Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Tăng trưởng tín dụng hợp lý, không để mất giá đồng tiền Việt Nam

Hương Giang

Thứ hai, 12/09/2022 - 22:23

(Thanh tra) - Theo Thủ tướng, đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế không? “Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt. Ảnh: Nhật Bắc

Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu ngân sách tăng hơn 19%, ước đạt xấp xỉ 86% dự toán. Xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Thị trường lao động phục hồi sau dịch. Quý III, nếu không có thay đổi lớn, dự kiến tăng trưởng GDP đạt trên 7%.

“Tăng trưởng cả năm dự kiến sẽ vượt mục tiêu 6-6,5%, nếu nỗ lực thì có khả năng cao hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam.

Giữ giá trị đồng tiền, chưa nên “nới lỏng” chính sách tiền tệ

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, có thể tin tưởng tăng trưởng của Việt Nam có thể trên 6,5% thậm chí 7%; lạm phát có thể kiểm soát được.

Theo ông, tới đây, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, mà suy cho cùng là phục vụ cho việc tăng tỷ giá. “Tôi có ý kiến riêng là Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá”, ông Phước đề nghị.

Ông Phước cho biết, các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát.

Ở Việt Nam, việc cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, là kênh gần chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, ông Phước cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng là rất thích hợp.

Theo ông, cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai bỏ room tín dụng; tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ “bơm, rút tiền” thông qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trưởng mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: NB

Ngoài ra, ông Phước đề nghị, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo, tránh trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.

Ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là hấp thụ vốn. Vì vậy, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt.

“Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản? Tôi nghĩ là không cần, vấn đề quan trọng là nguồn vốn ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào, tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp…”, ông Lịch khuyến nghị.

Đưa tiền ra phải trúng, đúng vào các động lực cho nền kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ thực tiễn vừa qua cho thấy, phải luôn hết sức bình tĩnh, bám sát tình hình thực tiễn để có chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

“Đưa tiền ra nhiều hay ít là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng hơn là đưa tiền ra có trúng, có đúng vào các động lực cho nền kinh tế gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng không? Tinh thần là không siết chặt một cách bất hợp lý, mà quan trọng là linh hoạt, hợp lý, hiệu quả”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ông cũng lưu ý, phải kiểm soát giá, không để mất giá đồng tiền Việt Nam. Coi trọng công tác phân tích, dự báo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tăng cường phối hợp chính sách.

Dự báo, tới đây, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, theo Thủ tướng, phải giữ vững bình tĩnh, đánh giá đúng nội lực để tự tin, chủ động, không lơ là, chủ quan.

“Trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt trong thời gian còn lại năm 2022 và những năm tiêu theo là “ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả. Bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hỗ trợ tích cực, hiệu quả chính sách tiền tệ; tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí phù hợp.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật tài chính ngân sách; tăng thu, tiết kiệm chi; tăng cường quản lý nợ công; công khai, minh bạch, phát triển ổn định, lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, kiên quyết chống đầu cơ, tăng giá, lũng đoạn thị trường, tạo yếu tố tâm lý khan hiếm hàng để trục lợi tăng giá.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm