Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực

Lê Phương

Thứ ba, 27/08/2024 - 21:23

(Thanh tra) - Lưu ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và Sở GDĐT trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến sẽ được tổ chức trong 2 ngày (26 - 27/6/2025) với 3 buổi thi. Ảnh: LP

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát thi

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024 - 2025 vừa được ban hành, Bộ GDĐT yêu cầu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi đến các cấp cơ sở; tổ chức góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi và chủ động đánh giá tác động tại địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập huấn các đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho thư viện câu hỏi thi theo hướng mở để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi; tăng cường quán triệt quy chế thi; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát và phòng chống sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử tại địa phương.

Theo Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến sẽ được tổ chức trong 2 ngày (26 - 27/6/2025) với 3 buổi thi. Trong đó 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán, 1 buổi thi 2 môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12 (gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GDĐT.

Thay đổi cấu trúc định dạng đề thi

Chia sẻ về những thay đổi trong cách thức xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, ông Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ đã, đang triển khai tập huấn cho giáo viên cả nước; đồng thời kết hợp hỗ trợ công tác ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong nhà trường.

Trước đó, ngày 8/3/2024, Bộ GDĐT ban hành quyết định về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Việc công bố sớm cấu trúc định dạng đề thi giúp giáo viên, học sinh chủ động hơn trong quá trình dạy và học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi này.

Theo cấu trúc định dạng đề thi đã được công bố, các môn thi trắc nghiệm có một số thay đổi như: Bổ sung thêm 2 dạng thức trả lời trắc nghiệm mới bên cạnh dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng; cách thức tính điểm có một số thay đổi tại dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới. Những thay đổi này giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò khi làm bài. Điều này góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực của các thí sinh dự thi và phân hóa được điểm thi.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, những thay đổi  về cấu trúc định dạng đề thi giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò khi làm bài, góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực của các thí sinh dự thi và phân hóa được điểm thi. Ảnh: LP

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bám sát chương trình và tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Điều này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, hoặc học thuộc tài liệu có sẵn một cách máy móc.

Đặc biệt, đề thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có sự phân loại theo các cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi với nhiều mục tiêu. Trong đó, yêu cầu học sinh phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế, bối cảnh được cung cấp.

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm có tính kế thừa từ Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, đồng thời cũng bảo đảm lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có tính đến việc học sinh chỉ học chương trình mới ở 3 năm cấp THPT, chưa khép kín trọn 12 năm theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong cấu trúc đề thi vẫn có những dạng câu hỏi, số lệnh hỏi được kế thừa như những năm trước.

Nâng cao năng lực ra đề thi cho giáo viên

Ông Chương cũng cho biết, thời gian qua, Bộ GDĐT đã chủ động tổ chức tập huấn cho khoảng 2.500 giáo viên các môn học của 63 tỉnh/thành phố về xây dựng câu hỏi thi. Từ đó, có thể giúp tạo thư viện đề thi có tính mở và được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương để lựa chọn câu hỏi tốt đưa vào ngân hàng câu hỏi thi (có tính chuẩn hóa theo quy trình khảo thí). Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng và công bố đề thi minh họa, bảo đảm hài hòa với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để địa phương, giáo viên, học sinh chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi.

Kết thúc đợt tập huấn, các sở GDĐT đều xây dựng được đề thi theo cấu trúc định dạng mới. Trong tháng 8/2024, Bộ GDĐT tổ chức đánh giá đề thi do các sở GDĐT xây dựng. Việc này nhằm giúp giáo viên, sở GDĐT nâng cao năng lực ra đề thi.

Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên trong dạy và học, ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cấu trúc, định dạng đề thi được Bộ GDĐT công bố từ tháng 3/2024, giúp học sinh và giáo viên có cả năm học lớp 12 (năm học 2024 - 2025) để ôn tập, tiếp cận với cấu trúc định dạng đề thi mới, sắp tới sẽ tập trung xây dựng, thí điểm diện rộng và công bố đề thi tham khảo và có thể sử dụng ổn định cho nhiều năm.

Trước đó, từ năm học 2022 - 2023 (khi thí sinh lớp 12 năm nay học lớp 10), Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn năm học; trong đó đều có yêu cầu: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Những hoạt động này đều nằm trong lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và bảo đảm phù hợp theo đúng mục tiêu và tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các em học sinh cần tập trung học tập và rèn luyện kỹ năng, kiến thức thầy cô đã dạy trên lớp. Ngoài các môn Toán và Ngữ văn, các em cần căn cứ vào năng lực, sở trường của mình để chọn môn học, môn thi cho phù hợp nhằm phát huy hết năng lực.

Đặc biệt là bình tĩnh, tự tin, không nên quá lo lắng trước việc đổi mới thi mà hãy tập trung học thật tốt, bám sát chương trình trên lớp, tăng cường văn hóa đọc đối với các môn xã hội, nhất là môn Văn để mở rộng kiến thức. “Đã học tốt thì khi dự thi, các em sẽ đạt kết quả theo đúng năng lực”, ông Chương nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm