Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Tay bẩn thì không chống tham nhũng được”

Thứ năm, 08/09/2016 - 08:52

(Thanh tra) - Chiều ngày 7/9, thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần phải có cơ chế để lực lượng chống tham nhũng yên tâm bảo đảm ổn định cuộc sống vì “muốn chống tham nhũng thì bàn tay phải sạch, tay bẩn thì không chống tham nhũng được”.

Toàn cảnh phiên họp

Giao thủ trưởng kiểm tra tham nhũng chính ngành mình là “điểm nghẽn”

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, con số này giảm hơn 155% so với cùng kỳ năm 2015.

Đánh giá về việc này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, có dư luận phản ánh tình trạng người đứng đầu, cơ quan quản lý nhà nước coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình.

“Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể các trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, nhất là 5 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự được nêu trong báo cáo là do họ có hành vi tham nhũng hay do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng”, ông Cường nói.

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, việc giao cho Thủ trưởng tự kiểm tra chính quân của ngành mình là một “điểm nghẽn” trong công tác phòng, chống tham nhũng.

“Thủ trưởng tự kiểm tra trong đơn vị mình để báo cáo, mai kia lại bị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Phong lý giải.

Xử án tham nhũng chủ yếu nhỏ ở cấp xã: Tại sao?

Qua khảo sát tại một số tỉnh của Ủy ban Tư pháp cho thấy, tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới khung luật định đối với các vụ án tham nhũng tại địa phương còn cao.

Ví dụ, Thanh Hóa xét xử 8 bị cáo về các tội danh tham nhũng, cho hưởng án treo 3 bị cáo, 25% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Nghệ An xét xử 7 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì cho 3 bị cáo được hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

“Thực tế cho thấy tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, phường, thị trấn hoặc những vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, cấp huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng được ít. Đề nghị Chính phủ, các ngành cần đánh giá rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng này”, Thường trực Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Hơn nữa, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng còn chưa tương xứng với quy mô của bộ máy chống tham nhũng và tình hình tham nhũng đang diễn ra.

Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2015. Qua theo dõi, Ủy ban Tư pháp đánh giá, vài năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố liên tục giảm dần theo từng năm. Đáng chú ý, năm 2015, số vụ cơ quan điều tra khởi tố mới giảm tới hơn 43%, số bị can bị khởi tố giảm tới 87% so với cùng kỳ 2014.

Không thiếu quyết tâm chính trị

Dự báo, trong năm 2017 và các năm tiếp theo tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền.

Ông Nguyễn Hải Phong cho rằng, chúng ta không thiếu quyết tâm chính trị, song chúng ta lại có “điểm nghẽn” là cơ cấu và cơ chế.

“Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Phát hiện không ra, yếu kém, hoặc bỏ lọt, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nhưng tham nhũng trong quản lý kinh tế đang giao cho ba ông, không ai chịu trách nhiệm chính cả? Đề nghị nếu tin ai thì thảo luận giao cho một ông chịu trách nhiệm, hoặc Công an, ông Thanh tra”, ông Phong nói.

Để lực lượng chống tham nhũng yên tâm, theo ông Phong đã giao phải tin, đã tin rồi mới giao, kèm theo đó phải có cơ chế chính sách bảo đảm cho họ ổn định cuộc sống.

“Muốn chống tham nhũng thì bàn tay phải sạch, tay bẩn thì không chống tham nhũng được. Phải để người ta yên tâm, tức là không muốn tham nhũng”, Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao nói thêm.

Ông Phong cũng nêu lên một thực tế hiện nay “chỉ có dân và nhà báo tố thôi, cán bộ, đảng viên thì giấu cho thủ trưởng”. Do vậy, nút gỡ quan trọng vẫn là vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu để tạo dựng cơ chế phòng chống tham nhũng đồng thời xây dựng cơ chế tốt bảo vệ người tố cáo.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Vụ Trọng Kim cho rằng, cán bộ công chức viên chức hiện “tê liệt”, không dám tố giác tham nhũng vì sợ bị trù dập, mất lương nên phải có cơ chế, chính sách để bảo vệ.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm