Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ưu tiên giải quyết vấn đề việc làm, nhà ở cho công nhân lao động

Hương Giang

Thứ tư, 01/02/2023 - 18:10

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị năm 2023, tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá, trong đó có vấn đề tạo việc làm, nhà ở cho công nhân lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 1/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị Đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.

Nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2022, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật; đề xuất, kiến nghị, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở…

Đặc biệt, Thủ tướng đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công nhân đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, thích ứng, an toàn" để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề công nhân, lao động quan tâm, bức xúc.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở công nhân. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khảo sát cho thấy nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: N.Bắc

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân.

Hiện, đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân.

Công đoàn phải tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.

Về nhiệm vụ phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện toàn diện các thỏa thuận đã cam kết. “Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả nhìn thấy, đo đếm được”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập, nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí…

Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp.

“Công đoàn phải là một kênh tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị", Thủ tướng nói.

Tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá trong năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để nâng cao đời sống người lao động. Ảnh: N.Bắc

Đầu tiên là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động; đồng thời nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động.

Các bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ hai, là giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân “an cư lạc nghiệp”. Các bộ (Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính) phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động.

Thủ tướng giao các bộ (Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo) phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.

3 Phó Thủ tướng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và các bộ, ngành, tổ chức các cuộc làm việc cụ thể về các nội dung này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 - người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng cho ý kiến, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan về các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.

Trên 68,43 triệu lượt người lao động đã được hỗ trợ

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2022, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trên 68,43 triệu lượt người lao động và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng. Chính sách xã hội dịp Tết được thực hiện "đúng, đủ, kịp thời", các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người.

Thủ tướng cho hay, đánh giá về Tết Quý Mão 2023, Ban Bí thư đã khẳng định: Chúng ta đã tổ chức Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhìn chung mọi người, mọi nhà đều có Tết. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm