Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiến kế khôi phục ngành Du lịch

Thứ ba, 12/05/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Để “phá băng” và dần khôi phục du lịch, Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam sẽ tập trung toàn lực cho chương trình kích cầu du lịch nội địa, tùy vào thực tế ở các địa phương và tổ chức phát động ngay chương trình kích cầu du lịch tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Dịp 30/4 - 1/5, lượng khách đã đông trở lại, thị trường du lịch nội địa đang "ấm dần". Ảnh minh họa: Internet

Tự mình phải cứu mình

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực HHDL Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề vì đại dịch Covid-19, nhưng ngành Du lịch sẽ sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng nếu có những bước chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ. Việc hồi phục phải bằng cách tự mình phải cứu mình trước, với sức mạnh nội lực chứ không phải trông chờ vào sự cứu giúp nào khác.

Mặt khác, dịch bệnh vẫn đang hoành hành dữ dội ở nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề cả về người và của. Bài học kinh nghiệm của chúng ta trong việc phục hồi du lịch trong dịch SARS 2003 và khủng hoảng kinh tế năm 2009 không áp dụng được ở đây, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, nỗ lực hơn nhiều lần so với những lần khủng hoảng trước..

Hiện tại, ở Việt Nam, về cơ bản dịch đã được kiểm soát rất tốt. Hơn nữa, qua đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày dịp 30/4 - 1/5, lượng khách đã đông trở lại, thị trường du lịch nội địa đang "ấm dần". Vì thế, chúng ta có niềm tin vào việc phục hồi của ngành Du lịch, và ngay từ bây giờ, ngành Du lịch cần bắt tay ngay vào chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Ông Bình cho biết, khác với chương trình kích cầu du lịch Việt Nam trước đây chỉ chọn một số tỉnh, thành phố không xảy ra dịch để đón du khách, chương trình lần này được triển khai đồng loạt ở tất cả các địa phương trên cả nước, ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và bắt đầu từ trung tuần tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động trong ngành Du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, xúc tiến du lịch tại hội chợ VITM 2020, đẩy marketing online, ứng dụng công nghệ trong hoạt động, kinh doanh du lịch…

Chủ tịch HHDL Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cũng khẳng định: Trong khi thị trường quốc tế chưa có lối thoát thì thị trường nội địa là “cứu cánh” và chương trình kích cầu nội địa toàn quốc là hết sức quan trọng để khôi phục du lịch.

Theo ông Thọ, thời điểm này, việc kích cầu nên hướng tới kéo dài thời gian lưu trú của khách tại một điểm, hạn chế di chuyển, tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, sinh thái, khám phá, văn hóa, lịch sử, ẩm thực… Nếu tất cả các địa phương đều tham gia kích cầu, cùng hy sinh và chia sẻ lợi ích, chắc chắn sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Sự tham gia của các địa phương

Ông Thọ cho rằng, để chương trình thực sự có hiệu quả và về lâu dài có thể khôi phục ngành Du lịch, rất cần sự tham gia của các địa phương. Tuy rằng, trong lúc khó khăn này, việc miễn giảm phí tham quan có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nên không phải đơn vị, địa phương nào cũng ủng hộ. Vì thế, ngoài việc HHDL Việt Nam phát động và các HHDL địa phương sẵn sàng tham gia, cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ và chính sách hỗ trợ cụ thể của chính quyền và các cơ quan quản lý du lịch. Đây không chỉ là việc tham gia hay không tham gia mà còn là cách ứng xử của địa phương với một ngành kinh tế mà rất nhiều tỉnh, thành phố xác định là mũi nhọn.

Đại diện HHDL tại nhiều địa phương cũng cho biết, hiện nay, HHDL địa phương thống nhất phương án kích cầu của riêng mình, báo cáo UBND tỉnh, thành phố về chủ trương, kế hoạch triển khai chương trình kích cầu, kiến nghị các chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, họ cũng đã làm việc với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để vận động, thống nhất các nội dung, xây dựng chương trình kích cầu phục hồi du lịch nội địa sau dịch Covid-19, đảm bảo chất lượng dịch vụ và các tiêu chí an toàn theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, các hiệp hội, hội và chi hội du lịch chuyên ngành cũng đã vận động hội viên đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, mỗi hội viên xác định chỉ tiêu cụ thể khi đăng ký tham gia chương trình. Kết hợp với hàng không thực hiện các gói dịch vụ ưu đãi, giảm giá, tăng thêm các loại hình dịch vụ như tặng quà, tặng thêm các món ăn, bữa ăn… nhằm mang đến chương trình kích cầu phong phú, đa dạng, thu hút được nhiều khách du lịch trong thời gian tới.

Liên kết chặt chẽ với các ngành khác

Ngoài ra, muốn chương trình thành công, ngoài sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, thì sự tham gia của các ngành khác, đặc biệt là hàng không vào việc kích cầu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hồi ngành Du lịch.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HHDL TP HCM Nguyễn Thị Khánh, HHDL Việt Nam cần sớm làm việc với các hãng hàng không để có những chính sách ưu đãi, bình ổn về giá.

Bên cạnh đó, HHDL Việt Nam cũng cần phải có một chiến dịch truyền thông về chương trình kích cầu du lịch nội địa trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội nhằm đạt hiệu quả cao trong chương trình kích cầu du lịch lần này, giúp du khách yên tâm hơn khi đi du dịch.

“Khi tham gia đón khách, HHDL, doanh nghiệp du lịch các địa phương, các khu, điểm du lịch phải ký cam kết về du lịch an toàn, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch”-  bà Khánh nói.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HHDL Thừa Thiên Huế Đinh Mạnh Thắng cũng cho rằng, cần phải có sự liên kết chặt chẽ trong từng khu vực và với các ngành khác, đặc biệt là hàng không, thì chương trình kích cầu mới đạt hiệu quả.

Theo ông Thắng, các địa phương cũng cần có những chính sách tốt nhất về phí tham quan, các chính sách thuế, phí khác để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia kích cầu. Các hãng hàng không cần vào cuộc ngay từ ban đầu, hi sinh lợi ích trước mắt để các bên cùng có lợi về lâu dài.

Phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc

Từ trung tuần tháng 5/2020, HHDL Việt Nam sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên quy mô toàn quốc.

Khu vực phía Nam, sẽ tăng cường kết nối trung tâm du lịch TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Khu vực phía Bắc, sẽ khảo sát và triển khai chương trình kích cầu tại các địa phương ven biển như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ (Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định…), lấy Hà Nội làm trung tâm.

Ngoài ra, cần phải thúc đẩy du lịch của Tây Bắc và vòng cung Đông Bắc, bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang... Khu vực này có bản sắc văn hóa dân tộc cực kỳ độc đáo, 2 công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang và Cao Bằng, nên có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch.

Ở miền Trung, lấy Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam làm trung tâm, kết nối các tỉnh trong khu vực. Tây Nguyên - Nam Trung bộ tiếp tục giữ mối liên kết 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên đã hình thành tại chương trình kích cầu du lịch Việt Nam hồi tháng 3/2020, và mở rộng thêm Kon Tum và Đắk Nông.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm