Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: Nhiệm vụ năm 2024 còn rất nặng nề, phải phản ứng chính sách nhanh, hiệu quả

Hương Giang

Thứ hai, 07/10/2024 - 10:30

(Thanh tra) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 địa phương, Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV của năm 2024 còn rất nặng nề, cho nên phải phản ứng chính sách nhanh, hiệu quả; thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Chính phủ họp thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 địa phương. Ảnh: N.Bắc

Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 địa phương.

Chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp.

Hành động của các bộ, ngành, địa phương là một điểm sáng

Thủ tướng đánh giá, từ đầu năm và trong tháng 9, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nổi lên là cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi.

Cước vận tải quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp….

Với nước ta, theo Thủ tướng, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu, khả năng cạnh tranh hạn chế. Đặc biệt, cơn bão số 3 gây hậu quả nặng nề tại các địa phương phía bắc.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

“9 tháng năm 2024 tốt hơn 9 tháng của năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực”, người đứng đầu Chính phủ nhận định, tăng trưởng phục hồi mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Phản ứng chính sách, hành động của các bộ, ngành, địa phương là một điểm sáng, điểm nhấn của quý III và tháng 9, nhất là trước bão lũ vừa qua, các địa phương đã ứng phó và phục hồi nhanh.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.

Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới còn bấp bênh, hậu quả bão số 3, những vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính còn những rào cản…

Lưu ý nhiệm vụ cho tháng 10 và quý IV còn rất nặng nề, Thủ tướng nhấn mạnh phải bám sát, đánh giá chính xác tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Ông yêu cầu tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ các thời cơ phát triển, các thị trường, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, khắc phục hậu quả bão số 3, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là thể chế huy động nguồn lực.

Cùng với đó nỗ lực hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Lưu ý nhiệm vụ năm 2024 còn rất nặng nề, Thủ tướng nhấn mạnh phải phản ứng chính sách nhanh, hiệu quả. Ảnh: N.Bắc

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Còn hơn 163.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế-xã hội quý III, 9 tháng và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2024, thời gian tới để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực công nghiệp và xây dựng - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế.

Trong đó, dịch vụ là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, 48,41%. Theo Tổng cục Thống kê, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,95% so với năm trước.

Công nghiệp và xây dựng cũng tăng cao so với cùng kỳ 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 8,34%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%.

Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 (Yagi) vào tháng 9 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực này trong 9 tháng tăng 3,2%, thấp nhất 4 năm. Mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020.

Về lạm phát, CPI bình quân quý III tăng 3,48% so với năm ngoái. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Cũng trong 9 tháng, cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7%. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Song số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân, một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thấp hơn so với số doanh nghiệp gia nhập.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cũng cho thấy số doanh nghiệp lạc quan giảm xuống còn 34,7%. Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý IV dự kiến tăng lên 42,2%.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm