Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo động lực phát triển chung của vòng cung du lịch Đông - Tây Yên Tử

Thứ tư, 21/05/2014 - 08:20

(Thanh tra)- Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã khẳng định về giá trị của Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử như vậy với PV. Đây là dự án tâm linh có ý nghĩa về mặt kinh tế, văn hóa, du lịch với số vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, với điểm nhấn là 108 quả chông đúc bằng đồng được đặt trong khuôn viên chùa Hạ.

Ông Nguyễn Văn Linh (thứ 3 từ phải sang) tại lễ khởi công khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Ảnh: Trà Vân

+ Thưa ông, giá trị đặc biệt của khu vực Tây Yên Tử có ý nghĩa như thế nào đối với cả quần thể Khu danh thắng Yên Tử?

- Ông Nguyễn Văn Linh: Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Hiện, dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều các di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là vào thời Lý - Trần trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng. 

Qua khảo sát bước đầu đã thống kê trên 130 di tích lớn nhỏ nằm trong khu vực Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang đã lập hồ sơ đề nghị và công nhận 26 điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia. 

Với hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo cho nơi đây tiềm năng, cùng với khu phía Đông dãy Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh) kết nối tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát huy giá trị các di sản văn hóa mà cha ông chúng ta đã để lại.

+ Như vậy, điểm nhấn của Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử là gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Linh: Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử có tổng diện tích 13,8ha được chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1.000m, kết nối với chùa Đồng, tượng phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, giao thông, cáp treo... đồng bộ. Tổng kinh phí dự kiến trên 305 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. 

Điểm nhấn của quần thể Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử nằm ở chùa Hạ với hệ thống 108 tháp treo 108 quả chuông đồng được bố trí hoàn toàn trong khuôn viên chùa. 

Quá trình xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử dự kiến được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2018) triển hai xây dựng chùa Hạ, chùa Thượng; trạm cấp nước Đồng Thông, trạm biến áp cấp điện; kè lát đá tuyến đi bộ từ chùa Hạ tới chùa Thượng. Đồng thời, xây dựng tuyến cáp treo và đưa vào hoạt động sau khi chùa Hạ, chùa Thượng hoàn thành. Tiếp đó, giai đoạn 2 triển khai xây dựng hai điểm chùa Trình và chùa Trung từ 2018 - 2020 và giai đoạn 3 từ 2021 - 2025 sẽ hoàn thiện toàn bộ các hạng mục đầu tư về công trình và hạ tầng kỹ thuật. 

Ban Quản lý xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử đã làm lễ khởi công xây dựng chùa Hạ có tổng mức kinh phí đầu tư khoảng 250 tỷ đồng trên diện tích gần 5ha. Chùa được xây dựng xây dựng theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc” - kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật.  

+ Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông… Tuy nhiên, nhiều dấu tích tại khu vực này đã phế tích, vậy công tác phục dựng và bảo tồn đã được các cấp, ngành của tỉnh Bắc Giang quan tâm thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Linh: Xác định việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa. Những năm qua, một số di tích như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ đã từng bước được quan tâm đầu tư, tôn tạo với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên tại khu vực này vẫn còn nhiều di tích trải qua thời gian và chịu sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh đã xuống cấp, có chỗ thành phế tích mà do điều kiện còn khó khăn nên chưa được tu bổ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị. 

Để tăng cường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển du lịch bền vững, tỉnh đã lập và phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử, lập quy hoạch xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị các di sản danh thắng tại khu vực này và kết nối với Khu danh thắng phía Đông Yên Tử (Quảng Ninh) với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, khôi phục lại con đường hành hương trong không gian văn hoá chung.

+ Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, rừng tự nhiên ở khu vực núi Tây Yên Tử không chỉ chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp nước cho vùng hạ lưu thuộc Đông Bắc Việt Nam. Khi triển khai dự án này, tỉnh quan tâm đến vấn đề gì nhất, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Linh: Ngày 10/5/2013 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Tây Yên Tử giai đoạn 2013-2020 nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng khu Tây Yên Tử gắn với việc khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái rừng đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển các nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm; trong đó quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ sưu tập, bảo tồn hệ động thực vật, các giá trị cảnh quan di tích lịch sử… Như vậy thực hiện dự án này triển khai theo đúng quy hoạch đã phê duyệt, đồng thời cần phát huy vai trò quản lý của các cấp để dự án thực hiện đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên rừng, cảnh quan tại khu vực này.

+ Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã và đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với UBND 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang chủ động trong việc bảo vệ tính nguyên vẹn của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử thông qua các hành lang pháp lý là các luật có liên quan của Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ. Vậy, để Khu danh thắng Yên Tử sớm trở thành di sản văn hóa, sự phối hợp giữa 2 tỉnh rất quan trọng tạo động lực để phát triển vòng cung du lịch tâm linh, ông nghĩ sao?

- Ông Nguyễn Văn Linh: Với giá trị to lớn của khu Yên Tử, năm 2013, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đã có cuộc làm việc bước đầu thống nhất chủ trương về lập hồ sơ trình Unesco đưa quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Đến nay, 2 tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong lập hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử theo các tiêu chí đề cập tại hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972. Đồng thời việc phục dựng các di tích, công trình tín ngưỡng tại khu vực này tạo thành quần thể hoàn chỉnh, thống nhất, góp phần tạo động lực phát triển chung của vòng cung du lịch tâm linh Yên Tử.

Vâng, cảm ơn ông!


Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng Ban quản lý xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử đã nhấn mạnh: Việc triển khai xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử nhằm kết nối để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị các di sản danh thắng khu vực Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với khu danh thắng Yên Tử (Đông Yên Tử - Quảng Ninh) với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, khôi phục lại con đường hành hương trong không gian văn hóa chung, để du khách có thể khởi hành từ Bắc Giang cũng tới được với chốn tổ Trúc Lâm Yên Tử". 

Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo tồn, kết nối tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Yên Tử thuộc hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. 

 Trà Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm