Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tòa án, Kiểm sát phải làm sao để dân thực sự tin tưởng vào công lý

Thứ sáu, 26/02/2016 - 06:20

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các báo cáo của Tòa án (TA), Kiểm sát (KS) không phải “kể lể” các vụ án, công việc mà phải đánh giá, tổng kết để ngành tiếp tục phát triển, để làm sao nhân dân thực sự tin tưởng, kể cả những người phạm tội cũng phải tin tưởng vào công lý…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Thảo Nguyên

Sáng qua (25/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc Phiên họp thứ 45 sau khi cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Xử nhiều vụ kinh tế, tham nhũng lớn

Báo cáo trước UBTVQH, theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trong 5 năm qua, các TA đã giải quyết 1.781.410 vụ án các loại trong tổng số 1.809.080 vụ án đã thụ lý, đạt 98,5%. Chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 1,35% so với nhiệm kỳ trước.

“Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng đã được các TA khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, TA đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng…

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết, những năm qua, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng trong hoạt động tư pháp được tăng cường. Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án về tham nhũng thiết thực góp phần xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh

“Việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh, PCTN”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói.

Viện KSND đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)…

Cần đánh giá cụ thể qua xét xử tác động như thế nào đến PCTN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, dù chỉ 1 vụ án oan cũng là gây thiệt hại rất lớn. “Dũng cảm nhận sai, kịp thời sửa sai, xin lỗi và bồi thường cho người bị kết án oan cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của ngành TA”, ông Lý đề nghị, nhiệm kỳ tới, cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn, thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tranh tụng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước, “các vụ án hành chính, nói nôm na là xử “quan” phải nói rõ hơn để tạo niềm tin về tính công lý của TA trong 5 năm qua”. Đặc biệt, điểm nhấn của báo cáo cần phải làm rõ qua công tác xét xử đã góp phần đấu tranh PCTN như thế nào vì đây là vấn đề đang bị “kêu” nhiều.

“Tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tham nhũng ra sao? Có vụ xử thì đúng người nhưng tội danh tham nhũng đáng xử thì không xử. Những việc này nên làm rõ, dư luận rất chú ý”, ông Kso Phước bày tỏ và cho biết, “nghe phong thanh và qua báo chí thì người ta cũng chưa yên tâm cuộc đấu tranh PCTN trong hoạt động xét xử của TA”, ông Phước nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, “báo cáo mới kể việc mà chưa toát được lên những điểm mới về cải cách tư pháp” nên cần “nâng cấp” để đánh giá tốt vị trí, vai trò của TA là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp; đồng thời phải nhấn mạnh, đánh giá cụ thể qua xét xử tác động như thế nào đến công tác PCTN.

Phải làm sao để nhân dân thực sự tin tưởng

Cho ý kiến về báo cáo của Viện KSND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định, trong 5 năm qua, các vụ án lớn, nhất là, nhiều vụ án tham nhũng nổi cộm, trong đó có những nhân vật có ảnh hưởng xã hội rất lớn, tưởng như bất khả xâm phạm đã được đưa ra xét xử công khai, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhưng vẫn còn chậm. Cho nên báo cáo cần chọn lựa nêu rõ những điểm nhấn như việc thực hiện Nghị quyết 49 về “Chiến lược cải cách tư pháp” của Bộ Chính trị đã thực hiện đến đoạn nào? Ảnh hưởng như thế nào đến ngành KS? Giai đoạn 5 năm tới như thế nào?

Tán thành với nhiều nội dung của báo cáo và báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đánh giá, nếu ngành KS không quyết tâm, sẽ không nhận trách nhiệm về mình, dẫn tới khó giải được oan sai cho người bị oan. Việc đánh giá tình hình PCTN cũng rõ hơn. Nhưng cần tổng kết, làm rõ vai trò của KS, nhất là hoạt động điều tra của KS thực hành quyền công tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tham nhũng như thế nào? Báo cáo nêu tình hình tội phạm giảm nhưng có thực sự giảm không?

“Nhấn mạnh, các báo cáo của TA, KS phải theo hướng tổng kết chứ không phải “kể lể” các vụ án, công việc của ngành”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, hết nhiệm kỳ, Viện trưởng có thể nghỉ, nhưng toàn ngành KS có nghỉ đâu? Lớp sau tiếp nối lớp trước, phải làm sao để hoạt đồng ngày càng chất lượng thì dân được nhờ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phục vụ nhân dân là bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân. Phục vụ chế độ là phải bảo vệ công lý. “Phải làm sao để nhân dân thực sự tin tưởng, kể cả những người phạm tội cũng phải tin tưởng vào sự công bằng trong xét xử”.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm