Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cùng nắm chặt tay để vực dậy sau đại dịch Covid-19

Thứ sáu, 11/12/2020 - 06:36

(Thanh tra) - Trước bối cảnh ngành Du lịch bị tổn thất nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài việc chú trọng việc khai thác thị trường nội địa, thì việc cùng nhau liên kết vùng, miền vượt qua đại dịch là một giải pháp không kém phần quan trọng.

Ngành Du lịch cần "sống chung với lũ". Ảnh minh họa: TH

Các chương trình kích cầu có bước tiến lớn

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung. Năm 2020, dự báo lượt du khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 45% và thiệt hại về nền kinh tế du lịch lên tới khoảng 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, các chương trình kích cầu du lịch nội địa như “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được đẩy mạnh triển khai, thu hút được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trọng điểm, góp phần vừa quảng bá thành quả phòng, chống dịch Covid-19, vừa khuyến khích người dân trong nước tham gia hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết quả bước đầu cho thấy những tín hiệu đáng mừng, mặc dù thời điểm này theo thông lệ hằng năm là mùa thấp điểm của du lịch nội địa nhưng lượng khách du lịch nội địa đã gia tăng, tạo cơ sở cho hệ thống kinh doanh du lịch được duy trì, một số điểm đến du lịch có khách trở lại để duy trì chuỗi cung ứng dịch vụ từ các tác động lan tỏa.

Đồng thời, trong thời gian vừa qua, từng khâu trong du lịch như xúc tiến, quảng bá, thủ tục xuất nhập cảnh, hàng không, giao thông, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực du lịch, môi trường văn hoá xã hội, thái độ của người dân… rõ ràng có bước tiến rất lớn. Điều đặc biệt ấn tượng là sự tăng trưởng mạnh mẽ năng lực của ngành Du lịch, xét về yếu tố hạ tầng và sản phẩm, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào du lịch. Từ các khách sạn, khu vui chơi, dịch vụ du lịch lớn đến nay ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tổ hợp, khu phức hợp về du lịch có quy mô, đẳng cấp quốc tế.

Để làm được điều này, cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, vai trò của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua có tính quyết định. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự tham gia của người dân từ việc tạo kiều kiện cho xây dựng các công trình phục vụ du lịch đến phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là thái độ thân thiện, cởi mở, mến khách, góp những nụ cười cho du lịch Việt Nam.

"Sống chung với lũ"

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, ngành Du lịch trong và sau đại dịch cần phải thực hiện đồng thời 3 giải pháp chính. Đó là phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55 - 75% tổng thu của ngành Du lịch trong 2 - 3 năm tới. Thứ hai là tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành Du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19. Thứ ba là các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang cần có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường, tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine.

Trong khi đó, đại diện Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch.

Qua khảo sát của Saigontourist, bên cạnh lo lắng sức khỏe, người dân còn lo lắng về tài chính, làm sao có thể về nhà an toàn, “đi đến nơi, về đến chốn". Vì thế, các bộ, ngành, địa phương nên có cơ chế kịch bản phối hợp, ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay khi xuất hiện ca nhiễm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển. Ngành Du lịch Việt Nam cần "sống chung với lũ", linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến. Khi dịch bệnh kiểm soát được, ngành Du lịch lập tức mở cửa trở lại.

Đại diện một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 là Hãng Hàng không VietJet cho rằng, để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, nhanh chóng lấy lại vị thế mũi nhọn kinh tế đất nước, cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không, du lịch.

Những chính sách hỗ trợ về chính sách, thuế, miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp của Chính phủ chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.

Việc đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh hoàn toàn khác biệt hiện nay.

“Việc chúng ta cần làm là làm sao để các sản phẩm du lịch của chúng ta hấp dẫn hơn, thu hút hơn với người dân, du khách, để du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa. Đồng thời, các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cũng phải được đặt là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch phát triển, nhất định không lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh và các hãng hàng không sẽ là đơn vị tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách và hỗ trợ các địa phương”, đại diện VietJet nói.

Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch

Tập đoàn Sun Group cho rằng, qua đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của du khách đã thay đổi, hướng đến những sản phẩm du lịch sức khoẻ, sinh thái, trải nghiệm cùng gia đình, người thân… Vì vậy, các doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm độc đáo để tăng thời gian trải nghiệm, thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, nhân lực làm du lịch hết sức quan trọng.

Chúng ta cũng cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương.

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị Du lịch toàn quốc năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải cùng với nhau khoác vai đoàn kết để đưa ngành Du lịch nước nhà vượt qua khó khăn trước mắt và cùng phát triển. Trước đây các doanh nghiệp xắn tay lên làm, thì bây giờ phải nắm chặt tay để cùng nhau làm”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề xuất, kiến nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành Du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Đẩy mạnh đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, cảng biển đón tàu du lịch; đầu tư vào các công trình văn hóa lớn; đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm. Đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch trên địa bàn, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực.

Các địa phương cần chú ý hơn nữa đến khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các doanh nghiệp, giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước với cộng đồng…

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm