trường. Các bộ ngành liên quan phải hợp tác để tìm ra lời giải việc làm, xóa tình trạng “có quy hoạch nhưng không giải phóng được mặt bằng” vì nhiều giáo viên quá như hiện nay.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm