(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2025), Báo Thanh tra xin trân trọng gửi tới bạn đọc những thông tin đặc biệt về các sự kiện và nhân vật đầu tiên của ngành Thanh tra Việt Nam để cùng ôn lại truyền thống, lịch sử ngành.

Sắc lệnh số 64/SL

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, có quyền giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ; có quyền áp dụng các biện pháp điều tra, đình chức, bắt giam, tịch biên hoặc niêm phong tài sản... để lập hồ sơ mang phạm nhân ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án Đặc biệt xét xử.

Đây là văn bản pháp lý đầu tiên khai sinh ra ngành Thanh tra Việt Nam, đánh dấu đánh dấu sự ra đời của hệ thống Thanh tra Việt Nam ngày nay.

Ban Thanh tra Đặc biệt ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam, được Chính phủ trao cho những quyền hạn rất lớn và nặng nề, không chỉ là một công cụ thường xuyên của chính quyền dân chủ Nhân dân mà còn có nhiệm vụ quan trọng góp phần làm yên lòng dân đặng tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh của toàn thể dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Tổ quốc.

Do yêu cầu cấp thiết trước mắt, nhiệm vụ của Ban Thanh tra Đặc biệt là thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp Nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64-SL, ngày 23/11/1945, thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký Sắc lệnh số 80-SL cử các ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra Đặc biệt.

Ông Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra Đặc biệt, trở thành vị Tổng Thanh tra đầu tiên của Việt Nam.

Ông Bùi Bằng Đoàn, vị Thượng thư Bộ Hình công chính, liêm minh của triều đình nhà Nguyễn và ông Cù Huy Cận, một nhân tài trẻ tuổi của Mặt trận Việt Minh. Đây là những nhân tài do Chủ tịch Hồ Chí Minh "đãi cát tìm vàng", tạo nên sự kết hợp tài tình giữa phẩm chất chín chắn, từng trải của ông Bùi Bằng Đoàn, cùng với sức trẻ, xung kích, dám nghĩ dám làm của ông Cù Huy Cận. Sắc lệnh số 80-SL cũng cho thấy nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng sắc bén, sâu sắc.

Giấy giới thiệu của Hồ Chủ tịch

Ngay sau khi được cử vào Ban Thanh tra Đặc biệt, cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra Đặc biệt, đồng thời Người trực tiếp viết giấy giới thiệu ông Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận với các địa phương để tạo thêm uy tín và điều kiện hoạt động thuận lợi cho Ban Thanh tra Đặc biệt.

Việc đầu tiên của Ban là nghiên cứu kỹ đơn, thư của các tầng lớp Nhân dân và các nhân sỹ, trí thức từ khắp nơi gửi về. Nhận thấy cần phải trực tiếp đi điều tra tình hình tại chỗ để kịp thời giải quyết ngay yêu cầu của quần chúng, cả hai vị trong Ban Thanh tra Đặc biệt đã đi về một số địa phương.

Địa phương mà Ban Thanh tra Đặc biệt đến là tỉnh Hà Nam. Tại đây, Ban Thanh tra đặc biệt đã tổ chức gặp gỡ trực tiếp để nghe một số người bị bắt và đang bị tạm giữ ở tỉnh trình bày và đề đạt nguyện vọng.

Ban đã trao đổi ý kiến với Tỉnh uỷ Hà Nam và quyết định trả lại tự do cho hơn một phần ba trong số hơn 60 người đang bị tạm giữ.

Với cách giải quyết hợp lý, hợp tình, cuộc thanh tra đầu tiên đã gây được cảm tình mạnh mẽ trong quần chúng Nhân dân, làm cho Nhân dân hiểu rõ và tin tưởng hơn vào Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí minh ký Sắc lệnh số 138b-SL lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng và cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138c-SL cử ông Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra; ông Trần Đăng Ninh làm Tổng Thanh tra phó.

Với Sắc lệnh này, ông Trần Đăng Ninh trở thành Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên của ngành Thanh tra Việt Nam.

Ông Trần Đăng Ninh được mệnh danh là “Bao Công” của Việt Nam, nhờ những lần “xử án” rất tài tình, đúng đắn, có tình, có lý, không bao giờ để lọt người có tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Vụ án “Gián điệp H122” chính là một trong những vụ án nổi tiếng nhất mà “Bao công” Trần Đăng Ninh đã xử lý vô cùng độc đáo nhưng cũng rất chuẩn xác, giúp minh oan cho mấy trăm cán bộ và quần chúng vô tội thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đại án tham nhũng đầu tiên của đại tá Trần Dụ Châu vào năm 1949 - 1950 với mức án tử hình đã minh chứng cho đóng góp đặc biệt của ngành Thanh tra trong công cuộc bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật, giữ vững lòng tin trong Nhân dân đối với Đảng.

Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám. Cục Quân nhu có nhiệm vụ lo ăn, mặc, thuốc men của quân đội.

Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, không biết tự kiềm chế, Trần Dụ Châu đi dần vào con đường sa ngã.

Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đô la Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên - Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn.

Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đoạ, đồi truỵ.

Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Toà án binh Tối cao mở phiên toà đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu. Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, Tòa tuyên: tử hình; tịch thu ba phần tư tài sản.

Bản án cho thấy sự trừng phạt nghiêm khắc của Hồ Chủ tịch đối với tội tham nhũng.

Ngày 26/12/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 1194/TTg thành lập Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh.

Đồng Chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Tổng Thanh tra. Đây là lần đầu tiên hệ thống tổ chức của Thanh tra Việt Nam được hình thành. Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ đối với các Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh.

Tháng 4/1957, Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc được triệu tập tại Hà Nội và đây là hội nghị ngành Thanh tra đầu tiên được tổ chức kể từ khi ngành Thanh tra Việt Nam được thành lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Tại hội nghị, Người đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Qua đó, Người đã chỉ rõ thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu.

Ngày 9/1/1976, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 25/TTg về việc thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở cơ sở, đánh dấu việc thể chế hóa quyền giám sát, kiểm tra của Nhân dân vào hoạt động của bộ máy chính quyền.

Ngày 27/11/1981, Hội đồng Nhà nước ban hành “Pháp lệnh quy định việc xét khiếu nại, tố cáo của công dân”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên xác định rõ quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Nhà nước và Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

Ngày 15/6/2004, Quốc hội ban hành Luật Thanh tra. Đây là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước đối với ngành Thanh tra, là luật đầu tiên quy định về hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra; chức năng, nhiệm vụ của ngành. Theo đó, Thanh tra Nhà nước đổi tên thành Thanh tra Chính phủ.

Luật Thanh tra đã xác lập hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra, đã được triển khai, đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. Hoạt động thanh tra tập trung vào công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân; thanh tra trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…

Xuất bản 23/10/2024 - 06:00

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Càng khó càng phải làm, và làm cho bằng được!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Càng khó càng phải làm, và làm cho bằng được!

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khi đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào thực tiễn. Theo ông Yên, đây sẽ là giải pháp mang tính đột phá để tháo gỡ những vướng mắc kéo dài, tạo cơ hội khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, đồng thời giúp Đắk Nông vươn lên mạnh mẽ.

12:49 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm