Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Hiếu
Thứ ba, 11/06/2024 - 21:17
(Thanh tra) - Ngày 11/6, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức tọa đàm xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ…
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: LP
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thực tiễn 8 năm triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam cho thấy có một số điểm còn bất cập liên quan đến liên thông, phân luồng trong giáo dục, đối sánh với khung trình độ của các nước, đặc biệt các tiêu chuẩn do UNESCO ban hành; những vướng mắc đặt ra trong công nhận trình độ, công nhận văn bằng, công nhận trình độ để học sinh đi học nước ngoài...
Theo chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 53/QĐ-TTg), Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Quyết định số 1981/QĐ-TTg) và khung trình độ quốc gia Việt Nam (thay thế Quyết định 1982/QĐ-TTg).
“Đây là cơ hội để chúng ta rà soát lại, đánh giá từ thực tiễn, từ các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong quy định của luật, xem những gì còn bất cập cần sửa đổi cho phù hợp”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Về sự cần thiết phải sửa đổi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang quy định về tiêu chuẩn đầu vào, thời gian học tập và cơ hội học tập tiếp tục của các cấp học và trình độ đào tạo thuộc giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, một số thành tố trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay thiếu tính hội nhập, thiếu tính thống nhất, thiếu tính liên thông và chưa hỗ trợ được tốt cho việc phân luồng giáo dục sau THCS.
Bên cạnh đó, thiết kế khung trình độ quốc gia Việt Nam cần phù hợp với các khung và tiêu chuẩn trình độ quốc tế nhằm tạo điều kiện công nhận bằng cấp và hỗ trợ khả năng di chuyển quốc tế cho sinh viên, người lao động; cần đảm bảo áp dụng nhất quán trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo khác nhau và đảm bảo sự tham gia các bên liên quan trong thúc đẩy các cơ chế bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện tham chiếu khung trình độ quốc gia Việt Nam khi xây dựng các chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo, nhưng còn thiếu kết nối với đáp ứng kỹ năng làm việc từ thị trường lao động. Các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng cần rà soát, chuẩn hóa, và quản lý, giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giúp công nhận các trình độ đào tạo với các nước trong ASEAN.
Theo bà Thủy, tất cả các trình độ ở các bậc/cấp độ của hệ thống giáo dục quốc dân cần được thiết kế gồm 3 tiêu chí: Định hướng của chương trình; mức độ hoàn thành cấp độ; khả năng được chuyển tiếp lên cấp độ cao hơn. Do vậy, với khung trình độ quốc gia Việt Nam, Ban Soạn thảo đề xuất phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng thời, thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo. Làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Cùng với đó, thiết lập mối quan hệ với tham chiếu khung trình độ quốc gia (NQFs) của các nước ASEAN thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ.
Tham gia thảo luận, các chuyên gia, đại diện các đơn vị liên quan đã trao đổi những vấn đề còn vướng mắc và cho ý kiến đóng góp về các nội dung của khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm liên quan đến việc bảo đảm tính liên thông, phân luồng trong hệ thống giáo dục; sự thống nhất, hội nhập; đào tạo đặc thù; công nhận tương đương; hệ thống các văn bằng, chứng chỉ...
Cảm ơn ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tham dự buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đây là một việc làm khó và phức tạp, đòi hỏi sự thống nhất cao của các bên liên quan, cần có những bước đi ngắn hạn cũng như dài hạn để khắc phục những bất cập và hoàn thiện diện mạo mới của khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, để thực hiện tốt hơn nữa, Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận, xác định rõ mục đích của khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam, trên cơ sở đó đề ra những nguyên tắc, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan từ thực tiễn đã qua, xu thế tương lai, pháp luật, đối sánh quốc tế.
Đồng thời, yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để trước mắt hoàn thành báo cáo đánh giá, từ đó xây dựng các dự thảo một cách chất lượng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương