Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa thực sự đáp ứng nội dung đổi mới

Thanh Thanh

Thứ năm, 10/08/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có báo cáo gửi Đoàn Giám sát chuyên đề Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết 51/2017/QH14 và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tình hình về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2014-2022, nêu nhiều ý kiến băn khoăn của người dân về Chương trình GDPT 2018.

Ảnh minh họa: Thanh Thanh

Trong đó, nêu rõ Chương trình GDPT 2018 chưa thực sự đáp ứng nội dung đổi mới; SGK GDPT và các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.

Việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập

Ở một số nội dung về chương trình GDPT gặp khó trong việc đào tạo và sử dụng cán bộgiáo dục, nên việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường; cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong 1 lớp học ở một số thành phố lớn có khi lên tới 60 em.

Nội dung SGK môn Tiếng Việt vào lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006, sự độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến các hoàn cảnh khó khăn; nội dung SGK lớp 1 Bộ Cánh diều còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.

Việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình GDPT 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập; việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính và định hướng của gia đình, gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này.

Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II, gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.

Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là 2 môn học Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh.

Việc chuyển tiếp trong cách dạy học cho học sinh từ cấp mẫu giáo bước vào lớp 1 bậc tiểu học gặp khó khăn, dẫn đến khi các em vào lớp 1 sẽ phải học thêm để biết đọc chữ.

Lại có ý kiến cho rằng hội đồng biên soạn chương trình và SGK đã công khai nhưng chưa thực sự minh bạch; nhiều người có chuyên môn tốt và thâm niên nghề nghiệp cao nhưng chưa được cơ cấu vào các hội đồng.

Việc đánh giá chất lượng học sinh vẫn còn hình thức

Việc đánh giá chất lượng thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn còn hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ băn khoăn khi chương trình GDPT của ta "có gì đó sai sai" so với thông lệ quốc tế, bởi chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước.

Trong khi đó, yêu cầu cao về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để đáp ứng yêu cầu hiện nay; nhưng lương cơ bản của giáo viên hiện nay còn thấp, chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo kinh tế thị trường.

Chương trình GDPT năm 2018 còn được đánh giá là nặng so với chương trình 2006, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần, nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả.

Với những áp lực này, kể cả khi có chương trình mới, người dân lo ngại vẫn sẽ có giáo viên duy trì dạy theo kiểu cũ, tư duy cũ cho an toàn, hoặc nếu đổi mới cũng tập hợp lại thành tổ nhóm để “thiết kế nội dung”, rồi dạy rập khuôn.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chương trình SGK, chưa chuẩn bị tâm lý, nguồn lực và cơ sở vật chất cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như người học về việc đổi mới SGK, dẫn đến tình trạng giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng cần có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động từ việc triển khai Chương trình SGK phổ thông 2018 đối với chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời, cần nghiên cứu phương pháp giảng dạy, có chiến lược cụ thể nhằm trang bị kiến thức bài bản cho giáo viên, cần chống bệnh thành tích trong thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Về xã hội hóa biên soạn SGK, cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; quan tâm việc lựa chọn đơn vị có đủ khả năng tham gia xã hội hóa, tránh lợi ích nhóm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm, để SGK khi đến tay học sinh là những sản phẩm thật sự có chất lượng tốt nhất.

Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa SGK là việc làm đúng đắn, nhưng xã hội hóa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cơ chế thị trường.

Hiện nay, cả người dạy và người học chưa được quyền lựa chọn SGK, không nên chỉ vì khó khăn trong khâu quản lý và tổ chức dạy học mà không chú ý tới những người trực tiếp sử dụng sách.

Những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông cần có sự nghiên cứu cẩn thận, điều tra xã hội học, có số liệu cụ thể, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo SGK cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ nhấn mạnh, xã hội hóa SGK không có nghĩa là Nhà nước rút bớt trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục mà cần phải quan tâm đầu tư hơn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã có sự quan tâm nhưng chưa đáp ứng với tình hình hiện nay, đặc biệt là thiếu máy vi tính và phòng học môn tin học; nhà tập luyện thể dục thể thao; phòng thí nghiệm... làm cho việc giảng dạy tại các trường và tiếp cận khoa học công nghệ của học sinh còn hạn chế...

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có đề xuất, kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng với tình hình xã hội hiện nay.

Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của các bộ, ngành, địa phương; sớm có giải pháp cơ cấu, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà giáo ở địa phương, cơ sở giáo dục.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng chương trình, SGK phổ thông trước khi đưa vào giảng dạy để đảm bảo chất lượng và tổ chức đánh giá trong quá trình thực hiện để hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm