Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 28/08/2024 - 16:46
(Thanh tra) - Cho rằng sửa đổi Luật Công chứng lần này cần cố gắng khắc phục tình trạng hợp danh “ảo”, Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung thêm văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh công ty hợp danh.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề xuất bổ sung thêm văn phòng công chứng là công ty tư nhân, bên cạnh công ty hợp danh. Ảnh: P.Thắng
Chiều 28/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Mô hình tổ chức của văn phòng công chứng có nên thêm doanh nghiệp tư nhân hay không tiếp tục được quan tâm cho ý kiến.
Đây cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận ở kỳ họp 7 vào tháng 5.
2 loại ý kiến khác nhau
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình hội nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng là công ty hợp danh.
Điều này nhằm bảo đảm tính ổn định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, công chứng viên là người có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.
“Công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm lâu dài về hoạt động công chứng nên trong trường hợp không bảo đảm được nội dung này sẽ ảnh hưởng đến người yêu cầu công chứng, sự phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề mà mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được”, theo quan điểm của loại ý kiến thứ nhất.
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung vào dự thảo luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Theo quan điểm này, việc bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng.
“Luật hiện hành và dự thảo luật đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, qua đó đã giải quyết những bất cập của mô hình doanh nghiệp do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất”.
Nhiều nơi “trắng” tổ chức hành nghề công chứng
Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho hay, ủy ban này có đi khảo sát thấy nhiều địa phương giải thể phòng công chứng Nhà nước nhưng sau đó không thể thành lập được phòng công chứng nữa. Do đó, một số địa phương, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa không thể thành lập được phòng công chứng.
“Như ở Bắc Giang, tại 2 huyện Sơn Động và Yên Thế hiện trắng tổ chức hành nghề công chứng”, ông Giang thông tin và bày tỏ quan điểm ủng hộ thành lập mô hình tư nhân 1 công chứng viên.
“Chúng ta băn khoăn việc 1 công chứng viên hành nghề có đảm bảo tính liên tục hay không thì tôi cho việc này không phải vấn đề lớn nếu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Người sử dụng công chứng hoàn toàn có thể đặt lịch và công chứng viên có thể công khai thời điểm cung cấp dịch vụ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Đồng tình với đại biểu Giang, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) nêu thực tế tại Nghệ An, cả tỉnh có 39 tổ chức hành nghề công chứng nhưng có 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Người dân tại khu vực này khi có nhu cầu công chứng phải di chuyển trên 50km, xa nhất như huyện Kỳ Sơn phải di chuyển 200km mới có văn phòng công chứng.
“Hiện một số huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng, nhưng cũng chưa thành lập được, trong khi đây là dịch vụ công không thể thiếu. Người dân vùng sâu, vùng xa đang gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ”, theo lời ông Minh.
Đề xuất thêm văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân
Phân tích lý do chọn bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân, đại biểu đoàn Nghệ An cho hay, sau 5 thi hành Luật Công chứng năm 2006 (quy định 2 mô hình), cả nước thành lập 487 phòng công chứng, trong đó có 352 phòng công chứng theo mô hình công ty tư nhân, chiếm hơn 70%, chỉ 135 văn phòng công chứng là loại hình hợp danh.
So sánh tương quan 2 loại hình, loại hình hợp danh không được nhiều công chứng viên lựa chọn.
“Văn phòng công chứng tư nhân chỉ mất đi khi Luật Công chứng 2014 quy định bỏ loại hình này”, ông Minh cho rằng, bỏ loại hình tư nhân không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức của văn phòng công chứng mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động.
Trong khi, công ty hợp danh không phải là loại hình tối ưu của văn phòng công chứng. Vì yếu tố hợp danh vẫn có thể phá vỡ khi công chứng viên chết, bãi nhiệm, không tiếp tục hành nghề.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho hay, văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh gần như "là hợp danh ảo”.
Theo quy định, văn phòng công chứng phải có 2 công chứng viên trở lên, nhưng thực tế không như vậy. Ông Tạo nói, có 8 - 9 văn phòng công chứng thì chỉ 12-13 công chứng viên. Công chứng viên ký kết hợp đồng trong 1 thời gian nhất định, rồi thiếu chỗ này thì bù chỗ nọ.
“Lần này cố gắng khắc phục tình trạng hợp danh “ảo” trong luật. Theo tôi, vùng sâu, vùng xa nên có loại hình doanh nghiệp tư nhân, người đại diện pháp luật - chủ doanh nghiệp, đồng thời là công chứng viên, hành nghề công chứng từ đủ 2 năm trở lên thì chịu trách nhiệm, như vậy tốt hơn và rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Tạo góp ý.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh