Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Thù lao 2 triệu, có khi người làm chứng cũng không muốn nhận, chứ đừng nói 200 nghìn đồng”

Hương Giang

Thứ tư, 13/12/2023 - 16:46

(Thanh tra) - Theo Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, thù lao cho người làm chứng nâng từ 50 nghìn đồng/ngày lên 200 nghìn đồng/ngày. Trước ý kiến cho rằng mức này cao, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, làm chứng nguy hiểm kinh khủng, “thù lao 2 triệu, có khi người ta cũng không muốn nhận, chứ đừng nói 200.000 đồng/ngày”.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tiếp tục chương trình phiên họp 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, chiều 13/12.

“Người ta sợ làm chứng lắm, nguy hiểm kinh khủng”

Dự thảo Pháp lệnh có 93 điều, 13 chương, quy định về xác định chi phí tố tụng; nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu, việc xử lý tiền tạm ứng chi phí tố tụng; miễn, giảm tiền tạm ứng, miễn, giảm chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Dự thảo Pháp lệnh quy định chi phí trong thủ tục xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, Dự thảo Pháp lệnh mở rộng, quy định 13 loại chi phí tố tụng. Danh mục chi phí thù lao và phụ cấp xét xử ban hành kèm theo dự thảo pháp lệnh, quy định mức cụ thể với 7 loại thù lao/phụ cấp.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, ủy ban này cơ bản tán thành với chủ trương sửa đổi, nâng mức chi cao hơn quy định hiện hành.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra thấy, một số mức thù lao cao hơn khá nhiều như thù lao cho người làm chứng nâng từ 50 nghìn đồng/ngày lên thành 200 nghìn đồng ngày; phụ cấp xét xử của hội thẩm nâng từ 90 nghìn đồng/ngày lên thành 900 nghìn đồng/ngày....

“Đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải căn cứ sửa đổi các mức chi và tiếp tục cân nhắc, đề xuất mức chi phù hợp”, bà Nga nói. Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ có ý kiến với danh mục này.

Giải trình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, chúng ta cần công lý, động viên người ta ra làm chứng.

Thực tế, người làm chứng không cần thù lao 200 nghìn đồng/ngày, họ rất sợ phải ra tòa làm chứng, nhất là trong vụ án hình sự.

“Thù lao 2 triệu, có khi người ta cũng không muốn nhận, chứ đừng nói 200 nghìn đồng/ngày. Người ta sợ làm chứng lắm các đồng chí ạ, nguy hiểm kinh khủng”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Ảnh: P.Thắng

Còn mức phụ cấp xét xử của hội thẩm nâng lên 900 nghìn đồng/ngày, theo ông Bình, không phải là “bốc thuốc”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải, mức chi cho luật sư chỉ định là 750 nghìn đồng/ngày. Hội thẩm bỏ phiếu phải chịu trách nhiệm sinh mạng chính trị, nên mức phụ cấp cao hơn luật sư chỉ định.

Ông cũng cho hay, Bộ Tài chính ủng hộ mức tăng này.

Một số vấn đề lớn ý kiến còn khác nhau

Quá trình xây dựng Dự thảo Pháp lệnh, theo lãnh đạo TAND Tối cao, đa số ý kiến tán thành với nhiều nội dung. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn ý kiến còn khác nhau.

Một trong những vấn đề ý kiến còn khác nhau là đối tượng được hưởng phụ cấp xét xử cho Hội thẩm.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...) được hưởng phụ cấp xét xử cho hội thẩm khi tham gia xét xử là phù hợp với Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương của Trung ương.

Lý do, hội thẩm là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử tại tòa án. Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử, hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức không đại diện cho cơ quan, đơn vị mình, không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong vị trí việc làm mà họ được giao.

Phụ cấp xét xử cho hội thẩm tương đồng với phụ cấp trách nhiệm công việc áp dụng cho đối tượng làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao đã được định hướng trong Nghị quyết số 27.

Thêm nữa, khoản phụ cấp này không thuộc một trong các loại phụ cấp, khoản thu nhập ngoài lương mà Nghị quyết số 27 yêu cầu phải bãi bỏ.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến. Ảnh: P.Thắng

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, hội thẩm là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì không được hưởng phụ cấp xét xử. Việc quy định phụ cấp xét xử cho đối tượng này là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27 về “bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước...”.

Dự thảo Pháp lệnh thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất, theo ông Tiến.

Về chi phí thù lao cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia hoạt động tố tụng, ông Tiến cũng cho hay, có 2 loại ý kiến.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, Dự thảo Pháp lệnh cần phân biệt về chi phí thù lao của người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, người có vị trí việc làm không xác định phải tham gia các hoạt động tố tụng thì có chi phí thù lao. Còn người có vị trí việc làm đã bao gồm nhiệm vụ tham gia hoạt động tố tụng thì khi tham gia các hoạt động này, họ không được hưởng thù lao. Dự thảo Pháp lệnh thể hiện theo loại ý kiến này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị lùi thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua pháp lệnh này cho đến khi có văn bản triển khai thi hành Nghị quyết số 27 của cơ quan có thẩm quyền.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo bà Nga, đa số Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án như TAND Tối cao đã lựa chọn và thể hiện trong dự thảo pháp lệnh.

Tuy nhiên, đây là một nội dung quan trọng của dự thảo pháp lệnh, liên quan trực tiếp đến thực hiện Đề án Cải cách chính sách tiền lương, chưa có văn bản triển khai thi hành nên vẫn còn cách hiểu và ý kiến khác nhau nên Ủy ban Tư pháp báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nêu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với phương án thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất. Đó là, đối tượng được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong mô tả vị trí việc làm của họ không có nhiệm vụ quyền hạn tham gia hoạt động tố tụng thì được hưởng thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm