Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trung ương thảo luận lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Hương Giang

Thứ hai, 09/05/2022 - 16:50

(Thanh tra) - Trong ngày làm việc thứ năm, Trung ương thảo luận tại tổ về Báo cáo Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; Đề án Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 9/5, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo về ngày làm việc thứ năm của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII.

Theo đó, buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường thảo luận về Đề án Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận tại tổ về Báo cáo Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; Đề án Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Văn phòng Trung ương Đảng cũng thông tin, 15 giờ 30 phút, Bộ Chính trị họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình nội dung Trung ương đã thảo luận về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Trước đó phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, trong tháng 1 năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân từng Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với việc thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Trung ương 4 khoá XIII trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp tích cực khắc phục trong thời gian tới.

Về Đề án Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện.

Qua góp ý xây dựng đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.

“Đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần tôi đã nhiều lần nói là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Tổng Bí thư nêu.

Tạo hệ thống thông suốt, đồng bộ trong chống tham nhũng, tiêu cực

Xung quanh việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho hay, điều này xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

“Nếu có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ là hệ thống thông suốt, đồng bộ để kiểm tra, đôn đốc công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Học nói.

Theo ông Học, sắp tới Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. Trung ương chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu.

Về mô hình Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói, các cán bộ vào Ban Chỉ đạo cấp tỉnh này trước hết phải gương mẫu, trong sáng, không được tham nhũng”, Phó Trưởng Ban nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định, việc tái lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh “chỉ tốt hơn chứ không xấu đi” vì không tăng biên chế và khi có tổ chức, bộ máy, phát huy trí tuệ tập thể để bàn thảo thì chân lý sẽ sớm được sáng tỏ. Cạnh đó, khi có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì việc xử lý các vấn đề, vụ việc ở địa phương sẽ được sâu sát, nắm bắt tình hình tốt hơn.

Theo Ban Nội chính Trung ương, trên thực tế thời gian qua, mặc dù chưa có chủ trương hay quy định về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, song một số địa phương (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng…) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết, đề án, chương trình hành động của tỉnh ủy, thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng.

Thậm chí, Tỉnh ủy An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu, giúp Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp xảy ra trên địa bàn.

Tại một số địa phương khác, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bộc lộ một số bất cập, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nên nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Trong không khí “không dừng”, “không nghỉ”, cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm chính trị và sự ủng hộ xã hội mạnh mẽ đối với hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì đây là thời điểm “chín muồi” để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương nói thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm