Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làng nghề Hà Nội quyết vượt khó

Chủ nhật, 28/07/2013 - 09:16

(Thanh tra) - Khách du lịch đến Hà Nội ngoài thăm thú những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các địa chỉ hấp dẫn, còn có sở thích thăm thú các làng nghề (LN) truyền thống. Song, vài năm gần đây, các LN đang đuối dần do chi phí sản xuất tăng cao, thị trường trong và ngoài nước bất ổn. Về nội tại, các nghệ nhân thiếu sáng tạo trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, khai thác thông tin thị trường thiếu đầy đủ dẫn đến hàng bán ra thiếu sức cạnh tranh…

Nghệ nhân vẽ hoa văn trên gốm Bát Tràng

Làng nghề gặp khó

Vạn Phúc, thủ phủ của lụa Hà Đông, hiện có hơn 200 dàn dệt, sản lượng 2 triệu mét lụa/năm và hơn 100 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu tơ lụa. Theo các nghệ nhân, cái quý của lụa Hà Đông là được dệt thủ công từ nguyên liệu từ tơ tằm nên có những phẩm cấp quý như hút ẩm, thông thoáng, khử mùi, chống tia cực tím, có màu sắc lung linh bắt mắt. Giá 1 kg tơ tằm được mua trên 1 triệu đồng. Sau khi gia công nhuộm hấp, làm mềm giá thành lên tới 1,8 triệu đồng. Chính vì vậy, giá lụa Vạn Phúc bán tại chỗ từ 300 - 600 nghìn đồng/mét tùy vào họa tiết trang trí.

Thế nhưng, thương hiệu lụa Hà Đông gần đây đã có ít nhiều điều tiếng. Nhiều người hám lợi, đã buôn lụa pha nilon Trung Quốc đội lốt lụa Vạn Phúc bán ra chỉ 40-80 nghìn đồng/mét. Ngay cả một số người trong làng nghề cũng đã pha sợi lanh và các sợi khác vào sợi tơ tằm để giảm giá thành. Điều này bị nhiều khách hàng trong và ngoài nước hiểu nhầm là lụa Vạn Phúc có hàng dỏm. Đó là chưa kể đến có một số người nhập nguyên liệu tơ tằm của Trung Quốc về dán nhãn mác lụa tơ tằm Vạn Phúc.

Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 281 làng nghề được công nhận theo tiêu chí. Hàng năm, làng nghề đóng góp gần 9% GDP toàn TP, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động với thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/người/năm.
Thường Tín, Phú Xuyên là hai  huyện có nghề tiện gỗ và làm sơn mài truyền thống. Những sản phẩm đồ gỗ ở các xã nổi tiếng như Nhị Khê, Hạ Thái… đã được bán rộng rãi trên nhiều nước từ nhiều năm nay. Hai năm trước đây, các thương lái của Trung Quốc đã về tận làng nghề đưa mẫu thiết kế cho các nghệ nhân thực hiện với những chiếc giường cổ, tủ cổ, bàn ghế cổ kiểu đời nhà Minh, nhà Thanh với giá gần cả tỷ đồng. Ngay cả những thương gia đồ gỗ Đồng Kỵ, Bắc Ninh cũng sang Thường Tín, Phú Xuyên để gom hàng xuất đi Trung Quốc. Ngoài sản phẩm đồ gỗ, các mặt hàng như chiếu gỗ hạt tiện, dãy hạt, gối hạt bằng các loại gỗ trắc, gỗ sưa rất được thị trường Trung Quốc ưa dùng.

Anh hùng lao động Nguyễn Đắc Hải, Phú Xuyên cho biết, hai năm gần đây, do một phần do kinh tế khó khăn nên sức mua trong và ngoài nước đều giảm mạnh. Trong khi giá gỗ nguyên liệu đã tăng 50% so với năm 2010, chi phí điện nước, nhân công, dịch vụ vận chuyển cũng tăng nhiều cho nên lợi nhuận còn lại rất ít, thậm chí là hòa. Đó là lý do nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng.

Một cán bộ của Ban chỉ đạo Tam Nông, TP. Hà Nội cho biết, các làng nghề đang đứng trước khó khăn do phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Trong khi, các điều kiện xuất khẩu lại rất khắt khe như chứng chỉ nguồn gốc gỗ rừng trồng hay là rừng tự nhiên… Nguồn nguyên liệu ở thủ đô thiếu cho nên phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực với giá cao. Số đông trong các làng nghề là mô hình kinh tế hộ hoặc là doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ mà chủ thường chưa được qua đào tạo. Ở một khía cạnh khác, do làm ăn chụp giật nên các doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh như giảm giá, chèo kéo khách… Đó là nguyên nhân tạo nên lợi thế để khách mua hàng dìm giá. Do vậy, thiệt hại lại thuộc về các nhà sản xuất.

Vực dậy làng nghềLụa Hà Đông

Để gỡ khó cho LN, TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng Dự thảo “Quy định một số chính sách phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn”. Theo đó, các LN thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ khi gắn với du lịch và xuất khẩu, ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Địa phương sẽ hỗ trợ 100% tiền vật tư xây dựng hạ tầng giao thông làng nghề, trạm xử lý nước thải đầu mối, phối hợp với các trường nghề, cơ sở dạy nghề truyền thống để đào tạo nhiều thợ trẻ…, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ…

Để bảo vệ làng nghề, chính quyền địa phương Vạn Phúc đã công nhận các cửa hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, tiến tới loại bỏ các sản phẩm không phải là tơ tằm ra khỏi các cửa hàng kinh doanh và giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao chữ tín, giúp khách du lịch dễ chọn lựa sản phẩm.

Theo một lãnh đạo của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, xu hướng khách du lịch đến Hà Nội họ thường tìm về làng gốm Bát Tràng và rất thích thú được học việc trong một khoảng thời gian ngắn tại nhà xưởng chế tác đồ gốm. Họ rất thích các sản phẩm được nặn từ đất sét do dù sản phẩm làm từ đất nặn nhưng có thần, có hồn, có cuộc đời, có cá tính, có thân phận. Nhiều người nước ngoài say mê ngồi lên khung cửi thủ công tí tách với các con thoi dệt lụa ở làng lụa Vạn Phúc hay họ tự tay cầm đục, cầm chàng để tạo nên một nét hoa văn trên gỗ ở làng gỗ Nhị Khê… Cái quý ở chỗ là, mình không chỉ đơn thuần bán cho họ một sản phẩm mỹ nghệ mà quý hơn là cho họ được nhập vai, cảm nhận sung sướng khi tạo ra sản phẩm đó.

Với sự chỉ đạo sát sao và sự quan tâm từ nhiều phía của TP. Hà Nội cùng với sự năng động quyết tâm vượt khó của nhiều nghệ nhân, nhiều gia đình, nhiều chủ doanh nghiệp, hy vọng các làng nghề của Hà Nội sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện nay và trở thành nhiều điểm đến của các tua du lịch làng nghề.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm