Theo dõi Báo Thanh tra trên
Bài và ảnh: Văn Kế
Thứ bảy, 06/11/2021 - 18:43
(Thanh tra) - Với ưu thế diện tích rừng nguyên sinh lớn, nhiều thác, suối nước, thảm thực vật đẹp, rộng lớn, Sơn Động đã thu hút lượng lớn du khách đến khám phá Đồng Cao (Thạch Sơn), thác Ba Tia (Thanh Sơn), hồ Khe Chão (Long Sơn), Khe Rỗ (An Lạc), Đồng Thông (Tuấn Mậu)… Có thể nói, huyện Sơn Động là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ
Tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái.
Huyện Sơn Động (Bắc Giang) có diện tích gần 850 km2, đứng thứ hai trong tỉnh sau Lục Ngạn với những khu rừng nguyên sinh nằm trong vòng cung Đông Triều. Nơi đây có dãy núi Yên Tử nổi tiếng gắn với Thiền phái Trúc Lâm. Những yếu tố đó là lợi thế để huyện phát triển các loại hình du lịch.
Sơn Động có nhiều thắng cảnh, tiêu biểu là Khe Rỗ, thác Ba Tia, Đồng Cao, Khe Chão. Khe Rỗ ở xã An Lạc có diện tích hơn 7.000ha, trong đó rừng tự nhiên gần 5.100ha. Đây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu nhất không chỉ của Bắc Giang mà còn điển hình cho cả vùng Đông Bắc nước ta. Khu Bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ nằm gọn trong lưu vực hai con suối Khe Rỗ và Khe Đin. Nơi đây có mạch nước ngầm thường xuyên tuôn chảy tạo ra những dòng suối trong vắt. Khí hậu ôn hòa. Quang cảnh tuyệt đẹp. Du khách dễ bị ngợp trong âm thanh và sắc màu thiên nhiên. Nơi đây thực sự là chỗ nghỉ dưỡng lý tưởng.
Là huyện vùng cao, Sơn Động có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 13 dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Phát huy lợi thế này, địa phương đang tập trung các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo số liệu thống kê thì toàn huyện có 67.900 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc cùng sinh sống tiêu biểu là dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa….
Các dân tộc này còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình và nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ cầu lương thực của đồng bào dân tộc Dao xã Tuấn Mậu, lễ hội bơi chải ở An Châu, lễ hội hát soong hao của dân tộc Nùng ở 6 xã khu vực Cẩm Đàn, hội hát then ở 5 xã vùng Vân Sơn, hát sình ca của dân tộc Cao Lan ở các thôn, bản thuần dân tộc Cao Lan (xóm Lái, xã An Bá; xóm Khe Táu, xóm Đồng Hả, xã Yên Định; xóm Tam Hiệp, Mo Reo, xã An Lập; xóm Lừa, xã An Châu; xóm Việt Trong, Việt Ngoài, xã Giáo Liêm)... hay nghề bốc thuốc Nam, nghề thêu thổ cẩm của người Dao dưới chân núi Yên Tử…
Ngoài những nét độc đáo về bản sắc của các dân tộc thiểu số, Sơn Động còn có địa hình phong phú, đa dạng với nhiều dãy núi cao, có hệ thống rừng nguyên sinh chứa đựng hệ động thực vật đa dạng, với những thắng cảnh nổi tiếng như: Khu Vũng Tròn, Khe Rỗ, Khu Du lịch Đồng Thông, thác Ba Tia ngay dưới chân chùa Đồng Yên Tử; các di tích lịch sử như: Đình, chùa Chẽ, đình Vua Bà thuộc thị trấn An Châu, đình Đặng, xã Vĩnh Khương, đình Lục Liễu thuộc xã Long Sơn… đã tạo cho Sơn Động một tiềm năng to lớn để khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch cộng định đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tín ngưỡng…
Phát huy lợi thế và khắc phục khó khăn
Với tiềm năng, lợi thế như vậy, Sơn Động có nhiều thuận lợi trong du lịch để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm qua Sơn Động đã có cố gắng bước đầu về hoạt động này. Huyện đã lập hồ sơ du lịch văn hóa, cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Ban chỉ đạo phát triển du lịch được thành lập. Huyện quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp đường giao thông nông thôn. Bước đầu bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho một số cán bộ công tác trong ngành và chủ hộ kinh doanh. Hiện toàn huyện đã có 13 cơ sở lưu trú du lịch với 127 phòng nghỉ…
Tuy vậy, nhìn chung công tác du lịch của Sơn Động còn nhiều hạn chế. Việc lập kế hoạch, quy hoạch còn chậm. Chưa có khu vui chơi, điểm dừng chân dài ngày cũng như các điểm du lịch đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng vẫn còn ở mức sơ khai. Du khách đến một vài nơi thắng cảnh - chủ yếu ở Đồng Cao - chỉ là dân phượt còn để lại rác thải. Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được đẩy mạnh. Đến nay huyện vẫn còn thiếu biển địa danh, biển chỉ dẫn thắng cảnh, di tích. Việc giới thiệu tiềm năng du lịch huyện còn hạn hẹp.
Hiện nay hoạt động du lịch của Sơn Động mới chỉ bắt đầu hình thành, bên cạnh những khó khăn về giao thông, hạ tầng, trên địa bàn huyện chưa hình thành các sản phẩm du lịch rõ nét để thu hút khách du lịch đến với Sơn Động. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để khai thác tốt văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch còn là một bài toán khó đối với địa phương Sơn Động cũng như ngành Du lịch Bắc Giang. Để giải bài toán này cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của mỗi người dân địa phương.
Để công tác du lịch phát triển bền vững, Sơn Động cần quan tâm hoàn thiện Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Đồng thời, gấp rút quy hoạch bảo tồn tổng thể khu du lịch đã có, chú trọng hạ tầng du lịch, đẩy mạnh du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, đặc biệt ở Đồng Cao, Khe Rỗ, thác Ba Tia. Việc quảng bá du lịch nên thực hiện ở quy mô quốc gia chứ không chỉ trong tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chú trọng khôi phục, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, các bài thuốc nam địa phương, đồng thời tăng cường công tác nghiệp vụ du lịch tới cơ sở, nâng cao nhận thức làm du lịch cộng đồng cho bà con vùng cao.
Trên cơ sở phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung quy hoạch quản lý tốt đối với các khu vực có điều kiện phát triển du lịch: Khu Tây Yên Tử, Đồng Cao, Khe Rỗ; đồng thời chuẩn hóa các mô hình trải nghiệm.
Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, mấu chốt của du lịch cộng đồng là phải bảo vệ môi trường sinh thái, giữ bằng được cánh rừng nguyên sinh vốn có và bản sắc văn hóa dân tộc.
Đi đôi với giải pháp trên, huyện tập trung tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch. Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử-văn hóa; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án phát triển du lịch, tham gia hoạt động làm dịch vụ du lịch. Đầu tư tuyến giao thông huyết mạch phục vụ cho phát triển du lịch trong tương lai và bảo đảm kết nối ra bên ngoài như: Tuyến từ quốc lộ 31 đi Khe Rỗ, xã An Lạc; tuyến tỉnh lộ 291 nối từ quốc lộ 31 đến tỉnh lộ 293; xây dựng hệ thống các công trình giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. đồng thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực làm du lịch.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…
Trọng Tài
12:22 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Du lịch nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism).
Thái Hải
21:06 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Văn Thanh
19:49 07/12/2024Mạnh Sơn
07:00 06/12/2024T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà