Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Toàn quốc quán triệt chỉ thị chống nhũng nhiễu, phiền hà cho dân

Thứ năm, 27/06/2019 - 08:05

(Thanh tra) – Sáng ngày 27/6, diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình phát biểu khai mạc hội nghị

Thực hiện chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Dự thảo Chỉ thị.

Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình xây dựng Chỉ thị được chuẩn bị một cách thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện và đảm bảo khả thi của các giải pháp.

Nhận diện 5 nguyên nhân

Chỉ thị của Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra thực tế là trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan.

Điều này đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình trên chủ yếu do 5 nguyên nhân.

Đầu tiên là, người đứng đầu chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng, chưa chủ động, chưa kịp thời phát hiện vi phạm.

Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm lại xử lý chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên khi bị phát hiện.

Thứ hai, tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhiều nơi vẫn còn kém.

Rõ nhất ở một số lĩnh vực như: Thuế, hải quan, quản lý đất đai, cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, quản lý đầu tư, quản lý môi trường, xây dựng, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành và một số đơn vị cung ứng dịch vụ hành chính công phục vụ yêu cầu của người dân ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục...

Nguyên nhân thứ ba là vẫn còn khe hở của cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, thiếu công khai minh bạch, vẫn còn nhiều “giấy phép con”…

Trong khi đó, việc tiếp nhận phản ánh, góp ý, phê bình, tố cáo của người dân, cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế.

Cuối cùng là, còn tình trạng người dân, doanh nghiệp vì muốn được giải quyết công việc của mình, đã dễ dàng tiếp tay cho những hành vi sai trái của cán bộ, công chức, viên chức để được giải quyết công việc của mình một cách không đúng, không chính đáng.

Xử lý ngay người đứng đầu bao che cấp dưới có hành vi sai trái

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP khẩn trương thực hiện ngay loạt giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

Theo đó, người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao.

“Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái”, Chỉ thị nêu rõ.

Cùng với đó, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết.

Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.

Nơi thường xuyên tiếp xúc với dân phải có ghi âm, ghi hình

Tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại như ghi âm, ghi hình…

Các Bộ, ngành, tỉnh, TP cũng phải đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý.

Có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện, chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử; cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Chỉ thị nêu rõ, không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hoạt động giám sát trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức Nhà nước nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ thị cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phổ biến quán triệt, triển khai chương trình hành động để thực hiện, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành chức năng có liên quan tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện...

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.

Hải Hà

17:54 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm