Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trung ương nhất trí cao: Đổi mới tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Hương Giang

Chủ nhật, 09/10/2022 - 13:27

(Thanh tra) - Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương nhất trí cao rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn nữa trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Ảnh: N.Bắc

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, bế mạc sáng ngày 9/10.

Nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.

Về tình hình kinh tế -xã hội và ngân sách, theo Tổng Bí thư, Hội nghị thống nhất nhận định Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Nổi bật là, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt hơn 8,83%; thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất cơ bản ổn định.

Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh…

“Dự báo đến hết năm 2022, chúng ta có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, chỉ còn 1 chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là có thể không đạt”, Tổng Bí thư nói.

Dù vậy, Tổng Bí thư cho hay, dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam còn tiếp tục phải đối mặt với không ít những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức.

Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, để bị động, bất ngờ.

Cạnh đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính - ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế.

Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế.

Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia…

Phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây

Tại Hội nghị này, Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

“Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ”, Tổng Bí thư cho hay.

Theo Tổng Bí thư, nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII

Trong việc quy hoạch lần này, cần tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia.

“Cần hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng”, Tổng Bí thư lưu ý.

Có các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù để phát triển các cực tăng trưởng

Nội dung nữa, Trung ương nhất trí cao rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn nữa trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.

Theo đó, cần phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ “dân số vàng”; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng “dịch vụ hoá” các ngành công nghiệp. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ngoài ra, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên gắn với công nghệ thông minh, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Coi nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng.

“Trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải chú ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, bản lĩnh con người Việt Nam; vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân hiện đại”, Tổng Bí thư nói rõ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn quyết liệt triển khai tinh gọn bộ máy

Lạng Sơn quyết liệt triển khai tinh gọn bộ máy

(Thanh tra) - Lạng Sơn hiện đang quyết liệt triển khai các phương án sắp xếp bộ máy đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể ở địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Chính Bình

12:25 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm