Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

3 lý do khiến điểm chuẩn vào một số ngành học tăng cao

Lê Phương

Thứ sáu, 17/09/2021 - 21:29

(Thanh tra) - Những ngày qua, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đầu vào tăng tới 8 - 10 điểm khiến nhiều thí sinh không đỗ vào trường mong muốn. Trả lời báo chí chiều tối ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, có 3 lý do chính khiến điểm chuẩn một số ngành học tăng cao.

Số lượng thí sinh đăng kí xét tuyển tăng mạnh là 1 trong 3 nguyên nhân dẫn đến điểm của một số ngành học tăng cao, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mùa tuyển sinh năm nay rất nhiều đặc biệt, trong 1 năm học mà dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chúng ta tổ chức 2 đợt thi. Nhiều trường có phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng cuối cùng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh với việc xét tuyển, lọc ảo diễn ra trơn tru, nhẹ nhàng và chặt chẽ như mọi năm. Xét tình hình chung, tỉ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu cao hơn hẳn so với 2020 ở tất cả các ngành.

“Chúng ta xét về điểm chuẩn là 1 phần, nhưng dựa trên phân tích số thí sinh tuyển được trên chỉ tiêu thì có những thay đổi tiến bộ đáng kể so với năm 2020. Các trường tuyển được có nghĩa là thí sinh trúng tuyển, nhìn chung là rất tốt”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc tăng điểm chuẩn của 1 số ngành, số khối, trường tăng là có một số lý do. Thứ nhất là số thí sinh đăng kí dự thi tốt nghiệp phổ thông tăng 11%  so với năm 2020 (từ 900.000.000 lên 1.020.000 thí sinh). Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 152 nghìn thí sinh so với năm 2020 (từ 643.000 lên 795.000 thí sinh). Điều này làm cho điểm chuẩn của một số trường tăng vọt.

Mặt khác, điểm chuẩn các trường top trên không tăng đáng kể và chỉ tiêu hệ thống không tăng nên sau khi thí sinh được chọn top trên đã tập trung xuống các ngành, các trường top giữa. Khi tỉ lệ thí sinh đăng ký tăng thì chuyện điểm chuẩn tăng là bình thường.

Lý do thứ 2 là xu hướng chọn ngành, ngoài hiện tượng những trường top trên bắt đầu xuống trường top giữa tăng vọt, tâm lý của thí sinh trong điều kiện kinh tế xã hội như thế này thì các em có suy nghĩ kĩ về việc chọn ngành nào.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tỉ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu cao hơn hẳn so với 2020 ở tất cả các ngành. Số mã ngành tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, tăng 9% so với 2020.

Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9% so với 2020. Điểm chuẩn các trường tốp trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh. Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3259 mã ngành).

Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9 -11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%. Dẫn đầu là nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ với 70 mã ngành, nhóm ngành tăng. Tiếp đến nhóm khoa học giáo dục đào tạo giáo viên với 64 ngành. Hai khối ngành này chiếm 50% các ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 trở lên so với năm 2020. Sau đó mới đến khối ngành Kinh doanh và Quản lý có 42 mã ngành, Xã hội và nhân văn có 32 mã ngành, Pháp luật có 10 mã ngành.

“Đó là tín hiệu về việc chọn ngành, chọn nghề của học sinh, sinh viên ngày nay đã cân nhắc rất kỹ. Số chọn kỹ thuật công nghệ và giáo viên tăng cũng là tín hiệu mừng”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khi các em không đạt điểm ở các trường ở top cao thì sẽ chọn ngành, chọn nghề ở top trường dưới và sẽ tập trung ở một số ngành thì việc tăng điểm chuẩn ở một số ngành lên là có thể thấy được.

Nguyên nhân thứ 3 trong khi phân tích phổ điểm thì thấy một số môn như Tiếng Anh có kết quả cải thiện so với kết quả của năm 2020 nên việc góp phần vào việc tăng điểm chuẩn.

Chia sẻ về việc điểm chuẩn của một số ngành tăng cao khiến một số thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, số lượng và tỉ lệ thí sinh năm nay tuyển được cao hơn năm 2020.

Việc nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng chưa trúng tuyển đợt 1 là một điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, đó không phải dấu chấm hết do các trường vẫn còn nhiều hình thức xét tuyển; thí sinh vẫn còn cơ hội để trúng tuyển theo những phương thức xét tuyển khác.

Việc xét tuyển đại học là một câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GDĐT đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm 2021, trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường dù đã xây dựng những phương án xét tuyển khác nhau bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy, nhưng cuối cùng vẫn không thể tổ chức được.

Do vậy, trong những năm tới, Bộ GDĐT sẽ có những phương án để các trường đại học được tăng quyền tự chủ, có thể phối hợp với nhau để đưa ra những phương thức tuyển sinh bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này nhằm đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá tốt năng lực của thí sinh, giúp các em không phải dự thi nhiều lần mà các trường vẫn có thể vẫn chọn được thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường mình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm