Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ tư, 05/03/2025 - 08:22
(Thanh tra) - Rác thải đổ bừa bãi ra đường phố lâu nay đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Thủ đô. Mới đây, Hà Nội đưa ra giải pháp lắp camera phạt “nguội” những người đổ rác bừa bãi. Giải pháp này được cho là cần thiết để nâng cao ý thức của người dân, nhưng cũng cần phải có những biện pháp đồng bộ để đảm bảo tính khả thi!
Quận Ba Đình lắp camera phạt “nguội” người đổ rác bừa bãi tại ngõ 294 Kim Mã. Ảnh: Hải Hà
Người dân đồng tình
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành thông báo về việc đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội sẽ lắp camera phạt “nguội” để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng nơi quy định tại 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Giải pháp này của UBND thành phố Hà Nội nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân Thủ đô. Chị Hoàng Thị Huyền (40 tuổi), người dân đang sinh sống tại phường Kim Liên, quận Đống Đa chia sẻ: "Là một hướng dẫn viên du lịch, tôi thường xuyên dẫn du khách đi tham quan những điểm di tích nổi tiếng của Thủ đô. Tôi nhận thấy, có một thực tế đáng buồn là trên rất nhiều con đường, góc phố của Hà Nội xuất hiện những hình ảnh không đẹp, người dân vô tư vứt rác bừa bãi ra đường, khu vực công cộng…
Đáng nói hơn, mặc dù tại một số nơi, cơ quan chức năng đã có biển cảnh báo “khu vực cấm đổ rác”, “đổ rác sai quy định bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng”… nhưng người dân vẫn vô tư xả rác ngay cạnh những tấm biển báo. Điều này vừa làm mất mỹ quan đô thị, vưa gây ô nhiễm môi trường. Theo tôi, việc lắp đặt camera phạt "nguội" là cần thiết để nâng cao ý thức người dân và hơn hết là để Thủ đô được xanh, sạch, đẹp".
Trên nhiều con đường, góc phố của Hà Nội xuất hiện những hình ảnh không đẹp, người dân vô tư vứt rác bừa bãi ra đường... Ảnh: Hải Hà
Cùng chung ý kiến, nhiều người dân ở phố Phùng Hưng thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm cũng bày tỏ đồng tình với chủ trương lắp camera phạt “nguội” của thành phố.
Bà Nguyễn Hoài Thanh (68 tuổi) ở số 8 phố Hàng Cót cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc xử phạt hành vi đổ rác sai quy định qua camera. Như thế sẽ ngăn chặn tốt hơn hành vi đổ trộm rác thải, vứt rác bừa bãi, giúp thành phố văn minh và sạch hơn. Ngoài ra, thành phố cũng nên bố trí thêm thùng rác cho người dân, khách du lịch tiện bỏ rác sẽ tốt hơn”.
Là công nhân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Thủ đô, chị Nguyễn Thị Minh Thúy, công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ: "Tôi được giao nhiệm vụ thu gom rác thải trên địa bàn phường Hàng Mã. Công việc của tôi bắt đầu từ 18 giờ hôm trước và kết thúc vào khoảng 2 giờ sáng hôm sau. Ở khu vực này hàng quán nhiều nên lượng rác thải sinh hoạt ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn chưa chấp hành tốt các quy định về đổ rác của quận và thành phố.
Khi nghe thông tin thành phố lắp camera phạt “nguội” để xử phạt hành vi đổ rác không đúng quy định tôi rất ủng hộ. Việc làm này để người dân ý thức hơn, giúp thành phố ngày càng văn minh, sạch, đẹp hơn".
Làm sao để khả thi?
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng vứt rác bừa bãi là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Cùng với đó là sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác thải không đúng quy định còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Trên địa bàn phường Láng Hạ, quận Đống Đa có biển báo “Khu vực cấm đổ rác, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng...” để nâng cao ý thức người dân. Ảnh: Hải Hà
Thực tế cho thấy, việc lắp camera phạt "nguội" nhằm phát hiện cá nhân vi phạm là điều cần thiết. Tại Điều 25 Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường bị phạt 1 - 2 triệu đồng. Chế tài đã có, nhưng đơn vị nào có chức năng xử phạt và phạt làm sao để phạt "đúng người, đúng tội", tránh tình trạng người phạt, người không, dễ tạo ra hiện tượng… “nhờn” luật.
Tìm hiểu thực tế tại quận Ba Đình, đến nay đơn vị này đã hoàn thành lắp đặt mạng lưới camera, đường truyền dẫn tín hiệu giai đoạn 1 với 79 bộ giám sát với mục tiêu kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường như đổ trộm rác thải, bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định… trên địa bàn quận. Các hành vi vi phạm sẽ được kết nối, gửi về máy chủ tại công an các phường và sẽ thực hiện xử phạt đối với các trường hợp có hành vi vi phạm.
Theo lãnh đạo quận Ba Đình, trong giai đoạn 2, quận sẽ triển khai cảnh báo vi phạm tự động thông qua các camera phục vụ an ninh, trật tự được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt, biển số xe và giám sát các hành vi vi phạm trật tự, vệ sinh môi trường đồng thời lắp đặt mới 300 camera, huy động 1.000 camera chia sẻ, hỗ trợ hình ảnh vi phạm cho việc xử lý phạt “nguội” giúp lực lượng chức năng xử lý vi phạm nhanh chóng, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân và tạo môi trường sống an toàn, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Tại Thủ đô không khó để bắt gặp hình ảnh trên thì biển cấm, dưới thì tràn lan rác. Ảnh: Hải Hà
Chia sẻ ý kiến liên quan đến việc lắp camera phạt “nguội” của UBND thành phố Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sử dụng camera phạt “nguội” là phương án cần thiết và có tính khả thi.
Bà An nêu dẫn chứng, chúng ta đã từng xử lý những vấn đề nan giải mang tính “thói quen”, điển hình như việc đội mũ bảo hiểm. Cách đây hơn chục năm, ra đường không mấy người đội mũ bảo hiểm. Lúc đó, báo chí viết nhiều. Cơ quan chức năng cũng tốn nhiều công sức. Và chỉ đến khi các chế tài mạnh mẽ được đưa ra, các cơ quan chức năng thực thi quyết liệt, thì đến giờ, ra đường ai nấy cũng đều đội mũ bảo hiểm. Việc đó đã trở thành thói quen.
“Dẫn chứng như thế để thấy rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường bằng hình thức “phạt nguội” là hoàn toàn khả thi”, bà An nói và phân tích thêm: “Để áp dụng rộng rãi việc phạt “nguội” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì việc đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được coi là một trong những điều tiên quyết. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý cho việc sử dụng dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp (camera an ninh, camera hành trình của các phương tiện giao thông, camera giám sát tại nơi công cộng...) làm căn cứ để phạt "nguội”.
Chỉ khi ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao thì Hà Nội mới có thể xây dựng được một môi trường sống trong lành. Ảnh: Hải Hà
Theo bà Bùi Thị An, dù phương án sử dụng camera phạt “nguội” là phương án khả thi nhưng cũng có điểm khó là kinh phí lắp camera không thể dàn trải khắp các ngõ, hẻm. Vì thế, theo bà An, phải kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục và quản lý đường phố bằng tổ dân phố, công an khu vực… thì việc phạt nguội mới thực hiện tốt được.
Khảo sát thực tế cho thấy, không phải đến bây giờ Hà Nội mới triển khai lắp camera phạt "nguội" người đổ rác bừa bãi. Trước đó, một số tuyến phố nội đô Hà Nội đã lắp đặt camera giám sát hành vi đổ rác thải để nâng cao ý thức người dân.
Đơn cử như tại số 461 phố Đội Cấn (quận Ba Đình) có lắp biển báo “Cấm đổ rác” và “Khu vực gắn camera giám sát” quy định “Cấm xả rác bừa bãi, phạt tiền đến 2.000.000 đồng”. Người dân ở khu vực này cho biết, nhờ có sự vào cuộc của chính quyền, cán bộ cơ sở tuyên truyền, nhắc nhở, khu vực ngõ 461 Đội Cấn không còn rác thải.
Rõ ràng, việc lắp đặt camera phạt “nguội” để phát hiện và xử lý các trường hợp đổ rác bừa bãi là một bước đi cần thiết trong việc quản lý rác thải tại Hà Nội. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân. Chỉ khi ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao và thực thi nghiêm ngặt các quy định, thì Hà Nội mới có thể xây dựng được một môi trường sống trong lành và văn minh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin về công tác đăng ký dự thi trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, tính đến 17h00 ngày 28/4, có 1.165.289 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT.
Phương Anh
(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng vừa kí quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 6/5/2025 và thay thế Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Hương Trà
Đan Quế
Trọng Tài
Hương Giang
PV
Minh Khoa
Chu Tuấn
Ngọc Anh
Cảnh Nhật
Tuấn Sơn
Nhóm PV
Trần Lê
Cảnh Nhật