Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điểm chuẩn đại học dự kiến giảm

Thứ ba, 13/03/2018 - 06:36

(Thanh tra)- Mùa tuyển sinh 2018 đang tới gần. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, đề thi sẽ có tính phân hóa cao hơn, cộng thêm điểm ưu tiên khu vực giảm tới 50%, lãnh đạo các trường đại học (ĐH) dự đoán, điểm chuẩn giảm so với năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT tư vấn cho thí sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2018. Ảnh: HH

Mở nhiều ngành mới

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, Trường ĐH Thủy lợi chia sẻ: Năm 2018, nhà trường tăng thêm 4 ngành so với năm 2017, đó là Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. Thực tế qua khảo sát cho thấy, nhu cầu xã hội rất cần kỹ sư 4 ngành này. Những ngành mới mở dự kiến 1 lớp 70 sinh viên. Bên cạnh đó, trường đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu một số ngành truyền thống chuyển chỉ tiêu đó cho những ngành mở mới. Về tổ hợp, trường xét tuyển thêm 1 tổ hợp là khối D.

ĐH Kinh tế Quốc dân cũng mở thêm nhiều ngành mới. Ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Trường mở 12 ngành học mới, nhưng thực chất là 5 ngành, các ngành còn lại trước là các chuyên ngành. 5 ngành mới là Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Quản lý dự án. Trong đó có 2 ngành học bằng tiếng Anh là Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, Định phí Bảo hiểm và Quản trị rủi ro.

Các ngành khối khoa học xã hội và nhân văn bắt đầu quay trở lại thu hút sự quan tâm của thí sinh. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ngày 11/3, lượng câu hỏi từ phía học sinh tham dự luôn dồn dập, đặc biệt là các ngành về báo chí - truyền thông, tâm lý học, đông phương học… "Đã lâu lắm rồi những ngành học của trường mới được thu hút trở lại, thậm chí với cả ngành Tôn giáo. Tôi hi vọng nhiều ngành của trường sẽ thoát khỏi tình trạng “thất sủng” như thời gian dài vừa qua".

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: Năm nay, nhà trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 1.800 (những năm trước giữ ổn định ở con số 1.610). Lý do tăng là do trường có mở thêm 1 ngành mới 100% là Đông Nam Á học. Ngoài ra, 1 số ngành khác như Đông phương học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học cũng đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn mọi năm chỉ đào tạo 30 - 40 chỉ tiêu, sinh viên ra trường không đủ cung cấp cho thị trường lao động. Vì vậy, năm nay nhà trường điều chỉnh tăng vài chục người.

Điểm chuẩn giảm?

Vấn đề điểm chuẩn năm nay theo lãnh đạo các trường ĐH dự kiến sẽ giảm, nhất là các trường ĐH “hot”.

TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: Năm nay thay vì chỉ tuyển thẳng học sinh giỏi môn Toán, Hóa, Sinh, nhà trường dự kiến mở rộng các môn Vật lý, Tin học, tiếng Anh. Trước ngày 20/3, trường sẽ công khai trong đề án tuyển sinh.

Dự đoán về điểm chuẩn, ông Tùng cho biết: Giờ này còn sớm để đưa ra dự báo điểm chuẩn, nhưng có xu hướng thấp xuống dựa trên tinh thần đề thi có tính phân loại cao hơn của Bộ GD&ĐT, cộng thêm với việc giảm bớt khoảng cách điểm ưu tiên khu vực, mọi năm là 0,5 theo các khu vực liền kề thì năm nay giảm xuống 0,25.

Năm 2017, điểm chuẩn vào ĐH Y Hà Nội cao chót vót có khoa lên tới 29,25 để có “tấm vé” vào trường là không đơn giản. Để tăng cơ hội cho thí sinh, ông Tùng chia sẻ các em có thể nộp hồ sơ vào cơ sở phân hiệu của ĐH Y Hà Nội ở Thanh Hóa. Tại đây, chương trình đào tạo, giảng viên, cơ hội học bổng, du học giống nhau, thậm chí cơ sở vật chất tốt hơn nhưng điểm trúng điểm có thể thấp hơn khoảng 3 điểm. Năm 2017, điểm trúng điểm Y đa khoa ở phân hiệu là 26,75, trong khi ở cơ sở Hà Nội là 29,25, chênh lệch nhau tới 2,5 điểm.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, năm nay phổ điểm thi sẽ giảm xuống vì mức độ khó của đề thi tăng lên. Theo đó, điểm chuẩn sẽ giảm từ 1-2 điểm. Đối với các ngành “hot” của trường như: Đông Phương học, Quốc tế học, Dịch vụ Du lịch, Quan hệ công chúng năm ngoái có điểm từ 26,5 - 28,5 năm nay có thể giảm 1 chút; các ngành có tính ổn định không quá cao, không thấp như Chính trị học, Xã hội học; một số ngành khoa học cơ bản thấp hơn 1 chút, năm ngoái điểm thấp nhất rơi vào khoảng 22-23 điểm. Năm nay mức độ giảm đồng đều 1-2 điểm.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng có điều chỉnh về cách làm tròn điểm tới 0,01%, và giảm 50% điểm ưu tiên khu vực. Cách tính này hợp lý, bảo đảm sự công bằng cho tất cả thí sinh, vì vậy thí sinh hãy yên tâm ôn tập, cơ hội vào ĐH rất rộng mở.

Chỉ nên đăng ký 5-6 nguyện vọng

Mùa tuyển sinh 2018, thí sinh xét tuyển vào đại học (ĐH) được thoải mái đăng ký nguyện vọng (NV). Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khuyên thí sinh chỉ nên đăng ký 5 - 6 NV là có thể là xác định được khả năng trúng tuyển ở mức độ cao.

+ Năm nay, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, chỉ các trường sư phạm có điểm sàn riêng. Điều này có gây khó khăn cho các trường sư phạm trong công tác tuyển sinh bởi trước đó các trường đã rất khó tuyển, thậm chí năm 2017, nhiều trường để đảm bảo chỉ tiêu đã “vơ bèo vạt tép” lấy điểm chuẩn dưới điểm sàn? Bộ GD&ĐT có chính sách như thế nào để gỡ khó cho các trường sư phạm?

- Nếu nói các trường không có điểm sàn thì không đúng mà là không có điểm sàn chung, còn các trường tự đặt ra điểm sàn của mình. Đối với sư phạm những điểm sàn của năm trước là điểm tối thiểu phải đáp ứng.

Riêng năm nay Bộ vẫn quy định “sàn” riêng cho sư phạm vì chất lượng đào tạo sư phạm là đào tạo người thầy nên vẫn cần quan tâm và phải giữ mặt bằng cao so với ngành nghề khác. Việc khó tuyển hay không phụ thuộc vào từng trường. Trong khi ngành sư phạm không còn thiếu giáo viên nữa thì chất lượng cần phải quan tâm.

+ Xã hội cũng đang mong chờ động thái của Bộ GD&ĐT về việc đảm bảo “đầu ra” cho các trường sư phạm khi mà thực tế chính giáo viên trường cấp 3 cũng đang tư vấn cho học sinh không chọn trường sư phạm vì “đầu ra” khó khăn?

- “Đầu ra” cho sư phạm phụ thuộc vào nhiều ngành, cấp khác. Ví dụ như địa phương đầu tư cho các trường mình quản lý đến đâu, rồi chính sách biên chế viên chức cho các trường công. Tuy nhiên, năm nay có nét mới là Bộ đã khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và tổng hợp lên thành nhu cầu toàn quốc trong những năm tới và cả quãng thời gian sau 3 đến 6 năm nữa, vì vậy năm nay Bộ đã khống chế chỉ tiêu bằng hoặc thấp hơn nhu cầu sử dụng đó để đảm bảo các em ra trường thì tỷ lệ việc làm sẽ cao hơn và những em đã ra trường chưa có việc làm vẫn có cơ hội được tuyển dụng.

+ Năm nay, có điểm mới là thí sinh xét tuyển NV không bị NV 1, hay NV 2 ưu tiên nữa. Như vậy, các trường có lo có NV ảo hay không?

- Về số lượng NV và chế đố đối với từng NV năm nay không có thay đổi so với năm trước. Như vậy, các em đều được đăng ký không giới hạn NV và đều được thay đổi NV sau khi đã biết điểm thi.

Còn vấn đề thí sinh ảo thì nhìn chung các trường có kinh nghiệm tuyển sinh đều dự liệu được thí sinh ảo đối với từng NV để xác định chính sách tuyển sinh cũng như tỷ lệ xác định trúng tuyển so với chỉ tiêu cần tuyển như thế nào.

+ Thí sinh xét tuyển vào ĐH có tới “n” NV. Bà có lời khuyên nào để các em lựa chọn những NV có tỉ lệ trúng tuyển cao?

- Năm trước các thí sinh được đăng ký không giới hạn số NV. Các em có những suy nghĩ, định hướng, phạm vi lựa chọn của mình. Chúng tôi nghĩ, quan trọng không phải đăng ký bao nhiêu NV mà các em có được những thông tin thiết thực mang ý nghĩa trực tiếp cho việc đăng ký NV của mình hay không. Ví dụ, các em có hiểu về các ngành học đó, năng lực sở trường, sự đam mê của mình hay không để chọn những ngành học phù hợp. Được làm việc trong ngành nghề mình yêu thích thì công việc sẽ làm niềm vui, đó mới là quan trọng.

Nếu các em có đủ thông tin để lựa chọn rồi thì nên chọn theo hướng: NV có thể hơi thấp so với năng lực của các em để đề phòng rủi ro. Nhưng, cũng có những NV ngang bằng với năng lực của các em để khả năng trúng tuyển cao, và có các NV cao hơn một chút so với khả năng để có những định hướng cố gắng phấn đấu. Như vậy, các em có từ 5 - 6 NV là có thể là xác định được khả năng trúng tuyển ở mức độ cao. Thực tế, trong những năm qua, mức trung bình thí sinh đăng ký từ 3 - 5 NV.

+ Xin cảm ơn bà!


Hải Hà (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm