Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Định hướng phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm với nét đặc trưng riêng

Thứ sáu, 13/11/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có về cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng… Yên Bái đã xây dựng kế hoạch phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm với nét đặc thù, độc đáo riêng của từng vùng.

Festival Dù lượn "Bay trên mùa nước đổ” và "Bay trên mùa vàng”, sản phẩm du lịch đặc trưng của Yên Bái. Ảnh: Bùi Bình

Sản phẩm du lịch đặc trưng

Nhắc tới Mù Cang Chải, nhiều người chắc hẳn đã bớt suy nghĩ về một huyện vùng cao khó khăn mà lưu giữ ấn tượng về một điểm du lịch ngày càng trở nên nổi tiếng và quen thuộc với khách du lịch trong và ngoài nước. Năm nay là năm thứ tám, du khách say mê với hoạt động bay dù lượn và là năm thứ tư Festival "Bay trên mùa nước đổ” thú vị, hấp dẫn.

Dù lượn đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc của Mù Cang Chải nói riêng, của Yên Bái nói chung vì chưa địa phương nào trong vùng Tây Bắc có. Nét độc đáo của sản phẩm này ở chỗ đã kết hợp một cách hết sức tài tình giữa việc tổ chức bay dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang.

Đặc biệt, Festival "Bay trên mùa nước đổ” tổ chức vào cuối tháng 5 và Festival "Bay trên mùa vàng” tổ chức vào tháng 9 hàng năm tạo cơ hội cho du khách có những trải nghiệm tuyệt vời khi được ngắm nhìn từ trên cao phong cảnh kì vĩ, cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhất trong năm tại hai thời điểm đó của thung lũng Lìm Mông dưới chân đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ.

Cùng với bay dù lượn trải nghiệm, du khách cũng như người dân địa phương sẽ hiểu thêm, hiểu sâu, có nhận thức đúng và hành động đúng về giá trị của di sản, về bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển văn hóa, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Bên lề Festival còn có các hoạt động: Giới thiệu Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, bản sắc văn hóa dân tộc, sản phẩm nông sản địa phương…

Ngoài sản phẩm du lịch dù lượn, Yên Bái cũng đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khác, tiêu biểu như: Săn mây đỉnh Tà Sùa, Tà Sì Nhù (huyện Trạm Tấu); du lịch sinh thái Hồ Thác Bà; xòe Thái Mường Lò; du lịch cộng đồng miền Tây; lễ hội đền Đông Cuông và giới thiệu các sản phẩm quế huyện Văn Yên…

Nghề làm cốm truyền thống của người Thái được tái hiện trong Lễ hội cốm Tú Lệ. Ảnh: Bùi Bình

Nhiều chương trình, lễ hội đã trở thành thương hiệu du lịch của Yên Bái như Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò, Lễ hội Khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Bưởi Đại Minh; Lễ hội Quế Văn Yên; Festival "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn”; Festival Dù lượn "Bay trên mùa nước đổ” và "Bay trên mùa vàng”...

Những năm gần đây số lượt du khách đến với Yên Bái ngày càng tăng. Năm 2016 đón 500.000 lượt khách, khách quốc tế 20.400 lượt, doanh thu đạt 250 tỷ đồng; đến năm 2019 đón 727.000 lượt, quốc tế đạt 150.000 lượt, doanh thu đạt 438 tỷ đồng (tăng trung bình 9,8 % giai đoạn 2016 - 2019). Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 9 tháng đầu năm 2020 Yên Bái đón 418.768 lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 259 tỷ đồng. Thị trường khách quốc tế đến với Yên Bái chủ yếu là khách Pháp, Đức, Thụy Sĩ... trong đó khách Pháp chiếm khoảng 50%.

Định hướng phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm với nét độc đáo riêng

Với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời, tỉnh Yên Bái có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Nhận thấy đây chính là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch, Yên Bái đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó sẽ hình thành và phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm với nét đặc thù và độc đáo riêng.

Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm lòng hồ kết hợp với các loại hình du lịch khác. Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận đóng vai trò "cổng kết nối” đón chào du khách trong nước, quốc tế. Vùng du lịch miền Tây lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của người Thái, Mông, Mường cùng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên với điểm nhấn là du lịch tín ngưỡng tâm linh đền Đông Cuông và đền Nhược Sơn.

5.000 người tham gia múa xòe Thái. Ảnh: Bùi Bình

Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết, dựa trên các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh định hướng tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo trên cơ sở lợi thế của vùng miền, địa phương để tạo ra bản sắc riêng, hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy đã nêu rõ: Đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch của tỉnh theo chiều sâu, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, cần tiếp tục triển khai đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích người dân phát triển loại hình nhà nghỉ cộng đồng (homestay), vận động và hỗ trợ nhân dân xây dựng bản du lịch cộng đồng; phục dựng, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa với nhiều nghệ thuật trình diễn dân gian được trình đề nghị công nhận Di sản phi vật thể của Quốc gia, nhân loại. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở...

Để phát triển du lịch, Yên Bái cần có sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, nhà quản lý và cả du khách, trong đó phải thực hiện được những nguyên tắc: Khai thác, sử dụng các tài nguyên một cách hợp lý; hạn chế sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tính đa dạng.

Phát triển phải phù hợp với tổng thể kinh tế - xã hội; chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch; thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng liên quan; chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về tài nguyên môi trường.

Bùi Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm