Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi

Hải Hà

Chủ nhật, 22/09/2024 - 19:36

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ "quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HH

Chiều 22/9, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 với chủ đề “Bắc Ninh - Kinh Bắc, khởi sắc đầu tư”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Trước năm 2030, Bắc Ninh sẽ có 4 thành phố

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Thời gian tới, Bắc Ninh tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Đáng chú ý, Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Đặc biệt, Bắc Ninh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trước năm 2030 có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình. Tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện thực chất, hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan trưng bày quy hoạch tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HH

Thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá"

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận nguyên tắc cho các dự án đầu tư quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển.

“Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng đề nghị, tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá".

Theo Thủ tướng, “một trọng tâm" là: Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội để phát triển trong đó có hợp tác công tư.

"Hai tăng cường" là: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người và tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường.

"Ba đột phá" gồm: Đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm nhất là về giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa; đột phá phát triển công nghiệp công nghệ cao phục vụ chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới; đột phá ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong mọi mặt sản xuất, đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Để đạt được những mục tiêu đề ra tại quy hoạch, Thủ tướng đề nghị, tỉnh Bắc Ninh tích cực triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá phát triển đã được xác định trong quy hoạch, nhất là trong tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Thủ tướng yêu cầu, Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, văn hóa, hạ tầng số…

Về thu hút đầu tư, Thủ tướng đánh giá cao và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư; tin tưởng các dự án sẽ triển khai thành công.

Thủ tướng cho biết, 9 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về quy mô thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đạt 4,3 tỷ USD và ngay sau hội nghị hôm nay cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án mới cho Sumsung Display 1,8 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư đến tháng 10 đạt 6,1 tỷ USD và quy mô thu hút vốn đầu tư đến nay đạt trên 35 tỷ USD.

Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “ba cùng": “Cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển", cùng chung niềm tự hào và vinh dự.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng toàn thể các bộ, ngành và lãnh đạo các cấp của tỉnh Bắc Ninh: “Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển, mở ra cơ hội mới, giá trị mới cho địa phương và các đối tượng thụ hưởng”.

Thủ tướng mong muốn, tỉnh Bắc Ninh thực hiện 16 chữ là: “Khai phá tiềm năng, khẳng định chính mình, kiên định mục tiêu, kiến tạo, thịnh vượng” và 16 chữ “Bắc Ninh văn hiến hội tụ tinh hoa, đoàn kết kiên cường, phồn vinh hạnh phúc”.

Khởi công 2 dự án nghìn tỷ Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương thực hiện nghi thức khởi công Dự án xây dựng cầu Kênh Vàng. Ảnh: HH  Trong khuôn khổ hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, đã diễn ra nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương. Nghi lễ tổ chức khởi công được chuyển từ hình thức trực tiếp sang hình thức online. Toàn bộ kinh phí để khởi công trực tiếp đã được dành để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại sau cơn bão số 3. Dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài tuyến khoảng 13,4km, có tổng kinh phí hơn 2.182 tỷ đồng. Vị trí xây dựng tại huyện Gia Bình, huyện Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh và huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Dự kiến, cây cầu được hợp long vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (1/1/1997-1/1/2027). Cũng tại hội nghị, tỉnh Bắc Ninh đã nhấn nút khởi công dự án khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ, với tổng vốn đầu tư hơn 1.323 tỷ đồng. Dự án gồm 4 tòa nhà ở xã hội, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích xây dựng hơn 100.000 m2 sàn. Dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2025, dự án sẽ cung cấp 914 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 3.000 người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm