Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Điểm đạt nhiều nhất môn tiếng Anh 3 năm liên tiếp chỉ 3-3,4”

Chủ nhật, 21/07/2019 - 22:25

(Thanh tra) - Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ 2017-2019, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 - 3,4”.

Năm 2019, có tới gần 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh. Ảnh: HH

Hà Giang, Sơn La… nhiều năm xếp cuối bảng

Đề thi THPT Quốc gia năm 2019 môn tiếng Anh được nhiều thí sinh nhận xét "dễ thở", có nhiều câu được cho là "dễ như cho không điểm", tuy nhiên lại có tới gần 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.

Điểm số có thí sinh đạt nhiều cũng chỉ là 3,2 điểm. Đáng lo lắng, có tới 630 thí sinh đạt điểm liệt.

Phân tích kỹ hơn, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 đến 3,4.

Đáng lưu ý, Bộ GD&ĐT thông tin, kết quả thi Tiếng Anh có sự phân hoá theo vùng miền.

Những địa phương khó khăn ở vùng núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang… nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước; những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại đứng đầu.

Điểm trung bình của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều từ 5-6, cao hơn mức chung của cả nước. Tỷ lệ điểm dưới trung bình, điểm từ 8 trở lên cũng có sự phân hoá theo địa phương.

Hệ 10 năm điểm cao hơn hệ 7 năm xấp xỉ 2 điểm

Nhìn nhận phổ điểm thi THPT quốc gia từ góc độ hệ đào tạo, ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn tiếng Anh, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay vẫn đang tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, chương trình hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3).

Hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn học sinh hệ 7 năm.

“Vấn đề khác biệt hệ đào tạo là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng học sinh không đồng đều, kết quả thi không đồng đều. Vấn đề đặt ra là phải triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm rộng khắp hơn” - ông Giang nói.

Tuy nhiên, theo ông Giang, để triển khai được rộng khắp hệ 10 năm, cần một đội ngũ giáo viên có chất lượng, trong khi thực tế chất lượng giáo viên hiện nay rất không đồng đều.

Ở những tỉnh khó khăn, trình độ giáo viên còn hạn chế. Đặc biệt, có xu hướng là giáo viên dạy tiếng Anh giỏi ở các vùng khó khăn sau một thời gian công tác sẽ chuyển về những những thành phố lớn, có điều kiện tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia thông tin thêm, theo khảo sát, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh học hệ 10 năm cao hơn học sinh hệ 7 năm xấp xỉ 2 điểm.

Điểm cao nhờ... các trung tâm ngoại ngữ

Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước trong 3 năm (2017 là 5,92 điểm, 2018 là 5,06 điểm, 2019 là 5,79 điểm), đồng thời luôn đứng đầu về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, chất lượng tiếng Anh của học sinh thành phố tốt nhờ khá nhiều từ các trung tâm ngoại ngữ.

“Cả thành phố có 700 trung tâm ngoại ngữ, hầu hết học sinh TP Hồ Chí Minh học thêm ngoại ngữ ở bên ngoài trường học, chỉ có một số học sinh vùng ven đô thị có điều kiện kinh tế khó khăn mới không tham gia học thêm ngoại ngữ” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện nay, rất nhiều trung tâm ngoại ngữ đã vào trường học tham gia giảng dạy, nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố hiện rất lớn và Sở GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ để có chính sách đưa giáo viên bản ngữ vào dạy ở các trường phổ thông.

Đánh giá cao cách làm của TP Hồ Chi Minh, bà Hữu cũng cho rằng, rất cần có vai trò xã hội hóa, cần sự hỗ trợ của các trung tâm ngoại ngữ trong đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa.

Đây cũng là ý kiến mà tư lệnh ngành Giáo dục đánh giá cao. Ông cho rằng, cần có nguồn lực xã hội hóa từ các trung tâm đào tạo ngoại ngữ và khai thác tốt nguồn lực này vào các trường phổ thông, trong đó gồm hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thời gian qua, dù ngành Giáo dục đã có nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ song kết quả vẫn chưa như mong muốn.

“Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là việc vừa trước mắt, vừa lâu dài nhưng không thể chậm chễ hơn nữa”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm