Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trung ương Đảng: Nghiên cứu sửa tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức

Hương Giang

Thứ hai, 04/12/2023 - 20:47

(Thanh tra) - Trung ương Đảng yêu cầu sớm ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức, theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Đ.X

Ngày 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tạo môi trường, động lực để đội ngũ trí thức cống hiến

Giới thiệu Nghị quyết 45 “tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, Trung ương Đảng nêu 3 quan điểm lớn.

Trong đó, Trung ương Đảng xác định đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc.

Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc.

“Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết sẽ thể chế hóa, cụ thể hóa để xác định đội ngũ trí thức của từng ngành, lĩnh vực để có chiến lược, chính sách cho từng nhóm”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói và ví dụ, trí thức y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, khoa học và công nghệ; trí thức cán bộ, công chức…

Trung ương Đảng nêu rõ xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.

Cùng với đó, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.

Sớm thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức

Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới.

Ông Nghĩa cho hay, Trung ương Đảng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức. Đồng thời, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.

Toàn cảnh hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (điểm cầu Trung ương - Nhà Quốc hội). Ảnh: Đ.X

Đặc biệt, Trung ương Đảng yêu cầu sớm ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức; có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; văn hoá, văn học, nghệ thuật; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức.

“Hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển đội ngũ trí thức; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ trí thức”, Trưởng ban Truyên giáo Trung ương nêu yêu cầu của Trung ương Đảng.

Nhiệm vụ nữa là tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Cụ thể là ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến.

“Nếu khơi thông nguồn lực, để làm sao tập hợp sức mạnh trí tuệ người Việt Nam, chắc chắn chúng ta làm được nhiều việc vĩ đại lắm. Bây giờ chúng ta vẫn còn manh mún, nhóm này, nhóm kia, lợi ích này, lợi ích kia, không liên thông với nhau”, ông Nghĩa nói.

Nghị quyết 45 cũng nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức, thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Ngoài ra, Trung ương Đảng yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống, không để “đầu voi, đuôi chuột” Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quyết liệt, đồng bộ để các nghị quyết đi vào cuộc sống. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai  “Cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nghị quyết; nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực để đảm bảo các nghị quyết đạt được thực chất, gắn với từng địa phương, đơn vị”, bà Trương Thị Mai nêu rõ. Trên cơ sở đó, theo bà, cần làm tốt tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao trong thực hiện các nghị quyết của Đảng. Thường trực Ban Bí thư lưu ý, quá trình kiểm tra, giám sát từng năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thấy một số nghị quyết, chủ trương quan trọng ở mặt này, mặt khác ở một số tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, chưa sâu sát, chưa quyết tâm cao. Cạnh đó, nơi này, nơi kia tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. “Sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phải rút kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc để việc thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao, không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, còn hình thức, đổi phó. Sao cho nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất”, Thường trực Ban Bí thư quán triệt. Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý nhiệm vụ năm 2024 triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức, một số phát sinh có thể nằm ngoài dự kiến. Do đó, theo bà, một số địa phương phải tăng tốc, có giải pháp đột phá mới có thể đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng bộ đề ra. “Các địa phương phải phải chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời có giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm