Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 13/03/2014 - 15:39
(Thanh tra) – Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) sửa đổi.
Dự thảo Luật được xây dựng nhằm bảo đảm thiết chế Viện KSND đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm (ảnh minh họa - Thảo Nguyên)
Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) có 7 chương, 13 mục, 110 điều. So với Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002, Dự thảo giảm 4 chương nhưng tăng thêm 60 điều luật (trong đó, sửa đổi 78 điều, bổ sung 32 điều mới, không có điều nào được giữ nguyên).
Mở rộng quyền khởi tố vụ án hình sự?
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND được sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp; bảo đảm thiết chế Viện KSND có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thẩm quyền Viện KSND nhằm thể chế hóa chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.
Theo đó, Dự thảo đã bổ sung 3 điều mới quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Cùng với đó, bổ sung một mục về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Viện KSND, trong đó xác định rõ các trường hợp Viện KSND thực hiện điều tra và mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao phù hợp với phạm vi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Tán thành sự cần thiết tiếp tục quy định Viện KSND có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, song thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc quy định cụ thể các trường hợp Viện Kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra như thế nào, phạm vi và mức độ đến đâu phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). “Đề nghị không quy định cụ thể vấn đề này trong Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi)”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát viên thực hiện theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND. Nhưng thế nào là theo pháp luật? Chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng đến đâu? Quy định như thế nào để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng độc lập? Mối quan hệ giữa Viện trưởng và Ủy ban Kiểm sát giải quyết ra sao? Điều 25 Dự thảo quy định về quyền khởi tố vụ án hình sự của Viện Kiểm sát, nhưng Bộ Luật hình sự hiện hành chỉ quy định có 2 trường hợp Viện Kiểm sát có quyền khởi tố.
“Tính hợp hiến, hợp pháp cần được quan tâm”. Dự thảo chưa thể hiện rõ các quy định của Hiến pháp, cần phải rà soát lại các quy định để làm rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của Viện trưởng Viện KSND Tối cao và kiểm sát viên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất.
Đối với Điều 86 quy định “các Viện Kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện KSND được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn “nhiệm vụ khác” là nhiệm vụ gì? Nếu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ khác cho Viện trưởng Viện quân khu thì có thông báo cho Viện trưởng Viện KSND tối cao biết không? “Cần phải nghiên cứu lại quy định này. Viện Kiểm sát chỉ thực hiện những nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ thôi”, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Loại bỏ quy định độ tuội nghỉ hưu
Liên quan đến các quy định về chế độ tiền lương; phụ cấp; tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên Viện KSND Tối cao, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quối hội cho rằng cần rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, khoản 1 Điều 55 Dự thảo quy định “tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên Viện KSND Tối cao là 60 tuổi đối với nữ, 65 tuổi đối với nam” là chưa phù hợp với Điều 187 Bộ Luật lao động.
Bà Mai bày tỏ, nếu cứ “bê” độ tuổi nghỉ hưu vào Luật thì sẽ vênh với Bộ Luật lao động. “Không chỉ Luật tổ chức Viện KSND mà bất cứ luật nào cũng không được quy định tuổi nghỉ hưu ngoài Bộ Luật lao động. Tôi không phải không đồng tính với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với kiểm sát viên Viện KSND Tối cao nhưng phải được quy định bằng Nghị định của Chính phủ sau khi đã rà soát để tránh tình trạng thiếu thống nhất. Cho nên cần loại khoản 1 Điều 55 ra khỏi Dự thảo Luật”.
Cũng theo Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội, Điều 102, 103 Dự thảo quy định chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp cần phải xem xét lại, nếu không thì sẽ rất khó khăn khi tính thang bảng lương, nhất là sau này còn phải thực hiện cải cách tiền lương.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất cần phải xem xét, rà soát lại, nhất là Điều 103 còn quy định thêm “phụ cấp trách nhiệm nghề”. Các ngạch chức danh của Viện Kiểm sát cũng phải thống nhất với các thang bậc của pháp luật hiện hành như kiểm sát viên, kiểm sát viên chính, kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên tối cao thay vì quy định kiểm sát viên sở cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên Viện KSND tối cao.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với Ban Soạn thảo về việc tăng tuổi làm việc đối với kiểm sát viên Viện KSND Tối cao vì cho rằng trong hoạt động tư pháp kinh nghiệm giữ vai trò quan trọng, bảo đảm tính kế thừa giữa các thế hệ kiểm sát viên, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 187 của Bộ luật lao động năm 2012 là “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm”.
Từ quan điểm hệ thống tư pháp phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Luật Tổ chức phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ. Các cơ quan tư pháp vừa phải bảo đảm tính độc lập nhưng phải kiểm soát lẫn nhau.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khi thực hành quyền công tố, Viện Kiểm sát phát hiện điều tra sai thì phải kết luận rõ ràng rằng cơ quan điều tra làm sai, chứ không trả lại hồ sơ hay nếu thấy cần điều tra bổ sung thì phải chỉ rõ bổ sung cái gì? Sang đến Tòa án thì xét xử độc lập theo pháp luật chứ không phải độc lập theo ý mình. Xử theo pháp luật chứ không phải xử theo hướng công tố. Quyền con ngươi kết thúc khi tuyên án tử hình, nên xét xử tuyên tử hình thì Tòa án phải bảo đảm tất cả các khâu điều tra, công tố đúng pháp luật, nếu không thì phải chịu trách nhiệm. “Làm như vậy thì quyền con người mới được bảo đảm, chưa kể các quyền tư pháp”.
Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải rà soát lại các quy định của pháp luật để xem trước giờ các cơ quan tư pháp kiểm soát nhau như thế nào để sửa đổi, bổ sung trên tinh thần của Hiến pháp, đó là tất cả quyền lực phải được kiểm soát. “Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố, vậy việc công tố này sẽ được kiểm soát như thế nào? Xây dựng luật phải thể hiện được tinh thần này. Mỗi cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ từ đó mới hình thành nên bộ máy Nhà nước”.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC