Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 01/08/2022 - 18:00
(Thanh tra) - Nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm đề án đầu tư để xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc
Ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đến nay cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2), giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn về thủ tục
Tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn lớn đều khẳng định sẵn sàng tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Bày tỏ “rất vinh dự” được tham gia đồng hành cùng Chính phủ, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Sun Group thấy, chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay.
Theo ông Trường, Luật Nhà ở quy định 10 đối tượng là cá nhân được mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở.
Do đó, ông Trường mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
“Thực tiễn, thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc”, ông Trường cho hay.
Chủ tịch Sun Group còn đề xuất, trong trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu, thì cần xem xét để không cần bố trí thêm quỹ đất với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Cho biết mục tiêu phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho rằng, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo ông Hoa, hiện tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70m2. Do vậy, tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội…
“Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu”, đại diện Tập đoàn Vingroup nói.
Ông Hoa đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan Nhà nước phê duyệt, doanh nghiệp không tham gia vào việc này.
Ngoài ra, thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu, tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Theo ông Hoa, có thể làm các bước thủ tục song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… để rút ngắn thời gian xuống từ 90 đến 120 ngày.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín khẳng định, sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến năm 2030 và đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có.
“Quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục”, ông Minh nêu. Theo ông, doanh nghiệp có 2 dự án nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng đề nghị chuyển thành nhà ở xã hội nhưng 1 dự án 5 năm, 1 dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục.
“Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ TP, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…”, ông Minh nói thêm.
Khẳng định muốn cùng Chính phủ và địa phương phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội bày tỏ, “vấn đề làm thế nào để chúng tôi đóng góp tốt, làm thế nào để chúng tôi tham gia đầu tư được, kể cả thu hồi vốn, kể cả ưu đãi…”.
Ông Hội đề nghị, có cơ chế để doanh nghiệp thực thi dễ dàng, không phải gặp quá nhiều đầu mối, nhiều cơ quan.
Phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Để xây dựng và triển khai đề án này, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương.
“Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin”, Thủ tướng nói rõ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ; trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, nghiên cứu quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này; bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể với từng bộ, ngành, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Với các dự án nhà ở xã hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện.
Các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… thì căn cứ quy định pháp luật để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Ngoài ra, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt.
Thủ tướng yêu cầu có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân, với quy mô 156.000 căn, tổng diện tích 7,8 triệu m2.
Toàn quốc đang triển khai 401 dự án, quy mô 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2. Trong đó, có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Về giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến tháng 7, đã có 41 địa phương báo cáo đang triển khai 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn 34.500 tỷ đồng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương