Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Du lịch tạo “đòn bẩy” trong công tác giảm nghèo

Bùi Bình

Thứ năm, 21/12/2023 - 06:30

(Thanh tra)- Những năm gần đây, phát triển dịch vụ du lịch ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Thành viên xe ôm là người đồng bào dân tộc thiểu số đang nghe tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Bùi Bình

Là huyện vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, vai trò của cấp ủy trong công tác lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt, chú trọng đến phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa ở cơ sở.

Theo thống kê, năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã thu hút trên 150.0000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 150 tỷ đồng, huyện cũng đã giảm được trên 8,5% hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã đón và phục vụ trên 300.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng. Năm 2023, huyện phấn đấu giảm 7,5% hộ nghèo. Để hoàn thành được chỉ tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, gắn sản xuất trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.

Dù lượn - sản phẩm du lịch đặc sắc của Mù Cang Chải. Ảnh: Bùi Bình

Riêng đối với du lịch, huyện đã tổ chức các lễ hội khám phá Danh thắng cấp quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang với các hoạt động như: Festival Dù lượn Khau Phạ; giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRALL"; Giao lưu thể thao và văn hóa Việt Nam và Nhật Bản giữa huyện Mù Cang Chải với Công ty TNHH NIINUMA Nhật Bản; Hội thi khèn Mông; Hội thi Chọi Dê; Thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương; các hoạt động trải nghiệm làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm du lịch đẹp, hấp dẫn trên địa bàn 13 xã và thị trấn.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch Mù Cang Chải; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử - Văn hóa gắn với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện".

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, thời gian qua, huyện đã quan tâm xây dựng mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Tây Bắc, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chất lượng riêng của huyện với tiêu chí độc đáo, mới lạ, hấp dẫn và thân thiện.

Qua đó, tạo cơ hội cho bà con phát triển kinh tế, nhất là vào các mùa du lịch, người dân đã tham gia các hoạt động và sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu du khách từ đó tạo nguồn thu đáng kể cho bà con nhân dân trên địa bàn.

Người dân địa phương đang hướng dẫn và hỗ trợ du khách khi tham quan Đồi Mâm Xôi. Ảnh: Bùi Bình

Xã nghèo La Pán Tẩn nằm trong vùng lõi danh thắng cấp quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang, xác định được lợi thế đó, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã đã tập trung đầu tư phát triển du lịch, bước đầu hình thành nhiều tuyến du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc trưng của đồng bào.

Đặc biệt, nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng nhà nghỉ homestay phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Từ đó, người dân có thêm nguồn thu từ du lịch và phát triển các sản phẩm nông sản theo hướng hàng hóa ngay trên chính quê hương, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo của địa phương qua từng năm.

Ông Giàng A Thênh, Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, những năm gần đây, du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, chỉ trong 2 tháng du lịch của năm 2023, xã đã thu hút trên 30 nghìn lược du khách đến thăm quan nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, doanh thu từ du lịch đạt trên 6 tỷ đồng. Nguồn thu từ du lịch đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, theo thống kê về công tác giảm nghèo, mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo của xã từ 7% trở lên, năm 2023, số hộ nghèo của xã giảm còn trên 46% và trên 22% cận nghèo.

Các dịch vụ từ du lịch mang lại đã tạo đà cho nhiều thanh niên tự khởi nghiệp, thay vì đi làm ăn xa nhiều thanh niên đã lựa chọn ở lại địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch, nhà nghỉ phục vụ du khách. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tự thành lập công ty du lịch, hợp tác xã du lịch đã tạo việc làm và giúp cho nhiều người dân có cơ hội phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

Có thể nói, các chính sách giảm nghèo, nhất là phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống.

Người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính mình trong công tác phát triển du lịch gắn với công tác xóa đói giảm nghèo và chủ động tiếp nhận các  chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm