Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ bảy, 14/10/2023 - 17:07
(Thanh tra) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cử tri và nhân dân có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đây là điều cơ bản. “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân mà. Không được lòng dân là không giữ vững chế độ”, theo lời Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Phúc
Sáng ngày 14/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Hà Nội, trước kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV.
Công khai, xử nghiêm cán bộ vi phạm
Tại đây, cử tri Nguyễn Kim Sơn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) vui mừng khi kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nhưng từ thực tế đời sống của xã hội, ông thấy còn nhiều vấn đề dân sinh bức xúc.
“Tiền lương, chỉ số giá tiêu dùng, giá nhà ở xã hội và chung cư luôn luôn là sự trăn trở lo toan chật vật hàng ngày của người lao động”, ông mong Quốc hội quan tâm có quyết sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và nguyện vọng của nhân dân.
Cử tri Nguyễn Thị Minh Hà (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) thì mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Điều tra, xét xử các vụ án loại này phải kiên quyết đến cùng; công khai, xử lý cán bộ vi phạm phải thật nghiêm minh, có tính răn đe cao. Việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng phải minh bạch, kịp thời, triệt để”, bà Hà nhấn mạnh.
Quan tâm đến công tác cán bộ, cử tri Vũ Xuân Nghĩa (phường Thành Công, quận Ba Đình) bày tỏ tin tưởng tuyệt đối vào tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, cũng như cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
“Nhân dân, cử tri chúng tôi cũng rất đau xót khi thấy phải thi hành kỷ luật những cán bộ cao cấp, nhưng nếu đó là biện pháp cần thiết để xây dựng Đảng, xây dựng niềm tin với nhân dân thì không thể làm khác được”, ông Nghĩa phát biểu.
Cử tri phường Thành Công kỳ vọng công tác cán bộ “đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch”.
Không được lòng dân là không giữ vững chế độ
Tiếp thu các ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, phát biểu của các cử tri ngắn gọn nhưng sâu sắc, mang tính khái quát rất lớn.
Dành phần lớn thời gian trong cuộc trao đổi gần 40 phút với cử tri, Tổng Bí thư nêu rõ vai trò, chức năng của các chủ thể trong hệ thống chính trị theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Người đứng đầu Đảng đặc biệt lưu ý các chủ thể trong hệ thống chính trị phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, “anh nào cũng nghĩ quyền mình to”…
Với các đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri phải tuyệt đối tránh “hình thức, ngồi ra vẻ chú ý lắng nghe nhưng lại không nghe”.
“Cậy mình là cán bộ cấp trên xuống hạnh họe dân là không được. Nhưng người dân bảo dân làm chủ rồi nói tôi chẳng nghe cũng không được. Cho nên nên cần có luật pháp, Nhà nước phải có kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ông cho rằng cử tri và nhân dân có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đây là điều cơ bản. Ý kiến của nhân dân là quan trọng vì dân là người trực tiếp thụ hưởng và hiểu tất cả.
“Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân mà. Không được lòng dân là không giữ vững chế độ”, theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quan tâm việc sửa Luật Thủ đô. Cử tri Nguyễn Thị Minh Hà (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) đề nghị coi trọng việc xây dựng chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn; phân cấp mạnh cho cơ sở trong quản lý và thực hiện, đặc biệt làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của chính quyền từng cấp trong quản lý, điều hành.
Còn cử tri Nguyễn Tiến Đức (Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình) đề nghị, sửa đổi Luật Thủ đô lần này phải tháo gỡ được những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho Thủ đô phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển.
Tự nhận mình là “một cử tri ngoại thành Hà Nội” (ở huyện Đông Anh), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tự hào vì “mỗi ngày đều thấy Thủ đô thay đổi, phát triển”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chủ trương chính sách phải hợp lòng dân, phù hợp thực tế và có được kết quả cụ thể.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình