Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẽ xóa bỏ cơ chế "xin-cho" trong quản lý tài nguyên

Thứ ba, 23/08/2011 - 22:35

Chiều 23/8, tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trao đổi với phóng viên về những nhiệm vụ chính yếu của Bộ trong nhiệm kỳ này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. (Nguồn: Internet)

- Thưa Bộ trưởng, với mục tiêu nâng cao hơn nữa vị thế và giá trị đóng góp của ngành cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã thực hiện chiến lược kinh tế hóa ngành; xin Bộ trưởng cho biết chiến lược này sẽ được tiếp tục thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tài nguyên và các giá trị của môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.Với một nền kinh tế đang được xem là dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, đóng góp của lĩnh vực này cho tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư phát triển có ý nghĩa mang tính quyết định.

Đất nước ta đang chủ trương xây dựng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc hình thành tư duy, cách nghĩ, thiết lập cơ chế, chính sách quản lý dựa trên các nguyên tắc, quy luật của thị trường để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khắc phục những bất cập của cơ chế còn nặng về hành chính, bao cấp trong quản lý tài nguyên và môi trường là rất cần thiết.

Để thực hiện tốt những vấn đề này, phải dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc; tạo được dư luận ủng hộ và đồng thuận trong các cấp, các ngành và trong xã hội; có lộ trình, bước đi thận trọng, phù hợp mới đảm bảo được sự thành công.

Trong Đề án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn đến năm 2013, về cơ bản hình thành được cơ sở lý luận và thực tiễn, xây dựng được khung chính sách tổng thể, lộ trình và kế hoạch thực hiện.

Giai đoạn 2014-2020 sẽ tập trung xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, mục tiêu đổi mới toàn diện cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ, với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ cơ chế "xin-cho" trước đây.

Đây là vấn đề lớn, có tính chiến lược, liên quan tới nhiều bên và nhiều yếu tố, cần có sự ủng hộ, đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương nên cần phải có thời gian nhất định để thực hiện các nội dung đề ra.

- Được biết Luật Đất đai (sửa đổi) đang được hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay, Bộ trưởng kỳ vọng thế nào về Luật Đất đai (sửa đổi) lần này?

Bộ trưởng: Đất đai đang là vấn đề nóng, nhạy cảm và phức tạp, có liên quan đến mọi người dân và doanh nghiệp nên có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai là vấn đề hệ trọng của đất nước, luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.

Trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đã được ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh.

Những đổi mới về chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai về cơ bản phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, tạo điều kiện phát huy nguồn nội lực đất đai để góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đất nước bền vững trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục.

Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết được những tồn tại vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất hiện nay, đồng thời phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW và ra nghị quyết mới về vấn đề này tại kỳ họp tháng 4/2012, sẽ đưa ra quan điểm lớn chỉ đạo xuyên suốt về vấn đề quản lý đất đai, định hướng cho sửa đổi Luật với một số mục tiêu chính. Đó là, Luật Đất đai (sửa đổi) phải góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và mang lại hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai một cách bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm tới.

Mặt khác, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và doanh nghiệp; tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển bằng hình thức tạo quỹ đất sạch của Nhà nước để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; giảm dần và tiến tới xóa bỏ cơ chế "xin-cho" trong giao đất, cho thuê đất.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước; hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai. Đồng thời giảm khiếu kiện về đất đai bằng cơ chế tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, đảm bảo ổn định xã hội.

- Khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phần lớn không thể tái tạo. Bộ trưởng cho biết cần có những giải pháp nào để quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản mang lại hiệu quả cao nhất?


Bộ trưởng: Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua năm 2010 đã có nhiều quy định cụ thể để đảm bảo thực hiện trong các khâu lập chiến lược, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Theo đó, nội dung chiến lược khoáng sản nhất thiết phải đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thăm dò, khai thác khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.

Trong hoạt động thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.

Khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa kể cả khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm. Khoáng sản phải được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, nghĩa là không được sử dụng khoáng sản có giá trị cao hơn vào lĩnh vực chỉ yêu cầu khoáng sản có giá trị thấp hơn.

Chẳng hạn như không được sử dụng đá vôi có thể làm nguyên liệu sản xuất ximăng đem đi làm đá rải đường...

Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế-xã hội.

Chính sách này sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến sâu, hạn chế sử dụng ở dạng nguyên liệu thô. Như vậy, về cơ sở pháp lý, Luật Khoáng sản đã có nhiều quy định cụ thể để đảm bảo khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài việc xử lý tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, để mức xử phạt các hành vi vi phạm được nâng lên đủ mức ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Mặt khác biểu dương khen thưởng xứng đáng, kịp thời cho việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả khoáng sản là việc làm cần thiết.

- Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý những lĩnh vực của ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có lộ trình và bước đi cụ thể như thế nào?

Bộ trưởng: Mục tiêu hướng tới của công tác quản lý tài nguyên và môi trường là đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được quản lý chặt chẽ, phát huy được vai trò đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngành đã và đang tập trung xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ hơn nữa nhằm tạo nền tảng vững chắc điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường trong xã hội.

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý của ngành, cần tập trung vào bốn vấn đề sau:

Một là, cần tiếp tục làm rõ những cơ chế, cách làm tốt đã được khẳng định để phát huy; kết hợp phát hiện những bất cập, những gì không còn phù hợp để điều chỉnh, sửa đổi; đồng thời nghiên cứu áp dụng các cơ chế, công cụ, cách làm mới để bắt nhịp cùng tiến trình đổi mới phát triển đất nước và thời đại, đặc biệt là quá trình hội nhập quốc tế để cơ chế, cách làm của chúng ta phù hợp, liên thông được với bên ngoài, với các nước.

Hai là, những lĩnh vực đã có cơ chế, chính sách, pháp luật tốt, hoàn thiện rồi thì tập trung chính cho việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm việc thi hành, thực hiện đi vào cuộc sống.

Những lĩnh vực mà cơ chế quản lý chưa rõ, chưa có hoặc chưa hoàn thiện thì tập trung chính cho việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thiết lập và vận hành thông suốt cơ chế quản lý.

Ba là, cần nâng cao vai trò, nâng tầm đóng góp của tài nguyên, các giá trị môi trường cho phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục là định hướng lớn của ngành.

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà sách nhiễu làm khó người dân và các doanh nghiệp cũng cần được quan tâm.

Chú ý cải thiện mối quan hệ trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương theo hướng thiết lập một hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, thống nhất trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, phát huy vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước.

Bốn là, với trách nhiệm lớn, phức tạp và khó khăn, ngành tài nguyên và môi trường cần có đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đủ tầm, hiểu biết rộng, có chuyên môn tốt, có kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội; đội ngũ cán bộ tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra có kiến thức chuyên môn, nắm chắc pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, có kinh nghiệm thực tiễn, có ý thức trách nhiệm và đào đức nghề nghiệp...

Đối chiếu với các yêu cầu đã nêu trên, ngành tài nguyên và môi trường sẽ rà soát, có lộ trình và bước đi phù hợp nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục bất cập, gỡ bỏ các rào cản, nâng cao hơn nữa công tác quản lý ngành, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển, mong muốn và nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


 (TTXVN/Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm