Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 26/02/2019 - 10:40
(Thanh tra)- Năm 2019 là năm đầu tiên thông tuyến kết nối Khu Di tích Yên Tử (Quảng Ninh) với Khu Văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang). Tuy nhiên, việc cào bằng trong thu phí của du khách đi từ hướng Tây Yên Tử lên chùa Đồng cũng như đi từ sườn Đông Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh), khiến nhiều du khách… bất bình.
Trạm thu phí tham quan phía Tây Yên Tử. Ảnh: T.C
Nhiều băn khoăn
Sau 10 năm dừng thu phí, ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 88/2017/NQ-HĐND, trong đó có nội dung thu phí tham quan, vãn cảnh khu di tích, danh lam thắng cảnh và rừng Quốc gia Yên Tử, kể từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, mức thu phí tham quan đối với người lớn là 40.000 đồng/lần/người; trẻ em (từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi) là 20.000 đồng/lần/người.
Nhiều đối tượng được miễn phí như: Tăng, ni Phật giáo; trẻ em có chiều cao dưới 1,2m (hoặc dưới 7 tuổi); người khuyết tật nặng.
Ngoài ra, người hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá và người trên 70 tuổi cũng được giảm 50%.
Thực tế, từ khi hệ thống cáp treo chính thức đi vào hoạt động, lượng du khách đổ về Tây Yên Tử tăng đột biến. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 30.000 lượt khách về tham quan, chiêm bái.
Tuy nhiên, nhiều du khách hành hương từ phía Tây Yên Tử (thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang), đến đỉnh thiêng chùa Đồng cảm thấy ngỡ ngàng khi cùng 1 lúc “cõng” 2 loại phí. Vừa phí dịch vụ cáp treo lại thêm cả phí tham quan, trong khi giá vé cũng bằng với du khách đi từ sườn Đông Yên Tử.
Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Văn Tuấn, đến từ quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Việc thu phí tham quan là không hợp lý vì người dân vào chùa với cái tâm, họ công đức có thể còn lớn hơn rất nhiều so với việc thu phí. Phật là của chung, nhưng nếu thu phí thì người không có tiền sẽ không được vào chùa hay sao?
“Đó là chưa kể việc thu phí cào bằng như vậy là bất hợp lý, tôi đi từ Bắc Giang, chỉ lên chùa Đồng để lễ Phật, không có ý định đi tham quan những nơi khác, vậy tại sao lại thu phí bằng nhau? Việc làm này sẽ tạo nên rào cản, hạn chế sự phát triển du lịch của tỉnh” - anh Tuấn chia sẻ.
Chung quan điểm, anh Phùng Văn Nghĩa (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đi Yên Tử theo cung đường từ tỉnh Bắc Giang. Đi lên chùa Đồng theo hướng này ngắn hơn nhiều so với từ phía Đông. Tại sao lại thu phí du khách cào bằng như vậy?”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với việc mua vé theo quy định, du khách hành hương theo hướng Tây Yên Tử có quyền được đi tham quan, chiêm bái tất cả các chùa trong khu danh thắng bằng hệ thống cáp treo hoặc đi bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi lễ Phật tại đỉnh thiêng chùa Đồng, để đi được các điểm khác, du khách sẽ phải quay ngược lại đoạn đường rất xa. Do đó, phần đa du khách lễ xong là... đi về.
Ngoài ra, trong số hàng vạn du khách đến chùa Đồng từ hướng Tây Yên Tử có rất nhiều người là người địa phương. Suốt nhiều đời nay, vẫn qua lại con đường mòn Tây Yên Tử để lên chùa Đồng và có thể sang bên Quảng Ninh thăm, giao lưu họ hàng, bạn bè. Thế nhưng, giờ đây họ lại phải... mua vé.
Cần sớm có giải pháp
Để giải đáp thắc mắc của người dân, PV Báo Thanh tra đã trao đổi với ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử. Theo ông Dũng: "Việc thu phí được thực hiện theo đúng Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Đối tượng thu phí là khách tham quan danh lam thắng cảnh Khu Di tích Yên Tử, thắng cảnh rừng Quốc gia Yên Tử, không phân biệt du khách đi từ hướng nào, với quãng đường bao nhiêu và áp dụng với cả khách trong nước, nước ngoài.
Du khách khi đến Yên Tử phải có nghĩa vụ thực hiện đóng góp phí tham quan theo quy định và có quyền đi hết hoặc không đi hết các chùa thuộc phía Đông Yên Tử. Du khách khi đi từ phía Bắc Giang sang Khu Di tích Yên Tử, dù chỉ đến chùa Đồng thì địa phương cũng vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo hiểm con người, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, y tế…".
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Hưởng - Bí thư Huyện uỷ huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho rằng: Người dân địa phương chúng tôi sang phía TP Uông Bí, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) không phải để đi thăm chùa Đồng mà để giao lưu, buôn bán, lấy hàng hoá… từ trước đến giờ vẫn chỉ có đường đó mà giờ bị chặn bán vé thu tiền là không hợp lý.
Theo quy định của Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử thì người dân địa phương cứ đặt chân vào vùng đất Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ phải mua vé, điều này thực sự gây khó dễ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Đặc biệt, nơi đây chủ yếu là bà con dân tộc, vốn cuộc sống đã rất khó khăn...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành nghị quyết thu phí danh lam thắng cảnh nằm trong danh mục phí, lệ phí mà luật pháp cho phép. Nhưng hiện luật của mình lại không cụ thể, chưa sát với thực tế. Theo tôi, tới đây rất cần sự sửa đổi, bổ sung ở chỗ cần phân biệt đâu là danh lam thắng cảnh đơn thuần và đâu là danh lam thắng cảnh có chứa đựng các cơ cở tín ngưỡng tôn giáo.
Rất dễ để nhận thấy, du khách đến với những danh lam thắng cảnh thuần tuý như vịnh Hạ Long là để tham quan thắng cảnh. Nhưng đến với khu danh thắng Yên Tử thì không phải người dân nào cũng có mục đích tham quan danh thắng, mà rất nhiều người chỉ đơn thuần là nhu cầu tâm linh, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy, đối tượng này không phải chi dùng phí tham quan...
Cũng theo ông Dương, dưới góc độ thực tiễn, nếu chỉ để tham quan thì nhân dân cũng không nhất thiết phải đi sang chùa Đồng, vì địa phận Yên Tử bên Bắc Giang cũng rất đẹp với rừng nguyên sinh, rừng trúc bạt ngàn. Những người đã đi lên qua ranh giới giữa Bắc Giang - Quảng Ninh thì hầu hết là lên chùa Đồng. Đó là mục đích tín ngưỡng.
Thế nhưng vì hiện nay quy định pháp luật như vậy nên tỉnh Quảng Ninh thu phí tất cả các đối tượng đặt chân lên đất của họ. Cái này vô hình trung tạo ra phản ứng trong dư luận. Và khi chỉ đi lễ chùa Đồng, du khách đa phần đã có tiền phát tâm “giọt dầu” tự nguyện...
Đứng trên quan điểm phát triển du lịch, rõ ràng giữa một khu di tích lại có một hàng rào ngăn cách, có một cổng soát vé thì đương nhiên phản cảm với cả khách trong nước và khách quốc tế...
Việc thu phí tham quan danh thắng Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành mức thu và thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế còn bộc lộ một số bất cập. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng trên địa bàn 2 tỉnh cần bàn bạc để sớm có giải pháp “thấu tình, đạt lý”, tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi đến với đỉnh thiêng Yên Tử.
Thảo Chi
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…
Trọng Tài
12:22 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Du lịch nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism).
Thái Hải
21:06 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Văn Thanh
19:49 07/12/2024Mạnh Sơn
07:00 06/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân