Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Du lịch thông minh - xu hướng tất yếu

Thứ ba, 08/09/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19, có thể nói, du lịch thời gian này đang “tê liệt” cục bộ. Vì vậy, phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin (CNTT) phát triển hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội.

Du lịch thông minh - cầu nối giữa doanh nghiệp du lịch và du khách. Ảnh minh họa: Internet

“Chuyển mình” để phù hợp

Theo các chuyên gia về du lịch, thành tựu của CNTT giúp ngành Du lịch trong nước có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, phát triển du lịch trực tuyến, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch. Những cơ hội mới đặt ra cho ngành Du lịch yêu cầu cần chuyển đổi phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường.

Chia sẻ về xây dựng phát triển du lịch thông minh thời 4.0, giáo sư Perry Hobson, Đại học Sunway (Malaysia) phân tích: Sự phát triển công nghệ thông minh sẽ tạo điều kiện cho các thành phố lớn trở thành các khu đô thị thông minh. Các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nên đầu tư phát triển hệ thống thông tin thông minh để xây dựng từng thành phố như là một điểm đến và là cơ sở tạo ra trải nghiệm du lịch tốt hơn.

Tuy vậy, điều quan trọng làm nên thương hiệu du lịch của mỗi đất nước vẫn là du lịch khám phá, trải nghiệm di sản, văn hóa. Việc khai thác những địa danh, công trình, kiến trúc cổ có giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp với công nghệ cao sẽ tạo nên sản phẩm du lịch thông minh và phát triển bền vững.

Ỏ Việt Nam, gần như 100% doanh nghiệp du lịch đã có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đã có wifi miễn phí và dịch vụ này đang được nhiều địa phương thực hiện. Nhiều di tích đã ứng dụng robot thuyết minh đa ngôn ngữ.

Để hỗ trợ hoạt động du lịch của du khách, các địa phương cũng đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh, nhất là các tỉnh, thành phố lớn được coi là những trung tâm du lịch của cả nước.

Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm xe buýt... cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng. Nhiều điểm trên địa bàn thuộc các quận trung tâm Thủ đô đã lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến xe buýt...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng rất nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh.

Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến, marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua-bán, thanh toán.

Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch.

“Cầu nối” giữa doanh nghiệp du lịch và du khách

Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành Du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam đóng băng, đối mặt nhiều thách thức, trong đó việc tour tuyến bị huỷ vô thời hạn, lượng khách giảm sâu khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, hứng chịu sự thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành thống nhất khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng.

Cho rằng việc chào bán các tour du lịch trong giai đoạn này là không phù hợp, các doanh nghiệp lữ hành vẫn nên kết nối, tương tác với khách hàng bằng các bài viết trên website, fanpage… Trong đó, có thể giới thiệu về điểm đến hấp dẫn, ẩm thực vùng miền, cẩm nang chia sẻ kinh nghiệm về du lịch. Những bài viết đi kèm hình ảnh đẹp mang tính truyền đạt thông tin về du lịch sẽ khơi gợi sự tò mò để du khách truy cập vào trang tìm hiểu.

Trước đó, du lịch thông minh đã thành công đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Để sử dụng hệ thống này, khách tham quan sử dụng một thiết bị có cài sẵn các nội dung thuyết minh, những địa điểm cần thuyết minh tại di tích. Nội dung thuyết minh được biên soạn cẩn thận về các câu chuyện lịch sử, câu chuyện di sản giúp khách tham quan dễ dàng hình dung quá trình hình thành và phát triển các giá trị của di tích. Với thiết bị trên tay, chỉ cần bấm nút, khách tham quan được một “hướng dẫn viên ảo” hướng dẫn thăm mọi ngõ ngách của di tích.

Nối tiếp, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng đưa vào hoạt động phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long. Chỉ cần một điện thoại thông minh, khách tham quan có thể tải phần mềm này và sẽ có hướng dẫn viên ảo giúp đỡ khám phá Hoàng thành.

Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ và truyền thông; giúp cho sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, đồng thời, giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn.

Thời gian qua, nhiều địa điểm công cộng đông khách du lịch trên địa bàn Hà Nội như: Khu vực hồ Hoàn Kiếm, Phố Sách, Sân bay Quốc tế Nội Bài, trên một số tuyến xe buýt đã được phủ wifi miễn phí… Cổng Thông tin điện tử du lịch Hà Nội tại địa chỉ www.myhanoi.vn đã hoàn thành giao diện, hệ thống, tính năng… bước đầu đáp ứng được chức năng liên kết, kết nối và là diễn đàn giữa nhà quản lý, người dân, du khách. Đặc biệt hơn, còn kết nối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Cổng thông tin không chỉ cung cấp thông tin về các tài nguyên du lịch, mà còn gợi ý, đề xuất lịch trình, chi phí dự kiến… Khách cũng có thể tham khảo, lựa chọn các cơ sở lưu trú từ khách sạn đến homestay, ẩm thực, các địa điểm mua sắm… Đây thật sự là “cầu nối” giữa doanh nghiệp du lịch và khách, là trợ lý hữu ích với khách du lịch trong nước và ngoài nước.

Quảng bá sản phẩm trong thời điểm khó khăn

Xu hướng sử dụng công nghệ được đặc biệt chú trọng với tính hiệu quả trong công tác hỗ trợ phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong tương lai gần. Việc sử dụng ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, tính năng và công năng của các ứng dụng thông qua ứng dụng trên điện thoại, máy tính được đánh giá là có lợi đối với các doanh nghiệp lữ hành trong việc tiết kiệm chi phí quảng cáo, tăng sự cảm nhận của khách hàng, dễ dàng liên kết các tour, bán hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến.

Du lịch thông minh sẽ giúp đẩy mạnh khả năng truy cập và tương tác của du khách để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, khai thác, liên kết dịch vụ du lịch, thanh toán tiện lợi hơn, góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch. Thực tế hoạt động quảng bá du lịch, kết nối giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - du khách cho thấy việc nắm bắt, sử dụng các ứng dụng công nghệ để tương tác là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bắt đầu thử nghiệm làm việc dưới hình thức online với tiêu chí đảm bảo tốt, đạt hiệu quả cao trong công tác. Việc triển khai làm việc online cũng là hoạt động kịp thời và cấp thiết, đồng thời cũng nhằm đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ cho du khách, đối tác và cán bộ công nhân viên trong mùa dịch này.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia du lịch băn khoăn, với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, để thành thạo làm việc theo mô hình kỹ thuật số, thích ứng nhanh trong cuộc cách mạng 4.0 là điều hơi khó, bởi các trường đào tạo du lịch ở Việt Nam vẫn chưa chú ý tập trung dạy ứng dụng CNTT trong du lịch.

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục chưa có hướng dẫn đầy đủ về marketing số, chưa biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội cũng như chưa bỏ thói quen dùng phương thức truyền thống.

Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành Du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới. Do đó, toàn ngành Du lịch cũng như các địa phương dù đã nỗ lực nhưng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng tiếp cận, thích ứng với du lịch thông minh trong tương lai.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm