Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” làm chủ đầu tư nhà ở xã hội

Hương Giang

Thứ sáu, 25/08/2023 - 22:27

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm, Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ, coi chừng cán bộ vi phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: “Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” làm chủ đầu tư nhà ở xã hội”. Ảnh: P.Thắng

Chiều ngày 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân nêu tại khoản 3, Điều 78 Dự thảo Luật.

Chưa đánh giá tác động về nguồn lực và khả năng thu hồi vốn

Ngày 3/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất cơ quan này chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách là cơ quan chủ quản mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án; đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án này sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như đối với nhà ở do Nhà nước đầu tư.

“Về vấn đề này trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Tùng, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vì sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Quan điểm này cho rằng, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.

Chiều ngược lại, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, dự thảo luật không không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bởi, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.

Mặt khác, với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ không có đủ nguồn lực đạt mục tiêu đến 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế Công đoàn.

“Đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong luật”, loại ý kiến thứ 2 đưa ra quan điểm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

Tổng Liên đoàn Lao động “ôm” làm nhà ở xã hội, coi chừng cán bộ vi phạm

Góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình quy định việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Ông cho rằng, cần nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức chính trị - xã hội này, có nên làm chủ đầu tư nhà ở xã hội hay không. Việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh làm.

“Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” việc này, vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ, coi chừng cán bộ vi phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ông Phương phân tích, với tình hình tinh giản biên chế như bây giờ, Tổng Liên đoàn Lao động sẽ không đủ lực lượng để làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Theo ông, cơ quan này nên làm đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức chính trị xã hội là giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách công nhân cho tốt.  “Đại diện quyền lợi cho công nhân không phải bất cứ cái gì cũng làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Theo bà Nga, ngay việc cho thuê như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân “rất phù hợp”.

Cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã là chủ đầu tư nhà ở xã hội, bà đề nghị, cơ quan này có đề án cụ thể, rõ ràng hơn để thuyết phục đại biểu đề xuất của mình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm