Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường bất động sản phát triển không khớp với đô thị hóa sẽ xuất hiện “TP ma”, “thị trấn ma”

Hương Giang

Thứ hai, 19/06/2023 - 22:38

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nếu phát triển thị trường bất động sản không khớp với đô thị hóa sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện các “TP ma”, “thị trấn ma”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau khi nghe tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Phân khúc cao cấp thì quá nhiều

Nêu ý kiến, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói, qua xem xét tờ trình dự thảo luật, ông thấy thiếu vắng các quy định có tính dẫn dắt, định hướng thị trường bất động sản.

“Thị trường bất động sản có nhiều phân khúc nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu sa vào phân khúc cao cấp”, ông Vân đề nghị luật phải xác lập được vai trò của Nhà nước trong định hướng để thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định cơ cấu lại thị trường bất động sản.

“Hiện nay cơ cấu thị trường như anh Vân nói là chưa thực sự hợp lý. Vậy luật này góp phần cơ cấu lại thị trường này thế nào?”, ông đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các phân khúc trong cơ cấu thị trường bất động sản hiện không hợp lý trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

“Phân khúc cao cấp thì quá nhiều. Nhà ở xã hội thì bây giờ mới coi trọng, chưa có chính sách đột phá”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, cần có chính sách để điều tiết, cơ cấu lại thị trường.

Thêm nữa, Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) giao thoa với rất nhiều luật khác, nhất là Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở. Do đó, theo ông Vương Đình Huệ, cần phải rà soát kỹ tránh xung đột giữa các luật.

Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý, nếu phát triển thị trường bất động sản không khớp với đô thị hóa sẽ dẫn đến tình trạng như ở Trung Quốc xuất hiện các “TP ma”, “thị trấn ma”.

“Dự án luật này có công cụ nào để điều tiết cái này. Theo tôi công cụ quan trọng nhất chính là quy hoạch và kế hoạch”, ông nói và nhấn mạnh cần tính toán cả trục thời gian trong các quy hoạch.

“Anh quy hoạch bấy nhiêu đất đô thị, dự án bất động sản nhưng trong cùng thời gian tung ra nhiều dự án thì thừa cung. Ngược lại ít quá thì lại đẩy giá lên cao”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong vấn đề này điều phối của Nhà nước là rất quan trọng, cả ở Trung ương lẫn địa phương.

“Công cụ là quy hoạch nhưng quan trọng là phải quản lý quy hoạch đó thế nào. Chứ bây giờ nhoằng cái lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cho nên, Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định rất chặt vấn để điều chỉnh quy hoạch. Còn luật này này liên quan cấp phép dự án, cần phải có thông tin công khai các dự án thế nào để người dân biết”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tổ.

Cần quy định chủ đầu tư nộp đủ tiền vào ngân sách mới được giao đất

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định năng lực tài chính với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý

Việc này, theo ông Phớc, nhằm đảm bảo chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính để triển khai dự án đúng tiến độ. Bởi hiện nay có tình trạng hàng trăm nghìn người dân không được cấp giấy tờ vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, luật quy định giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp không nộp sẽ bị phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng.

Dẫn tới trường hợp doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của người dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách. Hậu quả là người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền sẽ đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thiết kế trong luật cần đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Những tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự cần đưa ra tòa

“Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết?”, Bộ trưởng Phớc đặt câu hỏi.

Do đó, ông Phớc cho rằng cần có quy định chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau phải đi đòi nợ”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Liên quan đến sàn giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho hay, vừa qua giao dịch qua sàn bất động sản chưa quản lý được, xuất hiện nhiều hiện tượng “bắt tay” giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch để nâng giá, đẩy giá bất động sản lên cao, gây sốt ảo thị trường.

Mặt khác giao dịch qua sàn cũng tạo thêm khâu trung gian, phát sinh chi phí và chưa rõ tính pháp lý của các hợp đồng giao dịch qua sàn, liệu có thay thế được hợp đồng công chứng hay không.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, ông Hùng cho rằng, không nên bắt buộc mọi giao dịch bất động sản phải qua sàn, mà chỉ nên khuyến khích. Nếu các sàn giao dịch đi vào hoạt động bài bản, quy củ, minh bạch thì nếu tốn thêm chi phí người dân cũng chấp nhận, tự nguyện tham gia.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm