Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển “du lịch chữa lành” ở Việt Nam không còn là một xu hướng

Nguyễn Nhài

Thứ ba, 18/06/2024 - 21:43

(Thanh tra) - Mô hình du lịch đầy tiềm năng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mọi người về việc chăm sóc sức khỏe và phát triển cá nhân mang tên xu hướng du lịch "chữa lành". Vậy du lịch chữa lành là gì? Du lịch chữa lành có khác gì so với các loại hình du lịch truyền thống khác?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, giảng viên ngành Quản trị du lịch, Học viện Hành chính quốc gia. Ảnh: NVCC

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, giảng viên ngành Quản trị du lịch, Học viện Hành chính quốc gia để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đi đến những khu vực yên tĩnh, tập trung thư giãn tinh thần, lắng nghe bản thân và gắn kết với thiên nhiên... đang được nhiều người yêu thích. Xu hướng này được gọi là “du lịch chữa lành”. Vậy “du lịch chữa lành” là gì, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung: Đây là một cụm từ trong Luật Du lịch chưa được đề cập đến. Tuy nhiên, theo quan niệm của khách du lịch, việc kết hợp giữa thư giãn, tận hưởng không gian thiên nhiên và các liệu pháp chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp du khách nghỉ ngơi mà còn giúp họ phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần. Cho nên, chữa lành ở đây theo quan niệm như chúng tôi được đánh giá là chữa lành về thể lực và trí lực.

PV: Một số chuyên gia cho rằng: "Hiện có nhiều điểm tương đồng về mặt nội hàm giữa du lịch chữa lành và một số hình thức khác như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh, du lịch tâm linh". Vậy theo ông, du lịch chữa lành có điểm gì giống và khác với những loại hình du lịch khác?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung: Với loại hình du lịch chữa lành trên thế giới họ đã có từ lâu, đây là một xu hướng du lịch đang phát triển mạnh mẽ với nhiều quốc gia và địa điểm nổi tiếng, đặc biệt là một số quốc gia phát triển như Singapore và Hàn Quốc với các liệu pháp làm đẹp và phục hồi sức khỏe. Cho nên chữ “chữa lành” tôi xin phép được đặt trong ngoặc kép vì nó là một trong những ý nghĩa hẹp của du lịch (tức là chỉ là một phần trong hoạt động du lịch).

Du lịch chữa lành thường bao gồm các hoạt động như tham gia các liệu pháp yoga, massage, điều trị y học cổ truyền hoặc hiện đại, và các hoạt động khác nhằm mục đích cải thiện sức khỏe. Trong khi đó, du lịch truyền thống thường bao gồm tham quan danh lam thắng cảnh, tham gia các hoạt động vui chơi, mua sắm hay thưởng ngoạn văn hóa.

PV: Ông có nghĩ rằng việc phát triển du lịch chữa lành có thể góp phần vào việc bảo tồn và phát triển bền vững các di sản văn hoá và thiên nhiên ở Việt Nam không? Tại sao?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung: Ở Việt Nam, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là một điểm đến lý tưởng cho du lịch chữa lành. Với những khu rừng sinh thái, khu dự trữ sinh quyển, và đặc biệt là du lịch biển đảo, du khách không chỉ có cơ hội trải nghiệm thiên nhiên mà còn có thể tìm kiếm sự yên bình và phục hồi tinh thần.

Việt Nam có thể tận dụng những nguồn lực này để phát triển du lịch chữa lành, cung cấp không chỉ các liệu pháp chăm sóc sức khỏe mà còn các hoạt động như yoga, thiền, hoạt động nghệ thuật và văn hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển bền vững của nguồn tài nguyên và văn hóa địa phương.

Du lịch kết hợp những liệu pháp chăm sóc sức khỏe là xu hướng du lịch bền vững. Ảnh: Sưu tầm

PV: Trong tương lai, có những cơ hội và thách thức gì mà loại hình du lịch chữa lành ở Việt Nam đang phải đối mặt?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung: Về mặt thuận lợi, Việt Nam ngoài có một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với các kiến thức dân gian về y học cổ truyền của các dân tộc, đặc biệt là về thảo dược và thuốc Nam. Ngoài ra, phát triển du lịch chữa lành không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa, đồng thời tạo ra cơ hội để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, có tồn tại một số khó khăn. Nguồn kỹ thuật và cơ sở vật chất cần nguồn đầu tư lớn, cần có một sự bài bản và xây dựng theo một quy trình để đón tiếp, để sử dụng dịch vụ du lịch chữa lành. Đặc biệt, cần có nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực y học, spa, yoga và các phương tiện khác.

Vì thế, đây là một loại hình du lịch đòi hỏi chất lượng dịch vụ rất cao, không phải địa phương nào cũng làm được, không phải nhà đầu tư nào cũng làm được.

PVLiệu “du lịch chữa lành” sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai hay nó chỉ đang trở thành trào lưu, xu hướng được nhiều người quan tâm ở Việt Nam?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung: Theo quan niệm của tôi, việc phát triển du lịch chữa lành không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu ngày càng được nhận biết và chú trọng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ làm được, và sẽ đưa ra được quy trình xây dựng loại hình “du lịch chữa lành”, không đơn giản chỉ còn là một xu hướng. Việc tập trung vào khỏe mạnh và phục hồi sức khỏe không chỉ là một phần của trải nghiệm du lịch mà còn là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh.

PV: Các ngành, cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì để thúc đẩy ngành du lịch ở Việt Nam nói chung và xu hướng du lịch chữa lành nói riêng, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung: Tôi mong rằng các cơ quan sẽ có những cơ sở dữ liệu, có chế tài, hướng dẫn để “ du lịch chữa lành” có thể trở thành một loại hình du lịch đặc biệt ở Việt Nam. Đây là yếu tố phải kết hợp từ ba nhà: Nhà quản lý nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà đào tạo. Quan trọng là việc đào tạo và phổ cập kiến thức về du lịch chữa lành trong các trường đào tạo du lịch. Điều này sẽ tạo ra một lực lượng lao động chuyên nghiệp và có kiến thức để phục vụ cho ngành du lịch chữa lành, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất