Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 15/03/2022 - 18:23
(Thanh tra) - Đối với học sinh ở những địa bàn vùng thấp, việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khó, nhưng với các em học sinh sống ở vùng cao, vùng sâu ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, việc củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 càng khó khăn trăm bề.
Thế nhưng, ở những làng bản xa xôi lừng chừng núi đó, hàng ngày các em vẫn miệt mài, băng rừng, vượt khe suối, leo lên núi tìm sóng điện thoại để học trực tuyến trong những “lớp học” chênh vênh giữa đại ngàn.
Đã 2 tuần nay, mỗi buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ, em Đặng Phúc Tiến nhà ở bản Khe Tối, thôn Khe Lầu, xã Phong Dụ Hạ hiện đang lớp 7B, Trường TH & THCS Phong Dụ Hạ lại cùng bố vượt qua những con đường đất trơn trượt, xuyên qua những rừng cây khoảng chừng 30 phút để đến nơi có sóng điện thoại tốt nhất ở bản tìm cái chữ, học kiến thức.
Nhà của Tiến cũng như nhiều bạn nhỏ ở bản Khe Tối là một nơi không hề có sóng điện thoại, việc kết nối không gian mạng để học online vô cùng khó khăn. Tuy ở cái điểm được xác định là tốt nhất này, thi thoảng mạng vẫn bị rớt và Tiến cũng như các bạn bị “ao”(out) ra khỏi lớp. “Lớp học” thời Covid của Tiến chỉ là một cái lán nhỏ, mái che bạt, bàn học, ghế ngồi đều bằng cây vầu, cây gỗ nằm nép mình giữa núi rừng đại ngàn. Khó khăn là vậy, nhưng chưa một ngày nào lớp học đặc biệt, lớp học cheo leo lưng chừng đồi này lại thiếu bóng dáng của những cô cậu học trò miệt mài học chữ.
Em Đặng Phúc Tiến nói: “Nơi mà chúng em đang sống không có sóng điện thoại, nên bố mẹ chúng em đã dựng cho chúng em mấy cái lán, chỗ có sóng tốt nhất để học online. Hàng ngày, cứ 7 giờ, nắng cũng như mưa em và các bạn được bố đưa qua những đường mòn, qua rừng ra đây để học trực tuyến với các thầy cô.”
Con đường đến trường của các em học sinh nơi vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn những ngày này không phải là "xuống núi đi học chữ” mà là leo ngược lên những đỉnh núi chon von, học trong những lớp học tạm, nơi có sóng điện thoại để học online.
Không ngại khó, nhiều em học sinh ở các xã: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ.. đã tự tìm lên những đỉnh đồi cao ở cách xa nhà mình từ 20 - 30 phút đi bộ rồi trú tạm lán đồi của các hộ dân xung quanh hoặc được cha mẹ dựng cho những chiếc lán đủ che mưa, che nắng để làm nơi học tập, vì ở đây chỉ những nơi cao mới có thể bắt được sóng Internet ổn định giúp các em có thể nghe bài giảng của các thầy cô đầy đủ và rõ ràng nhất.
Em Bàn Thị Lan, học sinh Trường TH&THCS Xuân Tầm chia sẻ: “Vì chỗ em ở chưa có sóng, mỗi ngày em phải đi bộ ngược lên đồi cao để có thể bắt sóng học online. Em đi từ nhà lên đến nơi có sóng để học cũng mất nửa tiếng đồng hồ. Nhưng sóng ở đây cũng chập chờn, nhiều lúc cũng không vào được để học. Vất vả, khó khăn nhưng chúng em cũng luôn cố gắng để học tập tốt, không để rỗng kiến thức”.
Từ khi phải học trực tuyến, hàng ngày không kể mưa nắng, giá rét, các em đã leo bộ lên đây để học tập theo đúng thời khóa biểu của nhà trường. Đối với học sinh vùng thấp việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khó, với các em học sinh sống ở vùng cao, việc củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 lại khó khăn trăm bề. Thế nhưng, ở những làng bản xa xôi lừng chừng núi đó, các em lại lên núi để đi tìm con chữ…
Thầy giáo Trần Quốc Hùng - Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Phong Dụ Hạ cho biết: “Ở những xã vùng sâu vùng xa này, việc học của các em vốn đã khó khăn, vất vả, có dịch bệnh thì cái khó, cái vất vả đó tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều học sinh vẫn ở trong những khu vực không có sóng điện thoại, việc học trực tuyến cũng vô cùng khó. Vì vậy nhà trường, gia đình, địa phương đã phải kết hợp vận động các em tìm những chỗ có sóng để học online. Dựng lán tạm, cắt cử phụ huynh giám sát việc học của các em. Lớp học của các em thời Covid này chỉ là những chiếc lán nhỏ, che nắng, che mưa chứ không ngăn được những trận gió đông giá rét. Thế nhưng các em vẫn đang nỗ lực, cố gắng đến lớp học tạm để việc học kiến thức không bị gián đoạn.”
Đồng hành với các em trên con đường học chữ thời Covid, các địa phương cũng như các bậc phụ huynh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất như thường xuyên đến các điểm lán học trên những đỉnh đồi cao để động viên học sinh. Các bậc phụ huynh cũng tạm gác lại việc nhà, bố trí nhân lực, cắt cử nhau trông nom, đôn đốc và giám sát các em trong những ngày học, giờ học trực tuyến.
Anh Đặng Tòn Trản, bản Khe Tối, thôn Khe Lầu, xã Phong Dụ Hạ tâm sự: “Để cho con em mình học được cái chữ, tôi và các phụ huynh khác trong bản đã bàn nhau dựng lán, thay nhau đưa con ra lán để học, cắt cử nhau đôn đốc, quản lý các con trong những ngày học trực tuyến. Các con mình học vất vả lắm, gió trên đỉnh cao này lồng lộng, giá rét mà vẫn chăm chỉ học.”
Cuộc sống tuy còn nhiều gian khó, vất vả, nhưng để con em yên tâm hơn trong việc học tập cả ngày, các bậc phụ huynh tiết kiệm từ đồng tiền nương rẫy để mua điện thoại, mua sim 3G giúp các em học online được thuận lợi hơn, hơn nữa còn đóng góp gạo, thực phẩm, thay phiên nhau ở lại các lán trại nấu cơm tại chỗ phục vụ các em ăn học được bảo đảm.
Anh Triệu Tòn Nhị, thôn Khe Đóm, xã Xuân Tầm cho hay: “Gia đình sống ở chỗ không có sóng điện thoại nên việc học của các con khó khăn lắm. Ngày ngày phải lên tận đồi cao, trú tạm lán nương của dân để học cái chữ. Chúng tôi cũng phải cố gắng, động viên các con chăm chỉ học hành.”
Mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng những học sinh dân tộc thiểu số nơi đây vẫn khát khao học tập, kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ một tương lai tươi sáng hơn. Dịch bệnh và những vất vả đời thường ấy không thể cản bước những "bông hoa" đầy sức sống của núi rừng, bởi con đường đến với cái chữ là khát khao cháy bỏng để các em vươn lên, thoát nghèo và xây dựng quê hương.
Thu Nhài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.
Hương Trà
19:24 21/11/2024(Thanh tra) - Liên Chiểu được xem là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thí điểm 3 phòng học số và thư viện số trong trường học, giúp học sinh tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập.
Ngọc Phó
16:21 21/11/2024Vũ Linh
19:00 20/11/2024Vũ Linh
16:22 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Anh Minh
Thùy Dương
Hương Giang
TK
Ngọc Giàu
PV
Thu Huyền
Thu Huyền
TK
Cảnh Nhật