Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều cơ hội mở trong tuyển sinh 2023

Lê Phương

Thứ năm, 20/04/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, các sĩ tử cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, tiếp đó là kỳ tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng năm 2023. Giữa “ma trận” phương thức xét tuyển, nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn không biết lựa chọn phương thức nào là tối ưu và thích hợp với năng lực, sở trường của con em mình.

Các em nên chọn công việc mình yêu thích và phù hợp với năng lực của mình để có động lực cho bản thân. Ảnh: LP

Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra mọi khâu, mọi công đoạn

Để công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã yêu cầu các sở GDĐT tổ chức tập huấn theo kế hoạch, lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, trong đó, tập huấn cho các cán bộ lần đầu tham gia làm thi kỹ lưỡng hơn, đầy đủ hơn.

Tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ, tham gia tổ chức kỳ thi đều phải được tập huấn và nắm vững quy chế thi, hướng dẫn thi và tập huấn sâu về chức trách, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, khuyến khích các sở có bài kiểm tra, đánh giá thực chất sau tập huấn.

Bên cạnh đó, khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, TP sớm thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh và các điểm thi, hội đồng thi… khi điều kiện cho phép; kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của bộ như quy chế, hướng dẫn... thể chế hoá thành văn bản chỉ đạo của ban chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai ngay để các nhà trường, điểm thi, hội đồng thi có thời gian nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch; chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ, chu đáo những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho công tác thi.

Đặc biệt, quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra mọi khâu, mọi công đoạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm, trọng điểm. Về nội dung này, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn riêng cho công tác kiểm tra, thanh tra kỳ thi…

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, mục tiêu cao nhất là tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Cần vận dụng “4 đúng, 3 không” phù hợp trong quá trình tổ chức kỳ thi, trong đó "4 đúng" là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường). Còn "3 không" là không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá.

Đối với công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm 2023, công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Cùng với việc áp dụng chính sách điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023, Bộ GDĐT sẽ tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Một điểm mới sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023 là thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 2 năm, là trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp để xét tuyển vào ĐH. Cách tính mức điểm ưu tiên có thay đổi so với năm 2022 nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Cụ thể, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên quy định của quy chế.

Ngoài ra, việc đăng ký xét tuyển thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ. Trong mọi trường hợp, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Thí sinh cần thận trọng để có lựa chọn tối ưu

Đến nay, một số trường ĐH ở Hà Nội đã "chốt" phương án tuyển sinh, chỉ tiêu năm 2023, trong đó Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tuyển sinh gần 3.500 chỉ tiêu với 20 ngành đào tạo, với phạm vi trong cả nước và thí sinh là người nước ngoài. Các phương thức tuyển sinh chính được sử dụng bao gồm: Thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh theo 6 phương thức và tuyển 4.100 chỉ tiêu, trong đó cơ sở Hà Nội là 3.000 chỉ tiêu; Học viện Tài chính tuyển sinh 4.200 chỉ tiêu cho 3 chương trình đào tạo: Chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao và chương trình liên kết; Trường ĐH Phenikaa tuyển sinh 7.668 sinh viên, tăng gần 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh và 5 ngành đào tạo mới (Ngôn ngữ Pháp, Đông Phương học, Răng - Hàm - Mặt, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật phần mềm)…

Các trường ĐH đang đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh năm 2023. Cơ hội rộng mở nhưng thí sinh cũng thận trọng để có lựa chọn tối ưu.

Em Trần Trung Kiên, Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) cho biết đến thời điểm này em chưa đưa ra quyết định cuối cùng về nguyện vọng 1 xét tuyển ĐH. Em đang quan tâm đến các ngành học mới, có liên kết đào tạo hoặc trao đổi sinh viên với trường ĐH nước ngoài. Lĩnh vực mà em dự định theo học trong tương lai là truyền thông, quan hệ công chúng…

“Em thấy năm nay, các trường ĐH có rất nhiều phương thức tuyển sinh như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, thi đánh giá năng lực… Hiện em cũng đã nộp hồ sơ xét học bạ vào một số trường. Tuy nhiên, mục tiêu chính của em vẫn là đạt điểm tốt nhất ở kỳ thi tốt nghiệp”, Trung Kiên chia sẻ.

Còn em Lê Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, xác định mục tiêu vào Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Thảo đã tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh và tìm hiểu các thông tin về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, ngành học và cả học bổng. Do vậy, em sẽ tăng cường ôn tập để đạt kết quả cao trong các kỳ thi tới.

Theo tổng hợp của ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay, tất cả trường trực thuộc và nhiều trường ĐH khác trong cả nước sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực như là 1 phương án tuyển sinh. Qua khảo sát, điểm trúng tuyển dao động từ 80 - 90/150, riêng các trường tốp đầu cao hơn và kết hợp với một số tiêu chí ưu tiên khác. Như vậy, cơ hội trúng tuyển ĐH của thí sinh rộng mở với nhiều lựa chọn.

Tư vấn trong lựa chọn trường, nghề cho các em học sinh, ông An Thành Phương, Học viện Ngân hàng cho hay, những năm gần đây, thí sinh quan tâm nhiều đến các ngành tài chính, marketing và đặc biệt là các ngành mới như logistics, quản trị cung ứng, ngân hàng số, một số ngành phối hợp đào tạo với các trường nước ngoài. “Tôi nghĩ cơ hội trúng tuyển của các thí sinh khá cao, vì hiện nay, ở trường chúng tôi có rất nhiều phương thức xét tuyển. Nhưng thí sinh chỉ có thể trúng 1 nguyện vọng, nên các em cần thận trọng trong sắp xếp thứ tự ưu tiên, cần biết lợi thế của mình ở đâu để đặt lên hàng đầu", ông An Thành Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông An Thành Phương, sau khi tham vấn ý kiến của gia đình, thầy cô, các em tự đánh giá năng lực, đam mê của bản thân để có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Các em nên chọn công việc mình yêu thích và phù hợp với năng lực của mình để có động lực cho bản thân. Có như vậy, các em mới phát triển và tạo được giá trị cho bản thân, cho cộng đồng và cho xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm