Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

70 cơ sở mầm non không phép vẫn… hoạt động

Thứ ba, 22/05/2018 - 06:34

(Thanh tra)- Những năm gần đây, các trường mầm non (MN) công lập ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, vì vậy các cơ sở ngoài công lập (NCL) mọc lên như... "nấm sau mưa". Tuy nhiên, chất lượng của nhiều trường MN lại chưa đảm bảo. Hiện, Hà Nội có 70 cơ sở MN chưa được cấp phép vẫn… hoạt động.

Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều trường MN được cải tạo từ nhà dân nên chưa phù hợp với trẻ. Ảnh: HH

Nhiều trường, lớp quá tải

Kết quả giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với trường MN, mẫu giáo, nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2015 đến nay cho thấy, nhiều nơi cơ sở vật chất trường, lớp chưa đảm bảo chất lượng.

Hiện, toàn TP có 1.084 trường MN (tăng 81 trường so với 2015). Trong đó, có 764 trường công lập, 320 trường NCL. Tất cả các trường MN NCL đều đã được cấp phép thành lập và hoạt động.

Số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hiện nay là 2.467 cơ sở, trong đó 2.397 cơ sở đã được cấp phép (đạt 97%), còn 70 cơ sở chưa được cấp phép thành lập nhưng… vẫn đang hoạt động.

Điều đáng nói, một số xã lại chưa chủ động trong quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở NCL hoạt động trái quy định.

Thực tế, số trường MN nhiều nhưng Hà Nội vẫn thiếu trường MN. Nhiều trường MN đang trong tình trạng quá tải. Toàn thành phố hiện còn 559 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo vượt quá quy mô số trẻ/lớp theo quy định.

Cơ sở vật chất không đảm bảo

Không chỉ trường, lớp quá tải mà cơ sở vật chất ở một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cũng không đảm bảo.

Theo quy định, diện tích lớp học phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu 1,5m2/trẻ. Tuy nhiên, do được thuê, cải tạo từ nhà dân, chung cư mimi nên chưa hoàn toàn phù hợp với trẻ MN, nhất là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hà Đông, huyện Thanh Trì…

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở MN không có sân chơi, phòng học thiếu ánh sáng, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tại một số cơ sở còn thiếu, chưa phong phú, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục MN. Các điều kiện về công tác phòng cháy chữa cháy tại một số trường không đúng quy định…

Cá biệt, còn có nhóm lớp thiếu công trình vệ sinh, bếp ăn chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo; một số nhóm lớp chưa thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm…

Đáng quan tâm, còn có trường hợp chấp hành chưa nghiêm túc quy định của pháp luật, chuyển nhượng lại nhóm, lớp tư thục cho chủ nhóm khác nhưng không điều chỉnh hồ sơ, không báo cáo tại cấp quản lý.

Tại một số khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất không xây dựng và chưa dành quỹ đất xây dựng các công trình nhà trẻ hoặc đã dành quỹ đất xây trường học nhưng chậm triển khai. Điển hình tại Khu Công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ) được đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, tại đây thành phố cũng đã bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng trường MN công lập, tuy nhiên đến nay các dự án đều chậm triển khai.

Trước thực trạng này, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đề nghị, các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở giáo dục MN NCL, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo điều kiện.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cần có cơ chế để xử lý những nhà đầu tư không đáp ứng các cam kết về hạ tầng xã hội khu dân cư, KCN, đồng thời phải xử lý triệt để những đơn vị vi phạm hiện tại; kiên quyết thu hồi các ô đất dự án treo để đầu tư xây dựng trường MN…

Gần 80% giáo viên, nhân viên NCL chưa được đóng bảo hiểm

Hà Nội vẫn còn tình trạng giáo viên MN chưa có trình độ chuyên môn về sư phạm. Ở các nơi đông dân cư và KCN đội ngũ giáo viên chủ yếu là người ngoại tỉnh, mới ra trường chưa có kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đội ngũ giáo viên tại các trường, nhóm lớp không ổn định thay đổi thường xuyên, tư tưởng không gắn bó lâu dài.

Đáng lưu ý, đa số các cơ sở MN NCL chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ đóng bảo hiểm đạt rất thấp 22,6%, như vậy còn tới gần 80% giáo viên, nhân viên chưa được đóng bảo hiểm.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất