Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với người Việt

Thái Hải

Thứ sáu, 10/09/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, không có khách quốc tế, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng thực sự của du lịch nội địa. Phát triển du lịch nội địa cân bằng với du lịch quốc tế có thể giúp ngành Du lịch không lệ thuộc vào thị trường lớn nào. Vì thế, để phát triển du lịch nội địa cần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam.

Tạo thói quen “có cơ hội là lên đường khám phá đất nước mình”. Ảnh minh họa: TH

Tăng cường đào tạo cho người chuyên phục vụ khách nội địa

Theo các chuyên gia du lịch, trước đây, du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Đến năm 2009, khi du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng tài chính toàn cầu, phát triển du lịch nội địa chính thức được đưa ra như một giải pháp quan trọng để khôi phục du lịch. Một loạt giải pháp hỗ trợ du lịch được Chính phủ phê duyệt: Miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế đi theo đoàn, giảm thuế VAT, miễn phí tham quan... Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, chỉ trong 6 tháng du lịch lúc đó đã khởi sắc. Đặc biệt, du lịch nội địa bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2019, khi du lịch quốc tế tăng trưởng rất nhanh, sự quan tâm đến du lịch nội địa lại giảm xuống. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, không có khách quốc tế, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng thực sự của du lịch nội địa. Phát triển du lịch nội địa cân bằng với du lịch quốc tế có thể giúp ngành Du lịch không lệ thuộc vào thị trường lớn nào. Và như thế, mỗi lần thị trường biến động, thiên tai, địch họa xảy ra, chúng ta không phải khổ sở chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia che chắn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, muốn phát triển du lịch nội địa lúc này và trong tương lai, phải giải quyết hàng loạt vấn đề. Trước hết, về sản phẩm, do ít đầu tư xây dựng sản phẩm phục vụ riêng cho du lịch nội địa nên tình trạng các điểm du lịch không đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế thì quay sang phục vụ khách nội địa là phổ biến. Vì thế, để phát triển du lịch nội địa cần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam (mua sắm, ẩm thực, tâm linh, đặc biệt là các sản phẩm vùng miền).

Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ du lịch nội địa từ trước đến nay không đầu tư đào tạo để chuyên phục vụ khách nội địa nên quan điểm phổ biến là ai cũng có thể tham gia phục vụ du lịch nội địa. Do vậy, chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch nội địa không đảm bảo. Để thực sự phát triển du lịch nội địa cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bao gồm đào tạo cả ý thức, thái độ ứng xử, phương pháp giới thiệu, hướng dẫn... cho những người chuyên phục vụ khách nội địa.

Ngoài ra, tính chất mùa vụ ở nhiều trung tâm du lịch lớn của Việt Nam là rất nặng nề, đòi hỏi ngành Du lịch cần tập trung giải quyết tình trạng nhiều điểm du lịch lúc thì quá tải, lúc thì quá vắng khách. Để giải quyết vấn đề này, mỗi địa phương phải huy động sự tham gia của các chuyên gia du lịch nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, tổ chức thử nghiệm, đồng thời vận động sự tham gia của hệ thống du lịch cả nước.

“Có cơ hội là lên đường khám phá đất nước mình”

Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch nội địa cũng cần tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch nội địa bài bản hơn, sử dụng các công cụ hiện đại quảng bá cho thị trường 100 triệu dân này. Phải lấy việc phục vụ cho đồng bào mình, những người dân nước Việt Nam là niềm tự hào, coi thị trường này không thua kém thị trường quốc tế nào. Từng bước tạo ra nhu cầu, thói quen mới của người Việt là "mỗi khi có cơ hội thu xếp thời gian du lịch là lên đường khám phá đất nước mình”.

Đối với thị trường quốc tế, từ trước đến nay, phát triển thị trường quốc tế gần luôn là hướng ưu tiên của du lịch Việt Nam. Ưu điểm của thị trường gần là dễ tìm hiểu truyền thống văn hóa, sở thích, nhu cầu của khách, khoảng cách gần... Tuy nhiên, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng marketing số, du lịch trực tuyến và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở du lịch và nhiều ngành kinh tế khác, những ưu thế nói trên của thị trường gần không còn nhiều giá trị nữa. Vì vậy, để chuẩn bị đón cao trào tăng trưởng sau khi khắc phục được đại dịch Covid-19 cần tập trung nghiên cứu chọn lựa và phát triển các thị trường nhiều khách và có chi trả cao.

Cho rằng cuộc cạnh tranh du lịch trong giai đoạn “bình thường mới” chắc chắn sẽ gắn với yếu tố công nghệ, do vậy các chuyên gia cho rằng cần đầu tư nguồn lực ngay từ bây giờ (khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc) để thiết lập các mối quan hệ, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp và triển khai xúc tiến tại các thị trường này.

Mặt khác, phương thức đón và phục vụ khách trong bối cảnh “bình thường mới” sẽ là sử dụng hộ chiếu vắc xin, là cần thiết và phải chuẩn bị ngay bây giờ. Đồng thời, ngành Du lịch cần xác định xu thế mới là du lịch an toàn. Vì vậy, ngay khi đã khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 thì những quy định của hộ chiếu vắc xin (như đã tiêm vắc xin gì, tiêm bao giờ, tình trạng sức khỏe, các điểm đã đi gần nhất…) vẫn có thể trở thành những tiêu chí mới của du lịch trong tương lai.

Và, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế là phải nâng cao tỉ lệ tiêm vắc xin cho lao động trong ngành Du lịch. Phải coi những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch là những “chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế”, vì vậy, phải trang bị ngay cho họ vũ khí vắc xin để họ có đủ điều kiện hoạt động. Khách du lịch quốc tế khi đến với Việt Nam và cả khách nội địa là người Việt Nam sẽ yên tâm khi được những người đã tiêm vắc xin phục vụ.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá

Các chuyên gia du lịch cho rằng, hoạt động kích cầu du lịch cũng không phải chỉ là giảm giá dịch vụ mà phải kết hợp giữa giảm giá với nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc bổ sung dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ mới, hấp dẫn; phát triển các loại hình dịch vụ trọn gói cùng với các quà tặng đa dạng cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt là phải kết hợp hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm du lịch. Đây là điểm yếu của du lịch Việt Nam và cần thông qua chương trình này để triển khai, từ đó tăng nhanh lượng khách, khôi phục du lịch một cách bền vững. Trong đó cần có tổ chức phù hợp để phối hợp các doanh nghiệp, các địa phương, tập hợp các dịch vụ để tạo ra sản phẩm hấp dẫn nhất.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, ưu tiên ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến quảng bá (marketing số, sử dụng các mạng xã hội, xây dựng các sàn giao dịch du lịch...). Trong đó có sự phân công và phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở trung ương, ở địa phương, các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp trong triển khai chuyển đổi số. Trước mắt là chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến, quảng bá, cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Ngoài ra, cũng cần phải kết hợp hài hòa giữa xúc tiến trực tuyến và xúc tiến trực tiếp, vì yếu tố giao lưu, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để tạo niềm tin và trải nghiệm trực tiếp luôn là yếu tố quan trọng của ngành Du lịch. Do vậy, bên cạnh việc phát triển ứng dụng công nghệ số vào công tác xúc tiến, quảng bá vẫn cần triển khai một số hoạt động truyền thống như: Hội chợ, roadshow, khảo sát… Tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch xứng tầm với tầm vóc của Du lịch Việt Nam như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM và các lễ hội du lịch, văn hóa lớn ở các địa phương (Festival Hoa Đà Lạt, Festival Huế, Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, Carnaval Quảng Ninh...).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm