Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách

Hoàng Nam

Chủ nhật, 18/12/2022 - 15:59

(Thanh tra) - Theo Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027", từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh sẽ được truyền thông từ khi lấy ý xây dựng văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) đến khi thông qua, ban hành văn bản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT&TT. Ảnh: Hoàng Nam

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách trong bối cảnh hiện nay: Phải làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu được những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; người dân phải tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời thực hiện và thụ hưởng các chính sách này…

Thủ tướng nhận định, công tác truyền thông chính sách trong thời gian qua vẫn đang gặp “vấn đề”, chưa thực sự “nuột nà”, thông suốt, chưa thực sự làm cho người dân hiểu được hết các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nên nhiều nơi, nhiều lúc người dân chưa hiểu hết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Sau khi lấy các ví dụ về các vụ việc liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, Thủ tướng đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến cho công tác truyền thông chính sách hiện nay chưa thực sự hiệu quả, trọn vẹn, một là do nhận thức chưa đúng tầm; hai là sự đầu tư cho công tác truyền thông chính sách còn hạn chế và ba là việc tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt nên công tác phối hợp truyền thông từ Trung ương đến địa phương là chưa chủ động.

Thực tế cho thấy, không ít lãnh đạo cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn nghĩ rằng, truyền thông trong đó có truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, nên nhiều nơi, nhiều lúc có tình trạng bị động, né tránh báo chí, thậm chí còn đóng cửa, không hợp tác với báo chí. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của việc thực thi công vụ, bởi báo chí chỉ là một trong những kênh để truyền thông, làm cầu nối giữa cơ quan ban hành chính sách và người dân. Khi làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật, tạo ra sự tương tác và trao đổi giữa người dân và chính quyền: Nguyện vọng của nhân dân được đăng tải, được lắng nghe, chính quyền hiểu người dân, người dân chia sẻ với chính quyền; thì từ đó các chính sách ban hành ra sẽ giải quyết đúng, trúng những vấn đề của cuộc sống.

Hệ quả của việc truyền thông chính sách không tốt là người dân không đủ thông tin, không tự giác thực thi chính sách.

Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT trong thời gian tới phải triển khai thực hiện công tác truyền thông một cách toàn diện và bao trùm để mọi người dân đều được hưởng thụ các dịch vụ viễn thông.

Bộ TT&TT phải phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để điện đi đến đâu thì viễn thông đi tới đó, để trở thành “cặp đôi hoàn hảo”, mang lại dịch vụ điện và viễn thông cho người dân, tiến tới người dân ở đâu cũng có điện, ở đâu cũng có viễn thông, dù là biên giới hay hải đảo, xùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, không để ai bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Nam

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022, Bộ TT&TT tập trung xây dựng các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các chiến lược còn lại đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng; năm 2023, Bộ TT&TT sẽ ban thành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược này. Từ trước đến nay, việc hướng dẫn, đo lường kết quả thực hiện chính sách vẫn còn thiếu, Bộ TT&TT sẽ tập trung đo lường, đánh giá vào các kết quả thực chất như: Về bưu chính, sẽ đo lường kiểm soát chất lượng dịch vụ; về viễn thông, sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G; về dịch vụ công trực tuyến, sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến; về chuyển đổi số, sẽ nâng số tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%.

Về công tác truyền thông chính sách, tháng 11/2022, lần đầu tiên ở nước ta đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", nhằm nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách, đa dạng hoá các phương tiện truyền thông và đặc biệt là thay đổi nhận thức về truyền thông.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp: Truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vì vậy phải tổ chức bộ máy và phải có ngân sách dành riêng cho công tác truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Ngành TT&TT luôn tạo ra những thách thức cho chính mình để từ đó vươn lên và cũng sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho, nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn luôn tạo ra sự phát triển mới và giữ chúng ta ở vị trí xuất sắc, nếu không, ngành TT&TT sẽ chỉ là trung bình, với tinh thần của những chiến binh, chúng tôi xin nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm