Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Hiếu
Thứ ba, 01/02/2022 - 06:36
(Thanh tra) - Chịu nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng toàn ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ thầy, cô giáo cùng các em học sinh nói riêng đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ, coi đó là cú hích để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen cho các thí sinh đạt giải cao tại kỳ thi Olympic quốc tế. Ảnh: Phương Hiếu
Tương lai tươi sáng
Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 37 lượt học sinh tham gia Olympic gồm: 1 đoàn tham dự Olympic Tin học khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 1 đoàn tham dự Vật lí Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế các môn Toán học, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học. Kết quả, tất cả các thí sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (Giải Khuyến khích).
Với kết quả này, các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Thành tích cao của các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế năm 2021 nói riêng và giai đoạn 2017 - 2021 nói chung, là minh chứng sinh động về nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của học sinh, các thầy, cô giáo và các nhà trường trong quá trình học tập, rèn luyện vươn lên chiếm lĩnh tri thức đỉnh cao với sự quan tâm chăm lo, động viên khích lệ kịp thời của bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể; đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Em Nguyễn Lê Thảo Anh, cựu học sinh lớp 12 Hóa 1 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2021 cho biết, không chỉ riêng em mà tất cả các bạn học sinh đều hiểu rằng, đi cùng những tấm huy chương danh giá là những trải nghiệm quý báu. Tham gia các cuộc thi còn cho các em cơ hội để cùng trao đổi và học tập trong một môi trường học thuật đầy tính xây dựng và sáng tạo, cũng như học hỏi từ nền khoa học kỹ thuật của các nước bạn, đó chính là nền tảng, lời khích lệ và nguồn động lực to lớn để các em tiếp tục phát huy và cống hiến cho nền khoa học kỹ thuật Việt Nam trong tương lai.
Thảo Anh cũng như các bạn học sinh đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế tin rằng những tấm huy chương lấp lánh hôm nay không những là nguồn động lực thúc đẩy thành tích thế hệ học sinh Việt Nam mai sau, mà còn là tín hiệu cho một tương lai tươi sáng với những bước phát triển rực rỡ hơn nữa của nền khoa học kỹ thuật nước nhà.
Sẽ thật thiếu sót khi chỉ nhắc đến kết quả đạt được của các em học sinh mà không nhắc đến những người đã gieo mầm cho những thành công đó.
Năm 2021, ngành Giáo dục cũng đã vinh danh đối với 7 nhà giáo nhân dân, 72 nhà giáo ưu tú và 191 nhà giáo tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đây là những tấm gương tiêu biểu nhất từ các trường phổ thông có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là các giảng viên thực sự gương mẫu đi đầu trong việc kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cập nhật kiến thức tiên tiến, hiện đại, với những công trình nghiên cứu khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua…
Dù mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề; là sự quyết tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; là sự tận tụy, thầm lặng cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục.
Tình yêu nghề và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách
Tôi còn nhớ câu chuyện của các cô Hà Thị Kim, Hà Thị Dung, Trường Tiểu học Tri Lễ 1, Quế Phong, Nghệ An, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại địa phương và trong trường có 2 học sinh được xác định là F0, theo đó có 52 bạn khác trở thành F1 phải đi cách li tập trung. Do vậy, cô Kim và cô Dung đã xung phong đi hỗ trợ học sinh. Kết thúc cách ly, may mắn cả cô và trò đều an toàn, mạnh khỏe. Đây có lẽ là trải nghiệm đặc biệt nhất trong thời gian dạy học ở xã biên giới này.
“Là giáo viên bản địa, cô không chỉ dạy học sinh ở trường, mà còn gần gũi, biết rõ hoàn cảnh từng em. Tình thương đối với học trò còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi, lo lắng về nguy cơ nhiễm dịch bệnh, nên dù thế nào đi nữa, tôi vẫn ở bên các em”, cô Hà Thị Dung chia sẻ.
Rồi đến các câu chuyện về hành trình gieo con chữ cho các thế hệ học sinh của các thầy, cô giáo “cắm bản”, đó là câu chuyện của thầy giáo Hò Văn Lợi, giáo viên điểm thôn Pờ Chừ Lủng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Thôn Pờ Chừ Lủng nơi thầy Hò Văn Lợi công tác hiện là thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Thôn nằm chơ vơ giữa đại ngàn với những ngọn núi vắng dấu chân người qua lại. Pờ Chừ Lủng được chia làm 3 tổ dân cư riêng rẽ gồm các tổ dân cư 1, 2 và 3, mỗi tổ cách nhau vài giờ đi bộ. Trong đó tổ 1 được coi là “trung tâm” vì có đường xe máy, còn tổ 2 và 3 thì phải đi bộ hoàn toàn.
Cuộc sống của giáo viên ở đây vô cùng khó khăn do đường lên điểm trường là dốc đá, phải đi bộ hoàn toàn. Thời điểm đó, điểm trường không có điện, thiếu nước sinh hoạt và thời tiết rất khắc nghiệt vào mùa Đông.
Sau thời gian công tác ở vùng khó, thầy giáo Lợi được điều chuyển về điểm trường chính để dạy học. Thế nhưng, thầy đã có quyết định “ngược đời”, đó là tiếp tục tình nguyện “cắm bản” và mở lớp xoá mù chữ cho bà con dân bản để phục vụ cho cuộc sống thường nhật như: Đi chợ, làm các thủ tục hành chính… “Khi bà con biết chữ, bà con sẽ đọc được các giấy tờ văn bản, sẽ ký được tên, không phải điểm chỉ”, thầy Lợi cho biết.
Gần 10 năm “cắm bản”, thầy Lợi nhớ từng khúc cua lớn, nhỏ của con đường đến trường, nhớ từng hình ảnh các em học sinh trở lại trường sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán với lấm lem bùn đất bởi các em phải vượt qua những con đường đồi núi trơn trượt từ nhà đến trường. Có hôm, các em đến lớp bị ướt nhẹp, rét run. Vậy là thầy và trò lại phải tìm kiếm cây ngô khô để đốt lửa sưởi ấm.
Cũng theo thầy Lợi, vào mùa Đông, sương mù dày đặc, lớp học cũng bị bao phủ bởi những lớp sương mù nên bảng và bàn ghế bị ướt hết. Những lúc như vậy, lớp học lại quây quần bên đống lửa.
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng khi được hỏi động lực nào để có thể vượt qua, thầy Lợi cho biết, bà con sống được thì thầy cũng sống được. "Tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác. Mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình mang cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước. Còn tôi, nếu được chọn lại dù biết trước được rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sẽ chọn làm thầy giáo", thầy Lợi chia sẻ.
Khi nghe thầy Lợi nói vậy, tôi như thấy được đó là tình yêu nghề và hết lòng vì học sinh thân yêu. Khó khăn là vậy, nhưng thầy Lợi vẫn giữ cho mình ngọn lửa đam mê với nghề giáo.
Hay như câu chuyện của cô giáo trẻ Lường Thị Quyết, giáo viên điểm bản Huổi Không, Trường Mầm non Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cô cũng là giáo viên “cắm bản” như nhiều giáo viên khác tại các điểm trường miền núi xa xôi, cách trở về giao thông. Học sinh đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điểm trường cô Quyết dạy cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng hơn 100km. Bản chỉ có vài chục nóc nhà và gần như cái gì cũng không có.
Có trực tiếp sống và công tác ở các điểm bản xa xôi mới thực sự hiểu giáo viên cắm bản vất vả và thiệt thòi lắm. Cô Quyết kém thầy Lợi về cả tuổi đời lẫn kinh nghiệm, vì mới vào nghề được vài ba năm, nhưng dù là bao nhiêu năm hay mới chỉ 1 ngày thì cũng đều phải là người thực sự có tình yêu và nhiệt huyết mới trụ được.
Không phải ai cũng có được “quyết định ngược” như thầy Hò Văn Lợi. Nếu được lựa chọn, tất nhiên ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, nhưng thầy Lợi và rất nhiều thầy, cô giáo khác lại nhận gian khó về mình.
Điều khiến tôi khâm phục nhất ở thầy Lợi, cô Quyết và rất nhiều thầy, cô giáo “cắm bản” mà trong khuôn khổ bài viết này chưa thể đề cập đến đó là tình yêu nghề, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ “cao cả” của một người “lái đò” ở nơi biên giới xa xôi.
Một mùa Xuân mới lại về với biết bao kỳ vọng, nhưng tin rằng, với những kết quả đạt được trong 2021 dù gặp vô vàn khó khăn của dịch bệnh Covid-19, năm 2022, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tích vượt bậc.
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.
Hương Trà
19:24 21/11/2024(Thanh tra) - Liên Chiểu được xem là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thí điểm 3 phòng học số và thư viện số trong trường học, giúp học sinh tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập.
Ngọc Phó
16:21 21/11/2024Vũ Linh
19:00 20/11/2024Vũ Linh
16:22 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương